Áp lực dân số, du khách làm ảnh hưởng nghiêm trọng phố cổ Hội An

(ĐTTCO) - Sáng 3-12, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Hội thảo quốc tế Di sản văn hóa (DSVH) Hội An - 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững được tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà bảo tồn di tích trong và ngoài nước cùng đại diện các tổ chức quốc tế.

Áp lực dân số, du khách làm ảnh hưởng nghiêm trọng phố cổ Hội An ảnh 1TP Hội An cần tiếp tục triển khai các phương án để khai thác đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An

Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là DSVH thế giới năm 1999. Khu di tích này được đánh giá như một “bảo tàng sống” về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Khánh, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao cho biết, TP Hội An cần tiếp tục triển khai các phương án để khai thác đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An; cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng và các tiện ích công cộng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...

Ngoài ra, Chính quyền Hội An cũng cần rà soát, chấn chỉnh lại môi trường du lịch đang nảy sinh nhiều tiêu cực như chèo kéo, cướp giật, ô nhiễm môi trường… để tạo dựng môi trường an toàn và thân thiện trong mắt du khách.

“TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản. Ngoài ra, Hội An cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản, bao gồm các công trình kiến trúc, lịch sử phát triển, các tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư. Hội An có thể tranh thủ sự hỗ trợ của UNESCO về mặt chuyên môn; mời các chuyên gia UNESCO giúp tư vấn về cách thức thực hiện và gợi ý giải pháp cho các vấn đề dân sinh”, ông Trần Quốc Khánh nói.

Áp lực dân số, du khách làm ảnh hưởng nghiêm trọng phố cổ Hội An ảnh 2Hội An hiện đang đối mặt với những thách thức: áp lực về dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh, sự gia tăng lượng khách du lịch… 

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, 20 năm qua, từ những dự án hợp tác thí điểm, điển hình với Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức quốc tế trong trùng tu di tích hoặc thông qua các dự án bước đầu đã hỗ trợ người dân từ 20%-40% hệ mái ngoái âm dương là tiền đề cho công cuộc trùng tu, cứu nguy nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ Hội An.

Tuy nhiên, Hội An hiện đang đối mặt với những thách thức: áp lực về dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh, sự gia tăng lượng khách du lịch… làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình.

Áp lực dân số, du khách làm ảnh hưởng nghiêm trọng phố cổ Hội An ảnh 3Quang cảnh buổi toạ đàm

Cũng trong sáng 3-12, tại Khu di tích Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức Tọa đàm “Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản”. Qua đó nhằm tìm giải pháp để thúc đẩy du lịch Mỹ Sơn phát triển hơn trong thời gian tới.

Ngày 4-12-1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời cũng mở ra thời kỳ tăng tốc du lịch. Qua 20 năm kể từ khi trở thành di sản văn hóa của nhân loại, phát triển du lịch Mỹ Sơn không ngừng tăng cao.

Nếu năm 1999 chỉ khoảng 3.000 lượt khách du lịch đến Mỹ Sơn, thì năm 2018 trên 350 nghìn lượt khách đã đến tham quan khu di sản này, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt gần 60 tỷ đồng.

Áp lực dân số, du khách làm ảnh hưởng nghiêm trọng phố cổ Hội An ảnh 4Nếu năm 1999 chỉ khoảng 3.000 lượt khách du lịch đến Mỹ Sơn, thì năm 2018 trên 350 nghìn lượt khách đã đến tham quan

Cùng với đó, hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực… từng bước được đầu tư hoàn thiện. Công tác quản lý được tạo cơ chế linh hoạt, chức năng nhiệm vụ được tăng cường. Đặc biệt, việc tạo cơ chế chính sách hợp lý về sử dụng nguồn thu của huyện đã giúp cho công tác phát triển du lịch Mỹ Sơn có nhiều thuận lợi.

Dù vậy, phát triển du lịch Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẳn có; chất lương dịch vụ chưa đa dạng; công tác quảng bá còn hạn chế... Đặc biệt, tuy đón 350.000 lượt khách mỗi năm nhưng con số trên vẫn khá khiêm tốn so với gần 5 triệu lượt khách đến Hội An hay 6,5 triệu lượt khách đến Quảng Nam (năm 2018). 

Áp lực dân số, du khách làm ảnh hưởng nghiêm trọng phố cổ Hội An ảnh 5Mỹ Sơn cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường liên kết giữa dơn vị quản lý với công ty lữ hành; xúc tiến quảng bá; mở rộng không gian du lịch cộng đồng

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến doanh nghiệp lữ hành đã chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch của Mỹ Sơn, đồng thời đề xuất các giải pháp như đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý với công ty lữ hành; xúc tiến quảng bá; mở rộng không gian du lịch cộng đồng; thu hút thêm khách nội địa… từng bước xây dựng Mỹ Sơn trở thành điểm du lịch hạt nhân lan tỏa ra các khu vực xung quanh, nhất là các huyện phía tây của tỉnh Quảng Nam. 

Tính đến năm 2018, toàn TP Hội An có 1.408 di tích đã được kiểm kê phân loại, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 1.334 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố.

Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh.


Các tin khác