Vì sao Trung Quốc giảm lãi suất?

(ĐTTCO) - Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất hôm thứ Năm 20-1 và lần này là lãi suất cho vay bất động sản. Như vậy chỉ sau vài ngày giảm lãi suất cho vay ngắn và trung hạn cùng với thông điệp của Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục kéo lãi suất xuống, quốc gia này cho thấy lúc này tăng trưởng kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất từ ngày 20-1.
Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất từ ngày 20-1.
Việc thanh lọc thị trường bất động sản đã khiến cho thị trường bất động sản Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều tập đoàn lớn rơi vào khủng hoảng nợ thậm chí phá sản. Trường hợp Evergrande đã thu hút rất nhiều quan tâm trong năm vừa qua.
Thêm vào đó, biến thể Omicron đã xuất hiện ở Trung Quốc và có nhiều lo ngại rằng chính sách zero-covid của chính phủ sẽ khiến quy định giãn cách hay phong tỏa sẽ quay trở lại ở một số thành phố lớn.
Năm 2021 tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên đến 8,1%, một con số nhìn qua rất ấn tượng, nhưng phải thấy rằng đây là mức tăng từ xuất phát điểm thấp của năm 2020.
Số liệu kinh tế quý IV-2021 cho thấy tăng trưởng GDP là 4% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn dự báo nhưng tốc độ lại chậm hơn quý trước đó. Ngoài ra, tăng trưởng của dịch vụ bán lẻ tháng 12-2021 chỉ là 1,7%. Những chỉ số này cho thấy một quán tính đang chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
Một cách trực tiếp, Trung Quốc giảm lãi cho vay bất động sản kỳ hạn 1 năm từ 3,8% xuống còn 3,7%, và kỳ hạn 5 năm từ 4,65% xuống còn 4,6%. Với việc hạ lãi suất cho vay, chi phí vay sẽ giảm và mục tiêu là kích thích tăng trưởng tín dụng sau Tết Nguyên đán, tạo lực đẩy cho nền kinh tế. 
Nhiều chuyên gia và nhà phân tích nhận định Trung Quốc vẫn còn thoải mái các chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế, vấn đề là các nhà hoạch định muốn hiệu ứng được truyền dẫn qua các kênh nào, chẳng hạn như giảm lãi suất chung hay cho một số ngành đặc thù, có giảm dự trữ bắt buộc hay tăng mua trái phiếu. Đó là chưa kể về chính sách tài khóa, Trung Quốc vẫn còn dư khả năng để có các gói kích thích kinh tế. 
Dự kiến mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế xã hội khác sẽ được thông qua ở kỳ họp Quốc hội tháng 3 sắp tới.
Lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng có cơ sở khi mới đây tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm. Việc phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu như năm 2019 cần 1 hoặc 2 năm sau khi đại dịch kết thúc. 
Thêm vào đó, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nước như Trung Quốc đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Các nước có sự dịch chuyển hướng đến là Việt Nam, Lào, Campuchia, Bangladesh, và Ethiopia.
Như vậy, việc giảm lãi suất và giảm trực tiếp trong các khoản cho vay bất động sản là cách Trung Quốc muốn hỗ trợ nền kinh tế nhanh nhất, vào lĩnh vực có tác động nhiều đến nền kinh tế. 
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới, kết hợp cùng các chính sách tiền tệ và tài khóa khác trong tầm tay của mình để đạt được các mục tiêu đặt ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng.  

Các tin khác