Cần luật hóa công việc chấp bút

(ĐTTCO) - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề chấp bút đã không còn là một công việc xa lạ tại Việt Nam. Rất nhiều cuốn sách theo dạng tự truyện, hồi ký của những người nổi tiếng, chính khách, hay những người bình thường có câu chuyện truyền cảm hứng, liên tục được giới thiệu ra thị trường với sự tham gia chấp bút của nhiều người.
 Có điều, công việc này dường như đang bị thả nổi, chưa được bảo vệ bằng luật một cách chặt chẽ; đến khi có tranh chấp, người chấp bút lại không biết kêu ai. 
Người tạo ra cảm xúc cho câu chuyện 
Dạo qua một nhà sách, sẽ thấy nhiều tác phẩm dòng sách hồi ký, tự truyện. Từ những nghệ sĩ gạo cội như NSND Kim Cương (Sống cho người - Sống cho mình), NSƯT Thành Lộc (Tâm thành Lộc đời), diễn viên Thương Tín (Một đời giông bão), ca sĩ Ái Vân (Để gió cuốn đi), nghệ sĩ Mỹ Châu (Châu, chút tạ tình tri âm)… đến những ngôi sao trẻ như Hoàng Thùy Linh (Vàng Anh và Phượng Hoàng), Đức Phúc (Đức Phúc: I believe, I can fly), Sơn Tùng M-TP (Chạm tới giấc mơ)… Ngoài lĩnh vực nghệ thuật, các lĩnh vực khác như thể thao, kinh doanh, y tế… cũng nở rộ dòng sách tự truyện, hồi ký. 
Không chỉ được biết đến ở lĩnh vực sáng tác, nhà văn Võ Thu Hương (hội viên Hội Nhà văn TPHCM) còn là người chấp bút “đắt hàng”. Đến nay, chị đã tham gia chấp bút cho 6 cuốn sách về các nhân vật, như: nữ biệt động Sài Gòn Lê Thị Thu Nguyệt, ca sĩ Đức Phúc, cô gái Lê Thị Huyền Anh… Nhà văn Võ Thu Hương đúc kết: “So với sáng tác, việc chấp bút khác ở chỗ không có nhiều đất cho sáng tạo. Tôi vẫn nghĩ, nghề chấp bút nội dung gần với báo chí (thể loại chân dung), hình thức gần với văn chương. Đối với tôi, khi viết cho người nổi tiếng hay không cũng không có gì khác biệt hay áp lực gì. Chỉ áp lực khi đối diện bản thảo, làm sao thể hiện tốt nhất khả năng của mình mà có thể đồng cảm với nhân vật, với độc giả”. 
Cần luật hóa công việc chấp bút ảnh 1 Nhà báo Trần Minh là người chấp bút cho cựu cầu thủ Lê Công Vinh ra mắt tự truyện Phút 89.
Bà Dương Ngọc Hân, Tổng Biên tập Saigon Books, đánh giá cao vai trò của người chấp bút. Theo bà, dù mang tiếng là chấp bút, nghĩa là tác phẩm không hoàn toàn là của mình, nhưng họ là bộ lọc đầu tiên. “Bởi vì, giữa người chấp bút và nhân vật phải trải qua thời gian trò chuyện rất lâu. Giữa rất nhiều câu chuyện như vậy, người chấp bút phải lựa chọn đưa vào cuốn sách bao nhiêu câu chuyện, là những chuyện gì… Rõ ràng, vai trò của người chấp bút rất quan trọng, họ giống như người tạo ra không gian, cảm xúc cho câu chuyện”, bà Dương Ngọc Hân lý giải.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thủy, Giám đốc bản quyền Thái Hà Books, cho rằng, đôi khi người chấp bút phải sáng tạo từ những nguyên liệu thô sơ để tác phẩm hấp dẫn vừa thể hiện cá tính của người chấp bút nhưng cũng không làm mất đi nét riêng của nhân vật. “Người chấp bút tiếp xúc trực tiếp với nhân vật, có trải nghiệm thực sự khi chấp bút, có nền tảng kiến thức tốt, khả năng xử lý ngôn ngữ thuần thục thì tác phẩm được sáng tạo đảm bảo tính trung thực và nhân văn”, bà Vũ Thủy nói.
Trở thành công việc chuyên nghiệp 
Theo bà Dương Ngọc Hân, công việc chấp bút hoàn toàn có thể được ghi nhận là một nghề giống như các ngành nghề khác. Trên thế giới có hẳn một nghề gọi là “goshwriter” (tạm gọi là “tác giả ma”), là tác giả nhưng ẩn danh, ẩn đằng sau nhân vật. “Lịch sử thế giới đã thấy rồi và Việt Nam cũng đang có. Khi các bên đều nhìn nhận nó một cách nghiêm túc với những tiêu chí, thỏa thuận, vai trò, trách nhiệm, quyền lợi minh bạch thì khi đó, nó hoàn toàn là một nghề”, bà Dương Ngọc Hân bày tỏ. 
Để được gọi là nghề, trước hết công việc đó phải nuôi sống được người lao động. Hiện tại, liệu các tác giả đã sống được với công việc chấp bút chưa? Trả lời câu hỏi này, nhà văn Võ Thu Hương cho biết, công việc này giúp các nhà văn/nhà báo có thêm cơ hội để sống được với nghề bằng chính trang viết của mình. “Tôi có thể tự tin khi viết tự do nhưng có thể sống được với nghề. Nghề này cũng giúp tác giả có được những trải nghiệm sống động, rất thật với nhân vật bằng xương bằng thịt của mình”, nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ.
Liên quan đến công việc chấp bút, hiện tại đang có nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là nhà văn đứng tên viết về một nhân vật nào đó như trường hợp Nụ cười chim sắt của nhà văn Võ Thu Hương, Tên người như cuộc đời của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải... Cũng có trường hợp nhân vật “thuê đứt” người chấp bút và tự đứng tên trên sách. Tuy nhiên, phổ biến hiện nay vẫn là đơn vị xuất bản đầu tư, trả tiền cho nhân vật lẫn người chấp bút. Khi đó, cả tên nhân vật lẫn tên người chấp bút đều được thể hiện trên bìa sách. 
Theo chia sẻ của giới chuyên môn, thù lao của người chấp bút phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chung của ngành xuất bản. Hiện tại, thị trường đọc của Việt Nam còn quá yếu, trong khi đơn vị xuất bản lại phải phụ thuộc vào số lượng phát hành. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nghề này không sống được. Với một cuốn sách từ 200-250 trang, thù lao cho người chấp bút từ vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng, thậm chí là hơn. Bởi vì công việc này còn liên quan đến nhân vật. Có những trường hợp nhân vật vừa là nhà đầu tư vừa là tác giả của cuốn sách đó. Khi đó, câu chuyện đã trở thành “thuận mua vừa bán” giữa nhân vật và người chấp bút.
Gần đây, có nhiều chuyện lùm xùm liên quan đến công việc chấp bút. Điển hình như bản quyền Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay cuốn sách Trò chuyện trong cõi vô hình giữa nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà và bà Hoàng Thị Thiêm. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã mang đến khái niệm “đồng tác giả” cũng như những quy định liên quan, tuy nhiên có thể thấy những quy định này vẫn còn chung chung và đi sau thực tế. Chính vì vậy, theo bà Vũ Thủy, trong Luật Sở hữu trí tuệ có 3 chủ thể được bảo hộ quyền là tác phẩm, tác giả và chủ sở hữu. Còn người chấp bút không là đối tượng được bảo hộ quyền. Mặt khác, quy định về đồng tác giả lại được đề cập chung chung. 
“Nếu luật hóa công việc này, các bên tham gia có căn cứ bảo vệ quyền lợi trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, trước khi điều luật được ban hành và thực thi thì trách nhiệm của các bên tham gia là cùng bàn thảo và thống nhất được cách thức làm việc, quyền lợi của các bên”, bà Vũ Thủy nói.
Còn theo bà Dương Ngọc Hân, trước hết, chúng ta hãy tự luật hóa bằng những thỏa thuận mang tính pháp lý. Đó chính là hợp đồng, là căn cứ pháp lý cao nhất cho các bên.

Các tin khác