Vòng xoáy mới ở Trung Đông

(ĐTTCO) - Ngày 12-9, các quốc gia Arab và Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích động thái mới của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sáp nhập một phần chủ chốt của vùng Bờ Tây chiếm đóng nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Giành thế thượng phong

Kế hoạch của ông Netanyahu sẽ mở rộng chủ quyền của Israel qua Thung lũng Jordan và phía Bắc của Biển Chết, chiếm 1/3 diện tích khu Bờ Tây, trừ những thành phố của người Palestine trong khu vực như Jechiro. Theo giới phân tích chính trị, tuyên bố của Thủ tướng Israel được đưa ra vào thời điểm hiện tại cũng nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của các thành viên theo đường lối cực hữu trong cuộc bầu cử 17-9 tới đây.

Binh sĩ Israel phong tỏa một con đường khu Bờ Tây để lùng bắt các tay súng Palestine Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Israel phong tỏa một con đường khu Bờ Tây để lùng bắt các tay súng Palestine Ảnh: REUTERS

Tương tự, tuyên bố của ông Netanyahu đã khiến các chính trị gia đối lập phản ứng và cho rằng đây không phải là một tuyên bố thực chất, mà là chiến thuật vận động của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử sắp tới, đặc biệt là đối với các cử tri cánh hữu.

Đảng Xanh - Trắng của ông Benny Gantz cáo buộc ông Netahyahu đang giành các phiếu bầu trong hơn 400.000 người Israel sống ở các khu định cư ở Bờ Tây và hơn 200.000 người sống ở khu vực Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Trước đó, đảng Xanh - Trắng và Liên minh Dân chủ đã kiến nghị Ủy ban Bầu cử Quốc gia Israel không cho phát sóng chương trình trực tiếp liên quan đến tuyên bố của ông Netanyahu về Thung lũng Jordan, vì cho rằng việc này sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử không công bằng và phi pháp.

Là một chính trị gia lão luyện, trong cuộc tranh cử lần này, ông Netanyahu sử dụng vấn đề sáp nhập lãnh thổ để giành thế thượng phong, bên cạnh 2 “quân bài” khác là sự ủng hộ của Mỹ và cuộc đối đầu với Iran. Ở phương diện này, ông Netanyahu được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm tranh cử với việc đưa ra chương trình tranh cử rất rõ ràng, biết tranh thủ các lực lượng cánh hữu, có thái độ cứng rắn đối với vấn đề Palestine và biết củng cố lợi ích của Israel ở Trung Đông.

Gây nhiều bất ổn

Tuyên bố của ông Netanyahu gây ra làn sóng phản đối từ các quốc gia Arab, khiến nhiều nước cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng vì cản trở tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong một thông cáo chung, các Ngoại trưởng Arab cho rằng, tuyên bố trên của Thủ tướng Israel là “một diễn biến nguy hiểm và là một động thái gây hấn mới của Israel”.

Đồng thời cảnh báo việc phát triển những động thái nguy hiểm như vậy sẽ phá hoại cơ hội thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực. Các quan chức Jordan và Palestine cảnh báo những động thái như vậy có thể hủy hoại toàn bộ tiến trình này. Chủ tịch Hạ viện Jordan Atef al-Tawarneh lo ngại động thái này thậm chí có thể đe dọa hiệp ước hòa bình giữa Jordan và Israel.

Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) áp đặt trừng phạt Israel sau động thái trên. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu nếu được triển khai sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hủy hoại cơ hội khôi phục đàm phán và hòa bình khu vực cũng như phá hoại nghiêm trọng khả năng tiến tới giải pháp hai nhà nước. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại và cảnh báo cam kết của ông Netanyahu có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Đông, tuyên bố trên là một sự hủy hoại đối với triển vọng hòa bình Trung Đông. Trong trường hợp ông Netanyahu giành chiến thắng và thành lập một chính phủ cánh hữu, rất nhiều khả năng ông Netanyahu sẽ cho sáp nhập toàn bộ lãnh thổ chiếm đóng ở khu Bờ Tây vào lãnh thổ Israel. Điều này sẽ chôn vùi hoàn toàn triển vọng của tiến trình hòa bình Trung Đông và sẽ đẩy khu vực Trung Đông rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.

Các tin khác