Vụ bắt giữ CFO Huawei: Tăng nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung

(ĐTTCO) - Ngày 7-12, tờ Yomiuri đưa tin, Nhật Bản sẽ cấm mua các sản phẩm viễn thông từ 2 tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc trong các cơ quan chính phủ do lo ngại rò rỉ thông tin tình báo cũng như các cuộc tấn công mạng.

Quyết định trên được công bố trong bối cảnh Huawei đang đối diện với sức ép lớn sau vụ Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu bị bắt. 

Vụ bắt giữ CFO Huawei: Căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt ảnh 1Một cửa hàng Huawei ở Thượng Hải

 Tẩy chay hàng loạt

Dự kiến, quyết định này sẽ được công bố sau khi Chính phủ Nhật Bản xét duyệt lại các quy tắc nội địa về thu mua vào ngày 10-12. Trước đó, Mỹ, Ấn Độ và Australia tuyên bố không sử dụng thiết bị công nghệ do 2 tập đoàn  này sản xuất do lo ngại về an ninh quốc gia. Tập đoàn BT của Anh đã gỡ bỏ thiết bị do Huawei cung cấp trong các mạng dịch vụ 3G và 4G. New Zealand vừa loại Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G vào năm 2020. Đức cũng cân nhắc kế hoạch tương tự.

Mỹ đã liên tục khuyến cáo các nước đồng minh tránh sử dụng các sản phẩm của 2 tập đoàn trên vì những sản phẩm này có thể chứa virus thường được dùng để tấn công mạng. Từ năm 2016, nhà chức trách Mỹ bắt đầu điều tra Huawei vì cáo buộc cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ sang Iran và một số nước khác vi phạm luật xuất khẩu và trừng phạt của Mỹ. Trong năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo cho biết trong chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, Huawei là  một trong những phương tiện mà qua đó, Bắc Kinh tìm cách “thực hiện những mục đích kinh tế lớn hơn”.

Phản ứng trước sự kiện Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của giới chức Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Washington đang cố gắng “bóp nghẹt” và kiềm chế sự mở rộng toàn cầu của Huawei.  Theo tờ Global Times, bất chấp những thông tin chưa đầy đủ về vụ việc, động thái của Mỹ rõ ràng đi ngược lại sự đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước tại Argentina. Vụ việc cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh phức tạp với Mỹ và Bắc Kinh cần có sự quyết tâm, sáng suốt để bảo vệ lợi ích của chính mình. Cùng ngày, Tập đoàn Huawei đã bổ nhiệm Chủ tịch Lương Hoa làm Quyền CFO thay bà Mạnh Vãn Chu.

Nước đi được tính từ trước

Bước đi trên cũng làm dấy lên phỏng đoán Huawei có thể là mục tiêu kế tiếp trong chiến dịch của Mỹ nhằm hạn chế sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc. Đây cũng là mục tiêu đối ngoại lớn của chính phủ Tổng thống Donald Trump trong thời gian đầu nhiệm kỳ. Tổng thống Mỹ luôn quan ngại việc Trung Quốc sử dụng tài sản trí tuệ của nước này để tham gia vào những hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tập đoàn ZTE từng đối mặt nguy cơ sụp đổ sau khi trở thành mục tiêu của cuộc điều tra tương tự Huawei. Hồi năm 2017, ZTE nhận tội vi phạm luật pháp Mỹ về hạn chế bán công nghệ phát triển tại Mỹ cho Iran.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc cho thấy tham vọng dấn thân vào một cuộc đua bắt kịp địa vị thống trị của Mỹ trong vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu và công nghệ. Bắc Kinh liên tục thực thi những chiến lược gây sức ép, từ việc buộc các công ty Mỹ và nước ngoài khác phải chuyển giao những bí mật thương mại để đổi lấy sự tiếp cận thị trường Trung Quốc cho tới “nhúng tay” trộm cắp mạng. Đây là chiến lược gây khó chịu cho Mỹ và là một trong những nguyên nhân đẩy 2 quốc gia vào thế đối đầu khi chạy đua kiểm soát vị thế thống trị kinh tế và chính trị trong nhiều thập niên tới.

Việc bắt giữ CFO Huawei còn làm gia tăng hoài nghi về tuyên bố đình chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình  đã đạt được vào cuối tuần trước tại Argentina. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định các tập đoàn công nghệ toàn cầu của Trung Quốc như Huawei sẽ là một “chủ đề lớn” trong các cuộc thảo luận giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc về tiến trình đàm phán thương mại song phương.

Các tin khác