Bảo vệ trẻ em trước cơn bão F0

(ĐTTCO) - Số ca dương tính với virus corona đang ở mức cao kỷ lục. Số địa phương có ca nhiễm mới mỗi ngày trên 1.000 ca đang chiếm 2/3 các tỉnh thành trên cả nước. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mặc dù tâm lý chung đều mong muốn xem Covid-19 như một loại bệnh thông thường, nhưng có thực tế đáng ái ngại là tỷ lệ học sinh tiểu học mắc Covid-19 có chiều hướng tăng lên.  
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM ngày 9-3, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng báo động tình trạng nguy hiểm đối với học sinh tiểu học: “Các cháu nằm ngủ tập trung kiểu đó sao không lây. Cần tính sao phối hợp y tế nhà trường, phụ huynh để giải bài toán này. Đây là chỗ khó nhưng phải giải được để hạn chế lây nhiễm”. 
Không thể nói khác hơn, học sinh tiểu học đang phải đối diện đầy rủi ro với cơn bão F0, vì trẻ em từ 5-12 tuổi đều chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhất là hệ thống các trường bán trú, tỷ lệ học sinh tiểu học bị mắc Covid-19 càng đáng âu lo. Không dễ dàng bắt trẻ em đeo khẩu trang suốt ngày, trong giờ học, trong giờ chơi, trong giờ ăn và trong giờ ngủ. Chỉ cần 1 ca dương tính hậu quả kéo theo hàng chục trường hợp nguy cơ khác.
Nhiều người quan niệm rằng, người lớn được đi làm bình thường, trẻ em tại sao không được đi học bình thường. Quan điểm này không sai về mặt lý thuyết, nhưng không thể chủ quan áp dụng đại trà trong bối cảnh F0 tràn lan như hiện nay. Bởi lẽ, trẻ em vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mình một cách hữu hiệu. Trường học cũng không thể triển khai xét nghiệm nhanh cho từng học sinh tiểu học trước khi vào lớp. Cho nên, giữ khoảng cách an toàn cho học sinh tiểu học trước cơn bão F0 là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Hiện nay, đánh giá cấp độ dịch đã được thực hiện ở cấp độ xã, phường. Nơi nào thuộc vùng cam hoặc vùng đỏ cho phép đóng cửa trường tiểu học. Tuy nhiên, ở các đô thị không phải hoàn toàn học sinh tiểu học đều đến trường theo đúng tuyến trên địa bàn. Học sinh tiểu học ở phường nọ sang học ở phường kia rất phổ biến. Không ai có thể giám sát và ứng phó mầm bệnh di chuyển theo đôi chân vô tư của học sinh tiểu học. Thực tế, có không ít trường tiểu học cứ phải cho hết lớp này đến lớp khác nghỉ học, vì bất ngờ phát hiện ca dương tính.
Đành rằng, trường học nhộn nhịp sẽ góp phần tạo sinh khí bình thường mới, nhưng không thể đem sức khỏe của học sinh tiểu học vào cuộc phiêu lưu. Bây giờ, gần như mỗi lớp học có số lượng trên dưới 50 học sinh nên tiêu chí 5K không thể đảm bảo. Nếu cứ dạy và học kiểu phập phù trước cơn bão F0, cần mạnh dạn đưa ra giải pháp triệt để hơn nhằm ổn định tâm lý cho học sinh tiểu học. Mặt khác, không bậc cha mẹ nào lại muốn con mình ôm cặp tung tăng đi học để trở thành F0. Nên chăng, trong thời gian ngắn trước mắt, ngành giáo dục triển khai học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, để thuận lợi cho cả nhà trường và phụ huynh.
Với số ca nhiễm mới đang tăng lên nhanh chóng ở nhiều nơi, một vài địa phương buộc lòng phải cho học sinh quay lại học online. Hà Nội hiện có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, nên UBND TP đã quyết định hoãn kế hoạch cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 khu vực nội thành đi học trở lại. Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc cũng hỏa tốc tạm dừng đến trường đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, chuyển sang học online cho đến khi khống chế Covid-19 ở mức an toàn nhất. Còn tại Tây nguyên, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk thống kê đã có hơn 2.000 thầy cô giáo và học sinh mắc Covid-19, trong đó khu vực trầm trọng nhất là TP Ban Mê Thuột, nên không thể cho học sinh từ mầm non đến lớp 6 đi học.
Rõ ràng, trường học một lần nữa phải chịu đựng sự thử thách trong vòng vây Covid-19. Tại TPHCM dù đã bước qua cao điểm dịch, nhưng số ca nhiễm mới vẫn xuất hiện trong các đơn vị giáo dục. Ca F0 dĩ nhiên được đưa đi điều trị, nhưng xử lý ca F1 vẫn còn nhiều lúng túng. Khi lớp học có F0, có trường cho học sinh cả lớp nghỉ học 3 ngày, có trường cho học sinh cả lớp nghỉ 7 ngày và có nơi cho học sinh cả lớp nghỉ học 14 ngày... Sự khác biệt này không chỉ ảnh hưởng đến công tác dạy và học, còn gián tiếp gây khó khăn cho các bậc phụ huynh. 
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế thống nhất ban hành hướng dẫn toàn quốc cho các trường học thích ứng bối cảnh chống dịch hiện nay. Có nhiều đề xuất giảm thời gian cách ly F0 là học sinh nếu không có triệu chứng nặng, để vừa đảm bảo sức khỏe vừa không ảnh hưởng đến việc học của các em.
Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn lâu dài, không thể loay hoay nay học trực tiếp mai học trực tuyến. Bởi lẽ, việc học hành của học sinh có liên quan đến thời gian và công việc của cha mẹ trong quá trình đưa đón và chăm sóc. Đặc biệt, khi kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5-12 tuổi vẫn còn những ý kiến khác nhau và chưa được triển khai đồng bộ, cần có hành động cụ thể để kiểm soát virus corona xâm nhập các trường mầm non và trường tiểu học.
Học sinh không được đến trường là sự thiệt thòi. Thậm chí, việc nghỉ học dài ngày còn khiến nhiều em nhỏ nảy sinh tâm lý lười học và chán học. Thế nhưng, không thể đi học một buổi rồi lại nghỉ học nhiều buổi vì diễn biến khó lường của Covid-19, làm mọi hoạt động bình thường mới liên tục bị xáo trộn. Có lẽ, đã đến lúc ngành giáo dục phải mạnh dạn đưa ra giải pháp quyết liệt hơn, như tạm thời cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ngừng đến trường trong suốt tháng 3, để nhà trường và gia đình cùng vượt qua đợt bùng phát ca nhiễm mới.

Các tin khác