Vị thế mới của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu

(ĐTTCO)-Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi một cách mạnh mẽ khi mà thế giới vẫn đang đối mặt với cuộc đại suy thoái do tình trạng phong tỏa hoặc cách ly xã hội cục bộ. Mặc dù chịu những tác động bất lợi từ Covid-19, thương chiến với Mỹ và những bất ổn của thế giới, nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn tăng trưởng và đóng góp khoảng 15% vào GDP trong 9 tháng năm 2020. 
Vị thế mới của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu
Với khối lượng thương mại toàn cầu dự báo giảm 10,4% trong năm nay (IMF, 2020), Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng chiếm lĩnh thị phần thương mại và khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế.
Đại dịch khiến các quốc gia đối mặt với một trong những lần suy thoái kinh tế trầm trọng nhất lịch sử. Trong khi Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức vẫn đang chìm sâu vào đợt suy thoái này, thì kinh tế Trung Quốc đã phục hồi thần kỳ kể từ quý II-2020.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy, sau khi trải qua mức tăng trưởng kinh tế giảm 6,8% vào quý I-2020, nền kinh tế của quốc gia này đã tăng trưởng trở lại vào quý II-2020 và quý III-2020 lần lượt ở mức 3,2% và 4,9% sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19, tính chung GDP đạt 0,7% trong 9 tháng năm 2020. 
Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng GDP dương trong năm 2020 với mức 1,9% do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo. Kết quả này khẳng định vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai hiện nay, góp phần rút ngắn khoảng cách với Mỹ và nới lỏng với phần còn lại của thế giới (ROW).

Xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng tốc
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), Tổ chức Giám sát Thương mại Thế giới CPB, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cho thấy xuất khẩu của quốc gia này giảm đáng kể do tác động của Covid-19 và cuộc đại phong tỏa toàn cầu, điển hình là mức giảm hơn 16% tại thời điểm tháng 2-2020.
Tuy nhiên, đà phục hồi đã quay trở lại và tăng nhanh trong các tháng 8, 9, 10 với mức lần lượt 9,5%, 9,9% và 11,4% so với cùng kỳ, góp phần làm xuất khẩu lũy kế tăng 0,5%. Mặc dù trong những tháng gần đây thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, nhưng quy chung cả năm 2020 vẫn giảm 9,2% theo ghi nhận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi đó IMF dự báo giảm khoảng 10,4% trong khối lượng thương mại bao gồm hàng hóa và dịch vụ.
Kết quả này cũng hàm ý nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc đang dần quay trở lại và tăng nhanh trong những tháng gần đây, đặc biệt là với các đối tác thương mại quan trọng như các quốc gia thành viên ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật.
Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, điển hình là hoạt động thương mại đến từ những quyết sách mạnh dạn để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19, đây là nhân tố quyết định đến việc liệu nền kinh tế có phục hồi và tăng trưởng. 
Vị thế mới của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu ảnh 1 Tăng trưởng trong giá trị gia tăng công nghiệp của Trung Quốc (% so với cùng kỳ năm trước)  tháng 9-2019 và tháng 10-2020. Nguồn: Dữ liệu trích xuất từ NBS.
Cụ thể hơn, Trung Quốc đã cho thấy sự phục hồi công nghiệp nhanh chóng sau khi lao dốc ở mức khoảng -26% vào tháng 2-2020 (biểu đồ), kết quả phục hồi đã mở đường cho triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia này.
NBS ghi nhận tăng trưởng trong giá trị gia tăng công nghiệp tháng 8, 9 lần lượt là 5,6% và 6,9% so với cùng kỳ năm 2019, lũy kế trong 9 tháng năm 2020 tăng 1,2%. Tháng 10-2020 vẫn duy trì ở mức 6,9%, như vậy sự tăng trưởng công nghiệp đã quay lại ở mức gần như ngang bằng với trước khi đại dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi do các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng hoặc dỡ bỏ ở một số quốc gia. Nhưng Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và làm các hoạt động sản xuất tê liệt vì thiếu lao động, việc vận chuyển gặp phải khó khăn. Chính vì vậy, lượng cung hàng hóa toàn cầu vẫn đang thiếu hụt, trong khi đó nhu cầu chi tiêu đã bắt đầu phục hồi, đây là mối quan hệ rất cơ bản giữa cung-cầu trên thị trường. 
Trong nguy có cơ, các quốc gia nào càng kiểm soát tốt Covid-19 thì sẽ càng nhanh chóng quay lại “đường đua” chiếm lĩnh thị phần thương mại toàn cầu, và Trung Quốc đang cho thấy điều đó. Kết quả này phần nào hàm ý Trung Quốc đã có những chiến lược xoay chuyển tình thế, cụ thể là thiết lập một cấu trúc đa phương theo kiểu toàn cầu hóa mới, làm suy yếu vai trò dẫn dắt “cuộc chơi” của Mỹ. Vòng lưu thông kép và lưu thông nội bộ dần được hình thành, và khi đó vị thế của Trung Quốc tiếp tục được nâng tầm (nội dung này đã được PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo trình bày ở số báo trước đây).
Một vấn đề đặt ra cho Trung Quốc hiện nay đó chính là đồng nhân dân tệ (CNY) đang lên giá so với đồng đôla Mỹ (USD) trong những tháng gần đây, và sẽ tiếp tục xu hướng này ít nhất đến hết năm 2020. So với đầu năm 2020, CNY vào đầu tháng 11-2020 đã tăng giá khoảng 4% so với USD.
Giải thích cho sự tăng giá này đó là việc nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi, xuất khẩu gia tăng, đồng thời dòng vốn quốc tế tiếp tục đổ vào trong nước, đặc biệt là với thị trường trái phiếu. CNY lên giá sẽ là một lực đối kháng với đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc khi mà hàng hóa của quốc gia này sẽ trở nên đắt hơn với phần còn lại của thế giới (ROW). 

Nhập khẩu trên đà phục hồi nhưng chậm hơn so với xuất khẩu
Tính đến hết tháng 10-2020, mặc dù giá trị nhập khẩu của Trung Quốc giảm khoảng 2,3% so với cùng kỳ, nhưng trong các tháng gần đây đã có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, tháng 9 và 10 năm 2020 nhập khẩu tăng lần lượt là 13,2% và 4,7% so với cùng kỳ, kỳ vọng trở lại đà nhập khẩu như trước khi Covid-19 xảy ra.
Khi xét đến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, tính đến hết tháng 10-2020, hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ phục hồi đáng kể với mức tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực đáp ứng những điều khoản gia tăng việc mua hàng hóa từ Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã thông qua vào tháng 1-2020.
Trong 9 tháng năm 2020, giá trị các hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chỉ mới đáp ứng khoảng 54% của năm nay so với cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 (PIIE, 2020). Việc này hàm ý Trung Quốc sẽ không nhượng bộ hoàn toàn với Mỹ nhưng cũng không còn ăn miếng trả miếng (tit-for-tat) như trước đây.
Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ-Trung là một trong những nhân tố quyết định đến sự phục hồi kinh tế và triển vọng cho vị thế mới của thương mại Trung Quốc. Nếu tiếp tục để căng thẳng leo thang và không tìm ra những hướng đi mới trong thương mại toàn cầu, thì đà tăng trưởng trong thương mại của Trung Quốc có thể bị chững lại. Câu chuyện này sẽ rõ ràng hơn trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo ở Mỹ. Việc lường trước các kịch bản để ứng phó với những bất ổn từ một tương lai đầy bất định hiện nay cũng rất quan trọng cho bất kỳ quốc gia nào.
Như vậy hoạt động thương mại của Trung Quốc đã góp phần giúp nền kinh tế của quốc gia này phục hồi một cách thần kỳ. Tờ báo Bloomberg đã đưa ra nhận định rằng, Trung Quốc sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 26,8% vào năm 2021, con số này đến năm 2025 sẽ là 27,7%, trong khi đó Mỹ đạt mức đóng góp khoảng 10,4%.
Trong số báo tuần sau, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích triển vọng quan hệ ngoại thương của Việt Nam – Mỹ – Trung Quốc trong tình hình mới. 

Các tin khác