Báo chí xoay trở thời đại 4.0

(ĐTTCO)-Báo chí cách mạng Việt Nam bước vào tuổi 95 trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 bùng nổ toàn cầu. Còn nhớ từ những năm 2000, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đã định hướng về loại hình thông tin chuyên sâu, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. 
Báo chí xoay trở thời đại 4.0
Và mãi đến tháng 4-2007, Ban Biên tập quyết định cho ra mắt tờ SGGP - Đầu tư Tài chính (ĐTTC), một ấn phẩm chuyên về kinh tế, song hành cùng với đó trang tin điện tử và sau đó nâng cấp lên báo điện tử (saigondautu.com.vn). 
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội (MXH), sự chuyển động của báo chí nước nhà đã được thể hiện rõ không chỉ ở các loại hình báo hình, báo nói, báo điện tử, còn ở loại hình báo giấy. Đó là sự chuyển mình không thể khác nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người đọc.
Người trong giới báo chí thường nhắc đến nhận định “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”, tức người làm báo đã nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, với báo giấy vẫn có thế mạnh riêng nếu biết cách tận dụng và khai thác.
Tháng 4-2019, Ban Biên tập SGGP quyết định ra bộ mới ấn phẩm ĐTTC, kế thừa những thế mạnh vốn có của tờ báo nhưng chuyên sâu hơn, mang tính tương tác cao. Với đội ngũ chính khách, chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư… phân tích chuyên sâu những vấn đề thời sự đã và đang diễn ra; những ý kiến, quan điểm góc nhìn đa chiều mang tính phản biện ở tất cả lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, doanh nghiệp, thị trường… 
Thực tế, thích ứng CMCN 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí, và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh, còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh.
Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”, nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn, và sau đó đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Báo chí chính thống không thể cạnh tranh với MXH về tốc độ, nhưng có thể cạnh tranh về tính pháp lý, độ tin tưởng, chính xác của thông tin. Đặc biệt là những thông tin phân tích chuyên sâu trên báo giấy. Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm công dân của nhà báo là điểm khác biệt của báo chí chính thống với MXH.
Những mặt trái của MXH như nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng tuyên truyền rất xấu, lại là cơ hội để các tờ báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời. 
Bạn đọc nói chung hay công chúng nói riêng vẫn luôn cần những tác phẩm báo chí chất lượng, khả tín, định hướng dư luận… chứ không chỉ là những bài viết chỉ để thỏa mãn trí tò mò và hiếu kỳ giật gân, câu khách. Công chúng luôn đòi hỏi người làm báo có trách nhiệm, đưa thông tin hữu ích và chuẩn xác, cũng là đòi hỏi đạo đức người làm báo phải được rèn luyện, xem trọng lợi ích xã hội hơn cá nhân mình.
Chỉ khi giữ được những giá trị đó, báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ CMCN 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo. Một vấn đề sống còn nữa của báo chí thời 4.0, là công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới. Vì thế, quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí. 

Các tin khác