Bài toán nguồn nhân lực sau cuộc “di tản về quê“

(ĐTTCO) - Hình ảnh dòng người từ TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ vội vã kéo nhau trở về quê nhà để tránh dịch khiến bao người day dứt. Họ tranh thủ mọi cách để lên đường, thậm chí gạt nước mắt đi như trốn chạy khỏi mảnh đất từng cưu mang họ. Hệ lụy đáng sợ từ Covid-19 đã hiển lộ và khiến cộng đồng ái ngại. Thế nhưng, sau cuộc di tản ấy là bài toán về nguồn nhân lực phải tìm được đáp án tối ưu.

Đoàn người từ TPHCM về quê tránh dịch, sẽ là bài toán nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sau dịch.
Đoàn người từ TPHCM về quê tránh dịch, sẽ là bài toán nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sau dịch.

1.

Những người từng dắt díu nhau vào Nam mưu sinh, lại dắt díu nhau quay lại chốn cũ vì virus corona đã cướp đi bình yên, việc làm, sinh kế và nguồn sống của họ. Vừa sợ dịch vừa sợ đói, là tâm trạng chung của dòng người di cư vì Covid-19. Nhiều tỉnh đã tổ chức phương tiện đưa bà con về quê bằng máy bay, bằng tàu hỏa, bằng xe đò. Thế nhưng, làm sao lo hết cho hàng triệu người tha phương cầu thực.
Vì vậy, xe máy, xe đạp và cả đôi chân lấm láp cũng phải tìm đường về quê tránh dịch. Trong hoạn nạn mới thấm thía nghĩa đồng bào, trên các chặng quốc lộ mà dòng người di cư đi qua, rất nhiều cá nhân và tổ chức đứng đón tặng tiền ủng hộ, trao quà động viên, phát cơm từ thiện, đổ xăng miễn phí… cho những số phận nhọc nhằn và gieo neo.
Thảm cảnh của dịch bệnh không khác gì chiến tranh và thiên tai. Người Việt Nam nghẹn ngào trước dòng người di cư chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, dù biết rằng bất trắc và tai ương vẫn rình rập khi một số lượng lớn công dân mang theo mầm bệnh tỏa đi khắp nơi. Chính phủ phải phát ra văn bản kêu gọi người dân ở yên tại chỗ, và đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tha thiết mời người nhập cư ở lại đô thị phương Nam để tiêm vaccine. Thế nhưng, làm sao để an dân mới là điều quan trọng nhất. 
Mỗi địa phương có một cách ứng xử khác nhau. Nếu như Quảng Ngãi và Thừa Thiên-Huế lập tức ngưng đón nhận người hồi hương ngay ngày 1-8, thì Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khẳng định: “Mình không bỏ rơi người dân lúc này được. Đối với người dân tỉnh ngoài do xe hỏng hóc dọc đường, hay vì lý do nào đó về đến tỉnh từ ngày 2-8 cũng không thể bỏ rơi họ được. Họ mất việc, muốn về nhà nên không thể buộc họ quay lại, cũng không thể để họ đi tiếp, vì công điện Thủ tướng đã chỉ đạo. Có một số trường hợp người dân Lào Cai đi ngang Đắk Lắk, chúng tôi đã kiểm tra y tế xong đưa đi cách ly tập trung. Mình để dân lay lắt trên đường, lỡ có việc gì dọc đường sẽ rất tội, nên cứ tạm thời cho họ vào khu cách ly tập trung chăm sóc, chờ chủ trương mới”. 
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng việc đón người dân từ phía Nam về quê là trách nhiệm chính trị, chia sẻ áp lực với TPHCM trong công tác phòng chống Covid-19 giai đoạn hiện nay, đồng thời kiểm soát được người về từ vùng dịch không để người dân về tự phát. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện chủ động phương án đón công dân về và quản lý chặt chẽ quy trình cách ly phòng, chống dịch theo quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho biết nhu cầu người dân tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đăng ký về quê hiện khoảng 10.000-12.000 người. Kế hoạch trước đây là mỗi tuần Phú Yên thực hiện 2 đợt vận chuyển người dân từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê vào các ngày thứ ba và thứ bảy.
Nếu điều kiện cho phép tần suất các đợt vận chuyển này có thể sẽ tăng lên, việc vận chuyển không chỉ bằng xe khách mà có thể bằng cả tàu hỏa. Ngày 2-8, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn gởi UBND TPHCM đề nghị quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Yên tiếp tục thực hiện việc đưa đón người dân của tỉnh về lại địa phương trong thời gian sớm nhất.

2.

TS. Huỳnh Thế Du đánh giá, việc đón người về quê của các địa phương có ý nghĩa tích cực ở một số mặt, nhưng có một số vấn đề cần phải xem xét. Rủi ro gây dịch bệnh lây lan rất lớn vì các chuyến đi đông người trên các phương tiện rất dễ thành các ổ dịch.
Giấy xét nghiệm nhanh rất dễ làm giả nên không loại trừ khả năng có người vì lợi ích riêng của mình, có bệnh, nhưng làm giả giấy xét nghiệm này để được đón về. Kết quả tất cả những người đi cùng chuyến đều trở thành F1 với nguy cơ lây nhiễm rất cao. 
Thực tế rất nhiều chuyến đón về mọi người đều có xét nghiệm âm tính, nhưng về đến nơi xét nghiệm ra những ca dương tính. Kết quả này không loại trừ việc có người bị bệnh nhưng vẫn tìm cách được về ngoài việc bị nhiễm sau thời điểm làm xét nghiệm.
Nếu các địa phương muốn chia sẻ với đồng hương của mình và vì lợi ích chung của quốc gia, ai ở đâu nên ở đó có thể theo cách quyên góp hay trích nguồn lực gửi vào cho những người đang khó khăn ở vùng dịch. Nhà nước cần có ngay chính sách hỗ trợ để người dân có thể yên tâm tuân thủ chính sách ai ở đâu ở yên đó. Do vậy, khi chính sách để cho các địa phương đón người của mình về được tiếp tục, Chính phủ cần tính toán kỹ để giảm thiểu các mặt trái nêu trên.
Người dân rủ nhau tránh dịch cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mà chiến lược lâu dài là phải nghĩ đến nguồn nhân lực hợp lý hơn, tích cực hơn. TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu tạo thành một vùng kinh tế năng động, thu hút rất đông đảo lực lượng lao động đến từ các địa phương. Khi Covid-19 bùng phát, chính nguồn nhân lực tạm trú ấy trở thành đối tượng yếu thế.
Tài chính cạn kiệt, họ phải về quê tránh dịch, nương tựa thân nhân, trông cậy rau dưa ruộng vườn… Cuộc di cư trong nước mắt kia, nhắc nhở chúng ta rằng, có quá ít cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho đại bộ phận người lao động ở các địa phương. Vì vậy, đã đến lúc phải xác định mục tiêu “ly nông không ly hương” cho nguồn nhân lực tương lai. 
Bây giờ phải lo chống dịch. Thế nhưng, hậu Covid-19 một bài toán dịch chuyển lao động phải được giải quyết thấu đáo bằng những chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích sáng tạo tại các tỉnh vừa trải nghiệm “đón đồng bào về từ vùng dịch” nhiều phấp phổng ưu tư. 

Các tin khác