Bất cập viện phí bệnh viện công tự chủ

(ĐTTCO) - Bộ Y tế vừa có quyết định rất kịp thời khi yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tạm ngừng kế hoạch tăng viện phí từ ngày 1-4. Nguyên nhân Bộ Y tế đưa ra là tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nên chưa thể ban hành quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 4 bệnh viện đang thí điểm tự chủ toàn diện, nhưng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế ban hành, còn giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, bệnh viện được quyết định trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định. Là một địa chỉ y tế lớn nhất nước, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận 5.000-6.000 bệnh nhân khám ngoại trú, 3.000-4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Nếu viện phí ở bệnh viện này điều chỉnh tăng sẽ mở đường cho cơn sốt tăng viện phí ở những địa điểm khám chữa bệnh khác. Trước mắt là tạm dừng, nhưng bài toán viện phí vẫn là nỗi ám ảnh của cộng đồng. 
Vì sao Bệnh viện Bạch Mai thiết kế khung giá mới cho các dịch vụ từ gấp rưỡi đến gấp đôi khung giá hiện hành? Đó là quyền “tự chủ toàn diện” của họ. Thế nhưng, khi viện phí không căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người là sự phi lý. Mặc khác, bệnh viện công vốn được đầu tư cả cơ sở vật chất lẫn lực lượng lao động từ ngân sách nhà nước lại đua giá với bệnh viện tư, liệu có ổn? Trong khung giá mới của Bệnh viện Bạch Mai đưa ra, có 2 mục đáng chú ý. Thứ nhất, khám theo yêu cầu với giáo sư và phó giáo sư có giá 550.000 đồng/lượt và 450.000 đồng/lượt, hơn hẳn bác sĩ chuyên khoa. Học hàm giáo sư chủ yếu đắc dụng ở chuyên môn giảng dạy, sao lại dùng để làm căn cứ viện phí? Thứ hai, giá giường bệnh loại đặc biệt lên đến 3,3 triệu đồng/người/ngày, không thua kém giá phòng khách sạn hạng sang. 
Viện phí là giải pháp giúp ngành y tế, nhất là các bệnh viện công, nhanh chóng có kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên. Thế nhưng có nghịch lý, hiện nay giá nhiều dịch vụ tại bệnh viện công không thấp hơn nhiều so với bệnh viện tư. Trong khi bệnh viện tư phải chi phí từ xây dựng cơ bản, đầu tư thiết bị, đào tạo nhân lực... Cho nên, để lành mạnh hóa viện phí giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, cần có sự giám sát nghiêm túc và công khai. Viện phí của bệnh viện công cần được tính đúng tính đủ, nhưng cũng phải kèm theo các yêu cầu như minh bạch chi phí công - tư trong các dịch vụ liên kết, xã hội hóa, thậm chí chi phí “ngầm” trong y tế như đấu thầu thiết bị hoặc bồi dưỡng bác sĩ. Nếu không, viện phí cứ điều chỉnh mãi, trong khi các chi phí bất hợp lý làm gia tăng chi phí y tế vẫn còn nguyên.
Viện phí được xem như món tiền của người bệnh tự chi trả trực tiếp cho các cơ sở y tế sau khi sử dụng các dịch vụ y tế. Khoản tiền này thường lớn, vượt quá khả năng chi trả của các gia đình nghèo. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, cho biết, từ vài năm trước, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn phòng dịch vụ theo yêu cầu và khung giá dịch vụ theo yêu cầu, trong đó quy định giá khám bệnh theo yêu cầu (sử dụng tài sản công để làm dịch vụ) không vượt quá 500.000 đồng/lượt khám, giá giường bệnh 1,3-4 triệu đồng/ngày giường.
Thật đáng buồn, khi những chuyến xe khách các địa phương đến Hà Nội và TPHCM phần đông là bệnh nhân từ các vùng nông thôn. Và viện phí của các bệnh viện lớn đang khiến những người dân nghèo phải lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã. Quỹ Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM mấy năm gần đây đã nằm ở sự báo động cạn kiệt. Đã đến lúc phải có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào ngành y tế, nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Mặt khác, cần có những đãi ngộ thích đáng để bác sĩ trẻ, bác sĩ giỏi yên tâm nhận công tác ở các tỉnh, chia đều nhân lực chuyên môn cho y tế cơ sở.

Các tin khác