Cần Thơ: Phẫu thuật tim thành công bằng kỹ thuật mới

(ĐTTCO) - Chiều 16-7, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật tim thành công cầu nối chủ - vành không sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, cho 2 bệnh nhân hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể, bệnh nhân Võ Ngọc Son (65 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim bán cấp, hẹp ba nhánh động mạch vành, tăng huyết áp, suy tim độ 3.

Bệnh nhân Bùi Văn Nghiêm (68 tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bị hẹp ba nhánh động mạch vành, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường type 2, tắc động mạch cảnh trong trái.

Sau khi hội chẩn với hội đồng chuyên Khoa tim mạch (Bệnh viện Chợ Rẫy), các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành (4 – 5 cầu), với vật liệu động mạch làm cầu nối và không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể cho cả hai bệnh nhân trên.

Cần Thơ: Phẫu thuật tim thành công bằng kỹ thuật mới ảnh 1 Bệnh nhân được bác sĩ chăm sóc sau khi phẫu thuật tim thành công.

Sau phẫu thuật, 2 bệnh nhân hồi phục tốt và được rút nội khí quản sau 12 giờ. Hiện tại, cả 2 bệnh nhân đều ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt, vận động bình thường.

Trước đây, việc phẫu thuật cầu nối chủ - vành thường được thực hiện với sự hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể và ngừng tim, với nhiều biến chứng lên các cơ quan đích. Kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa đặc biệt, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí, nên ít nhiều sẽ dẫn đến các tác dụng có hại.

Phẫu thuật cầu nối động mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể, là xu hướng của các trung tâm mổ tim trên thế giới và tại Việt Nam. Kỹ thuật này giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim, rối loạn đông máu sau mổ. Ngoài ra, giúp rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị. 

Hiện nay, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhờ đó Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện được phẫu thuật cầu nối động mạch vành không dùng máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Điều này giúp cho bệnh nhân ở vùng ĐBSCL hạn chế chuyển lên tuyến trên, giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Các tin khác