Ám ảnh Rào Trăng 3

(ĐTTCO) - Người dân cả nước từng phút ngóng trông những diễn biến trong vụ sạt lở núi khiến 30 người chết và mất tích ở Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). 
Ám ảnh Rào Trăng 3 ảnh 1
 Người dân cả nước từng phút ngóng trông những diễn biến trong vụ sạt lở núi khiến 30 người chết và mất tích ở Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Giữa hoang tàn đổ nát vì sạt lở núi kinh hoàng ở thượng nguồn sông Bồ, 15 thi thể các nạn nhân mất tích được tìm thấy dưới lớp dày đất đá. Tiếng vọng từ đại ngàn như nỗi ám ảnh vùng quê nghèo đang bị mưa vùi lũ dập.
Núi lở và những nỗ lực tìm kiếm nạn nhân 
Mưa gió, bão bùng đang vùi dập các tỉnh miền Trung. Mưa kéo dài không ngớt. Lũ đổ về xối xả, cuồn cuộn chảy. Lũ vây, nhốt chân hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh mòn mỏi sống đợi. Khoảng 12 giờ ngày 12-10, một người dân vừa trở về từ vùng rừng lở Phong Xuân gọi điện trực tiếp cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thiên Định thông báo về vụ việc chấn động: “Đêm 11-10, tại khu vực nhà điều hành công trình thủy điện Rào Trăng 3 đang thi công xảy ra sạt lở kinh hoàng khiến hàng chục người mất tích”. Cuộc điện thoại tử thần ấy mất liên lạc giữa chừng do mất sóng điện thoại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ lập thức tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, tiền trạm lên phương án cứu hộ cứu nạn. Đến 14 giờ cùng ngày, Quân khu 4 cùng với tỉnh Thừa Thiên – Huế thành lập đoàn gồm 21 người xuất phát từ trụ sở Huyện ủy Phong Điền vượt rừng đi Rào Trăng tìm kiếm, cứu nạn. Sau hơn 10 giờ đồng hồ di chuyển đường rừng ngập lũ và sạt lở, 23 giờ cùng ngày, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km. Ở vị trí này, trời mưa to và đường tối, cộng địa hình phức tạp nên cả đoàn phải tạm dừng chân tại Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67 rừng phòng hộ sông Bồ đóng trên đường di chuyển, chờ trời sáng sẽ tiếp tục lên đường. Đoàn cắt cử một số cán bộ trèo lên đỉnh núi, nơi có sóng điện thoại, để báo tin về sở chỉ huy tiền phương. Giữa đêm, tại khu vực Trạm kiểm lâm 67, một vụ sạt lở đất kinh hoàng chôn vùi 2 căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ. Đến sáng 13-10, đã liên lạc được 8 người trong đoàn. 13 người mất tích, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4. 
Đến chiều 13-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã vào thị sát hiện trường sạt lở và có cuộc họp khẩn ở Sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Sáng 14-10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của quân đội cùng với hàng trăm công an, công nhân mở đường, cơ giới… được huy động đến Sở chỉ huy tiền phương Phong Xuân triển khai phương án tìm kiếm, cứu nạn. Bộ GT-VT cũng huy động hàng chục phương tiện hạng nặng từ các công trường đang thi công đường trong tỉnh Thừa Thiên-Huế đến phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn với các mũi: đường bộ, đường không và đường thủy để tiếp cận đến khu vực sạt lở. Mục tiêu tiếp cận để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 và 2 thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 cùng các thủy điện A Lin B1, B2. 
Sáng 14-10, 2 trực thăng của Sư đoàn 372 tiếp cận vùng rừng sạt lở để tiếp tế lương thực cho những người đang mắc kẹt giữa rừng. 14 giờ 30 cùng ngày, mũi tìm kiếm đường thủy đã giải cứu thành công 19 nạn nhân mắc kẹt tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 và đưa 1 thi thể đầu tiên ra khỏi rừng. Mũi tìm kiếm bằng đường bộ từ Tỉnh lộ 71 cắt rừng đến khu vực sạt lở ở Trạm kiểm lâm 67 – nơi có 13 người trong đoàn tìm kiếm, cứu nạn bị mất tích. Đến tối 15-10, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 13 cán bộ, sĩ quan trong đoàn tìm kiếm cứu nạn. 

Nghĩa tình Phong Xuân
Xã Phong Xuân, Phong Mỹ (huyện Phong Điền) những ngày này vẫn ngổn ngang sau những ngày mưa gió vùi dập. Khắp nơi xơ xác. Nhưng đau đớn, xót xa hơn là sự im lặng đáng sợ của hàng chục mạng người từ phía Rào Trăng 3. Gặp chúng tôi từ ngoài xã Phong Xuân, một số người dân cho biết, vài năm trở lại đây thủy điện đổ về giáp rừng phòng hộ sông Bồ rất nhiều. Tại rừng Phong Xuân, tình trạng lấn chiếm rừng làm nương rẫy đang chưa có hồi kết, những mảnh rừng già dần lùi xa thế chỗ cho rừng keo, bạch đàn. Để làm thủy điện, người ta bạt núi, xẻ rừng mở đường khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Đoạn đường từ Tỉnh lộ 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 đang có hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Dọc đường vào còn rất nhiều vị trí xuất hiện vết núi nứt chực chờ đổ vỡ rất nguy hiểm. 
Những ngày đoàn tìm kiếm nỗ lực cắt rừng để tiếp cận các điểm sạt lở, người dân Phong Xuân cùng bộ đội góp công sức, lương thực, thực phẩm, rau củ quả để tiếp sức cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tại Sở chỉ huy tiền phương Phong Xuân, người dân chung tay lập lên nhiều “bếp nấu ăn dã chiến” để nấu ăn cho đoàn tìm kiếm cứu nạn trong rừng Rào Trăng 3. 
Bà Nguyễn Thị Tám vội bắt con gà mái giống rồi chạy ra vườn hái thêm vài trái đu đủ còn sót lại sau cơn mưa lũ vừa mới đi qua để đem đến Trường Tiểu học Phong Xuân, nơi có đoàn bộ đội đang đóng quân để ủng hộ bếp ăn. Bà Tám năm nay đã 80 tuổi, con cái đã lớn ra riêng nên chỉ có 2 ông bà ở với nhau. Cơn bão số 5 vừa qua làm ngôi nhà của bà bị sập mái, nhờ có dân quân địa phương và bộ đội đến giúp nên hai vợ chồng bà mới có chỗ trú mưa nắng mấy ngày qua. “Khi mình hoạn nạn thì có bộ đội đến giúp, giờ nghe tin bộ đội đi cứu nạn lại gặp nạn, bà chỉ còn mấy con gà mang đến ủng hộ, động viên giúp các chú bộ đội sớm tìm kiếm người mất tích” - bà Tám nói.
Trong ngôi nhà lũ chưa kịp rút, bùn đất nhão nhoẹt, cụ bà Nguyễn Thị Quế chạy đi hái mớ rau xanh, mua vài cân thịt để mang đến quyên góp cho bếp dã chiến ở Trường Tiểu học Phong Xuân. Bà Trần Thị Tích cũng đem mấy con gà và chục quả trứng để đến ủng hộ bếp ăn. 
Trước tinh thần của người dân Phong Xuân, Trường Tiểu học Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) đã huy động tất cả các giáo viên, cán bộ, công nhân viên của nhà trường đến túc trực tại các bếp lửa ở Sở chỉ huy tiền phương Phong Xuân để nấu ăn, lo công tác hậu cần tiếp sức cho đoàn tìm kiếm, cứu nạn. Cô giáo Phạm Thị Thúy Diễm (Trường Tiểu học Hòa Mỹ) chia sẻ: “Ngay khi nghe các chiến sĩ bộ đội về rừng Phong Xuân để tìm kiếm, cứu nạn những người mất tích ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3, Ban giám hiệu nhà trường đã huy động tất cả nhân lực của trường để hỗ trợ hậu cần cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn...”.

Dọn lũ đón các anh về
 Chiều 15-10, tin từ vùng rừng dữ thuộc Tiểu khu 67 liên tục báo về lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 13 thi thể người mất tích tại vùng sạt lở ở Trạm kiểm lâm 67. Trời Phong Xuân đổ mưa. Những chuyến xe cứu thương, xe quân đội âm thầm vượt mưa lũ nối nhau đưa thi thể của các anh về Bệnh viện Quân y 268 (Kinh thành Huế xưa). Khi các anh được đưa về, trời nơi Cố đô mưa giăng kín, dòng sông Hương oằn mình chở lũ. 
Bên sông Bồ, căn nhà cấp 4 đơn sơ của ông Nguyễn Văn Bình (42 tuổi, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, là 1 trong 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3), có rất đông người thân và bà con hàng xóm đang nỗ lực dọn lũ, lo chuẩn bị đón anh Bình về nhà. Đang tay dọn đám bùn non trong ngôi nhà, ông Trần Xuân Đức (56 tuổi, hàng xóm ông Bình) kể, vài hôm trước mưa lớn làm cho sông Bồ nghẹt lũ, khiến cả thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chìm trong biển nước. 
“Cả làng thì ngập nước, nhà của Bình cũng ngập lên cả mét nhưng anh ấy thường xuyên vắng nhà vì bận chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt. Cho đến hôm nay, khi Bình nằm xuống vùng rừng Rào Trăng 3 thì ngôi nhà của anh ấy vẫn chưa kịp dọn lũ” - ông Đức nói. Anh Nguyễn Văn Bình có mẹ già hơn 70 tuổi, đang đau ốm nằm viện. Mấy hôm lũ đổ về ngập nhà, anh Bình cùng vợ phải lên chăm mẹ, còn nhà cửa thì nhờ em vợ trông nom giúp. “Bình tội lắm, sống nghĩa tình hòa đồng, nhiệt huyết với công việc với dân. Chừ (giờ) nó nằm lại rừng với dân, để lại vợ và 2 con cùng mẹ già đau ốm, không biết tới đây thế nào” - ông Đức rơm rớm kể.
Đi sâu vào một hẻm nhỏ đường Hùng Vương (TP Huế), nơi gia đình Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (34 tuổi, Trưởng ban Công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế) sinh sống vẫn ngập trong nước. Nhiều hàng xóm đến cùng gia đình Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc phụ giúp dọn dẹp nhà cửa để đón linh cữu anh về. Ngồi thất thần giữa gian nhà, ông Lê Văn Hùng (cậu Thiếu tá Phúc) bùi ngùi: “Công việc của cháu Phúc bận lắm, 1 tuần có khi 10 ngày chưa chắc về nhà một lần. Hôm 11-10, cháu cười chào tôi là mới đi làm về, liền sau đó tôi lại thấy nó lấy xe đi bảo là có việc gấp”.  Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc có vợ và 2 con thơ mới 2 và 6 tuổi. Buổi chiều đó, anh Phúc có lịch đưa con nhỏ mới 2 tuổi đi khám bệnh sau giờ làm. Nhận lệnh điều động của đơn vị nên anh gửi con lại cho ba mẹ rồi thu xếp tư trang lên đường. Trong khi chuẩn bị đám tang cho cháu của mình, ông Hùng vẫn không tin được đó là lần cuối gặp mặt.
Trong 13 người bị nạn ở Tiểu khu 67, có một phóng viên theo đoàn để đưa tin về công tác tìm kiếm, cứu nạn. Anh là Phạm Văn Hướng (52 tuổi), Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền-Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngày 15-10, khi lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể cũng chính là sinh nhật lần thứ 52 của anh. Xót thương vô cùng. Anh Hướng là một phóng viên hiền từ, vui vẻ, gần gũi và luôn chia sẻ, giúp đỡ các anh em đồng nghiệp trong công việc cũng như cuộc sống. “Anh ấy là người hòa nhã, làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn sẵn sàng lăn xả đến các điểm nóng, nơi xung yếu, sạt lở, ngập lụt, thiên tai…” - một đồng nghiệp chia sẻ.

Các tin khác