Bộ Công Thương: Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết

(ĐTTCO)-Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn, trong đó có mặt hàng thịt lợn với giá thấp hơn giá thị trường 5%.
Dây chuyền chế biến thịt lợn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, huyện Thường Tín (Hà Nội). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Dây chuyền chế biến thịt lợn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, huyện Thường Tín (Hà Nội). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết, sau các chỉ đạo sát sao của Chính phủ, triển khai quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm từ cuối tháng 12/2019 và đang giữ ở mức ổn định.

Cụ thể, từ ngày 28/12/2019 đến nay, giá thịt lợn ngoài thị trường đã bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại và tùy địa phương.

Dự kiến, sau đợt điều chỉnh giảm, giá sản phẩm thịt lợn có thể tăng vào những ngày cận Tết so với hiện nay nhưng mức tăng không lớn do các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi sẽ đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đồng thời cũng do nhu cầu tiêu dùng giảm khi giá thịt lợn lên cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn, trong đó có mặt hàng thịt lợn với giá thấp hơn giá thị trường 5%.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết, thực hiện bán đúng giá theo giá đã đăng ký.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn với giá vốn (không lợi nhuận) từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020 nhằm đồng hành cùng Chính phủ bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Hơn nữa, hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30-40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương.

Không những thế, vào những ngày cận Tết, các doanh nghiệp cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu với các mặt hàng thiết yếu; trong đó có các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…

Tại các địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chủ trương vận động một số doanh nghiệp phân phối tại địa phương đưa mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là với mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn thị trường.

Việc này đã giúp bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn nói riêng và góp phần bình ổn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nói chung do thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu khá lớn dịp cuối năm và lễ Tết.

Để góp phần giúp nhân dân cả nước đón Tết cổ truyền, tham gia các lễ hội Xuân Canh Tý 2020 an toàn, lành mạnh, vui tươi, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình, Kế hoạch, kiểm tra đột xuất, những tháng cuối năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc toàn lực lượng tập trung thực hiện nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Qua kiểm tra tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Tây Ninh, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh và đoàn kiểm tra, đôn đốc kế hoạch và đế nay cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chưa phát hiện vụ việc nào xuất lợn lậu qua biên giới cả ở đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Cùng với đó, nhằm bình ổn mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm và dịp Tết cũng như nắm chắc diễn biến tình hình thị trường giá cả hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường cả nước thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền đến tiểu thương các chợ, các trung tâm thương mại thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Mặt khác, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến nhằm thu lợi bất chính.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp trước trong và sau Tết.

Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch; kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Bộ Công Thương cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên từng địa bàn để tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh trong việc thực hiện chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là các mặt hàng có mức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Thống kê từ Bộ Công Thương, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; trong đó có 28 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình bình ổn thị trường.

Báo cáo của các địa phương cũng nêu rõ, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.

Đặc biệt, các địa phương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tổ chức các điểm bán hàng Tết, các hội chợ, phiên chợ Tết với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng lưu động về khu công nghiệp, khu chế xuất...

Với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Công Thương, các chuyên gia thương mại dự kiến thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Người dân ở mọi miền tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Các tin khác