Xu hướng bất động sản hỗn hợp

(ĐTTCO) - Cuối năm nay, Tập đoàn Far East Organisation (FEO), Singapore sẽ tung ra dự án phát triển hỗn hợp Holland Village nằm ở ngoại vi trung tâm phía Tây đảo quốc. Tọa lạc trên mảnh đất rộng 22.967m2, với giá trị mua đấu giá từ chính phủ 1,213 tỷ SGD.
Dự án có chức năng đa dạng là nơi hội tụ phong cách sống năng động với các block nhà ở cho cư dân, khu căn hộ có người phục vụ, văn phòng cũng như không gian cho hoạt động bán lẻ, cộng đồng và dành cho công chúng nói chung ngay tại Holland Village, địa danh có nhiều di sản văn hóa và kiến trúc đặc biệt của Singapore.
Dự án được FEO liên doanh với Sekisui House, một trong những tập đoàn xây dựng nhà ở lớn nhất Nhật Bản và nhà phát triển BĐS hàng đầu ở Hồng Kông là Sino Group. “Người mua nhà giờ đây đi du lịch nhiều hơn trước nên nhu cầu cư trú của họ không đơn thuần được ở khu căn hộ phát triển hỗn hợp, còn là tổ ấm có thể mở rộng bản sắc cá nhân, thể hiện phong cách sống mang tính liên kết và hiện đại.
Họ cũng muốn sống trong khu dân cư giàu tính lịch sử, thanh lịch và cá tính tạo sự thoải mái và đi lại dễ dàng, chẳng hạn như khu phố Soho ở thành phố New York (Mỹ) hay Daikanyama ở Tokyo (Nhật Bản)” - ông Marc Boey, Giám đốc phụ trách quy hoạch và đầu tư của FEO, nói. 
Xu hướng bất động sản hỗn hợp ảnh 1 Phối cảnh dự án ở Holland Village, sự hòa trộn các khu nhà thấp tầng với cao ốc, các cửa hàng bán lẻ và ăn uống nhìn ra quảng trường công cộng, ở giữa là công viên. 
Thực tế, việc kết hợp xây dựng các không gian nhà ở và thương mại trong một tòa nhà hay cụm cao ốc không phải là chuyện mới ở Singapore. Ở một đảo quốc đất đai hạn chế, các dự án kiểu này đã xuất hiện rất nhiều trong thời gian qua theo xu hướng tối ưu hóa việc sử dụng đất, tạo ra những tiện ích phục vụ cho cuộc sống của cư dân.
Các căn hộ trong quần thể dự án này thường có giá cao hơn dự án chỉ phục vụ chức năng cư trú, vì cư dân tiếp cận với các dịch vụ bán lẻ, đi lại thuận tiện và được đáp ứng nhiều nhu cầu đô thị khác. Xu hướng này đã tạo nên lối suy nghĩ mới của một bộ phận không nhỏ người Singapore là dự án BĐS phải gắn liền với những chức năng đa dạng, trong đó có mua sắm, ẩm thực, giao lưu cộng đồng, vui chơi giải trí và cả lưu trú ngắn hạn như khách sạn.
Thách thức hiện nay đặt ra đối với nhà phát triển BĐS ở Singapore là phải luôn suy nghĩ thêm những cách thức khác biệt, đáp ứng kỳ vọng của cư dân theo công thức trên và những nhu cầu phát sinh trong tương lai. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của các dự án này vẫn là mức độ kết nối giao thông, tức không có đáp án về giao thông sẽ khó  thành công.
Theo Nicholas Mak, Trưởng phòng Nghiên cứu và tư vấn Công ty BĐS ERA, hầu hết dự án phát triển hỗn hợp ở Singapore đều có vị trí gần trạm tàu điện (MRT). Nhưng điều trớ trêu là phải chờ thời gian khá lâu mới có thể hình thành các trạm MRT gần các dự án. Đó là lý do tại sao dù có nhiều dự án phát triển hỗn hợp, nhưng chỉ một số ít nằm ngoài khu vực trung tâm tài chính và thương mại (CBD) là thành công. 
Điều thú vị từ nhận định của ông Mak, là có những dự án hỗn hợp trong CBD vẫn thành công khi không có sự xuất hiện của văn phòng làm việc. Ông Mak phân tích: “Nếu nhiều doanh nghiệp chuyển văn phòng ra ngoài khu vực trung tâm sẽ xuất hiện nhiều hơn các dự án hỗn hợp nhà ở - văn phòng - bán lẻ trong tương lai. Nhưng đây lại là chữ NẾU, cần phải có số lượng đủ lớn doanh nghiệp đặt văn phòng trong các CBD chuyện này mới xảy ra”. Thật vậy, dù chính phủ Singapore đã quy hoạch các vùng như Jurong East ở phía Tây đảo quốc, hay Tampines ở phía Đông thành những CBD mới, nhưng có lẽ điều này vẫn khó xảy ra.
Nhưng cho dù các dự án có phát triển đơn lập hay hỗn hợp, xu hướng chiếm ưu thế hiện nay và trong tương lai vẫn là phát triển lối sống cộng đồng cho cư dân. Trong dự án nói trên của FEO ở Holland Village, ý tưởng chủ đạo là đề cao phong cách sống cộng đồng, trong đó cư dân sẽ chia sẻ các không gian thương mại như bán lẻ, giải trí, văn phòng, trưng bày tranh ảnh nghệ thuật, cùng các không gian xã hội khác với nhiều nét thiết kế chấm phá độc đáo và duyên dáng.
Theo PGS. Sing Tien Food, Trưởng khoa và là Giám đốc Học viện Nghiên cứu BĐS và đô thị thuộc Đại học Quốc gia Singapre, các tiện ích của dự án Holland Village sẽ được cư dân các khu dân cư lân cận chia sẻ. Đây không chỉ đơn thuần là dấu hiệu tích cực của xu hướng kinh tế chia sẻ, còn tránh đưa ra những dự án có chức năng trùng lắp và lãng phí các nguồn lực của xã hội.
Phân phối các lợi ích cho nhiều hộ cư dân sẽ dẫn đến việc chia sẻ tài nguyên hiệu quả hơn và giảm chi phí nói chung, từ đó giảm chi phí cố định về đất đai vốn rất cao ở Singapore. Nhưng PGS. Sing lưu ý hướng đi này có những hạn chế. Nếu chia sẻ  các tiện ích của mình với công chúng, cư dân dự án hỗn hợp Holland Village sẽ hy sinh một ít riêng tư và sự độc quyền.
Do đó, việc chia sẻ này sẽ khó khả thi nếu không có các bộ quy tắc về lối sống phù hợp được tạo ra để điều chỉnh việc sử dụng và giảm thiểu vấn nạn một số người bên ngoài muốn sử dụng “chùa” các tiện ích của dự án. Vấn đề nữa là nhiều người nghĩ rằng các tiện ích của dự án này là hàng hóa công cộng và con người nói chung có xu hướng tranh thủ dùng quá mức những loại "hàng hóa" này nếu không phải trả bất cứ chi phí nào. 

Các tin khác