Căng mình giữ đất công viên cây xanh

(ĐTTCO) - Để có 150ha đất sạch cho Dự án công viên cây xanh ở phường Thạnh Xuân, Thới An (quận 12, TPHCM), nhiều năm qua chính quyền địa phương phải “gồng mình” giữ từng mét đất và đẩy nhanh tiến độ dự án để xóa treo. 
Khu đất thuộc Dự án 150ha quy hoạch công viên ở quận 12, TPHCM đang chờ triển khai thực hiện
Khu đất thuộc Dự án 150ha quy hoạch công viên ở quận 12, TPHCM đang chờ triển khai thực hiện
Chiếm đất quy hoạch công viên để phân lô 
Cơn lốc đô thị hóa đã biến khu quy hoạch công viên cây xanh 150ha ở phường Thạnh Xuân và phường Thới An (quận 12) trở thành ốc đảo xanh. Những khu đô thị mới, nhà cửa của người dân lấn dần đất công viên. Chừng 2 năm trở lại đây, khi dự án công viên cây xanh 150ha khởi động trở lại, nhiều đầu nậu, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “ăn theo” tìm đến mua đất, xây dựng khu đô thị, ngang nhiên lấn chiếm đất dự án công viên để phân lô bán nền. 
Điển hình như vụ vi phạm ở khu vực cầu Ba Phụ (tổ 33, khu phố 2) tại các thửa đất số 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, tờ bản đồ số 25. Chủ đất đã bí mật tổ chức xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền. Khi cơ quan chức năng phát hiện, chủ đất đã rải xong đá làm đường nội bộ, hệ thống cống thoát nước cũng được lắp đặt. Chính quyền địa phương đã buộc chủ đầu tư khắc phục sai phạm, khôi phục lại nguyên trạng.
Tương tự, cặp theo rạch Rỗng Tràm, tại thửa đất 102, tờ bản đồ số 2 (khu phố 2), chủ đầu tư không chỉ làm đường trái phép, mà còn xây dựng bờ tường cao 1m, phía trên rào bằng lưới B40. Hoặc như ngay thửa đất 34, 47, tờ bản đồ số 25, gần cầu Chín Mật (khu phố 2), chủ đất không những đã làm đường giao thông, phân lô xây dựng trái phép, mà còn xây dựng nhà, lập vi bằng sang nhượng cho người khác. 
Theo một cán bộ đô thị quận 12, áp lực đè nặng lên vai chính quyền cơ sở khi các đầu nậu phân lô bán nền tìm đến. Để giữ đất công viên, cán bộ, chính quyền từ phường đến quận phải căng sức, huy động lực lượng giữ từng mét đất cây xanh. “Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ phân lô bán nền trên đất công viên bị cán bộ phát hiện xử lý. Hầu hết đối tượng vi phạm thường liên kết với chủ đất là người địa phương, tổ chức thi công vào ngày cuối tuần, vào ban đêm nên rất khó phát hiện”, vị cán bộ đô thị quận 12 bức xúc.
Còn một cán bộ phường Thạnh Xuân cho biết, khu công viên có diện tích 150ha, trải rộng trên địa bàn 2 phường nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Chỉ riêng trên địa bàn khu phố 2 (phường Thạnh Xuân) thời gian qua đã có 5 vụ phân lô bán nền quy mô lớn nhưng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.   
Cùng đẩy nhanh tiến độ dự án
Khu dự án công viên 150ha được thành phố phê duyệt từ năm 2012 theo quyết định số 6706. Đây là khu công viên có quy mô lớn ở quận 12. Theo báo cáo của UBND quận 12, hiện trong khu dự án có 650 hộ dân, chỉ có 20% là đất ở, diện tích còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp, vườn cây.
“Thực tế, số dân sinh sống trong khu dự án nhiều hơn con số báo cáo, chủ yếu là người các tỉnh mới đến ở. Việc sớm triển khai thực hiện dự án công viên không chỉ tạo mảng xanh đô thị mà còn giúp hàng trăm gia đình thoát cảnh quy hoạch treo đã kéo dài nhiều năm nay, trả lại quyền lợi cho người dân”, một lãnh đạo UBND quận 12 băn khoăn.
Trong khi đó, ngay chính người dân sinh sống quanh khu vực cũng mong muốn dự án sớm xúc tiến, ổn định cuộc sống. Đứng dưới chân cầu Ba Phụ, ông Nguyễn Văn Được, nhà ở khu phố 2, phường Thạnh Xuân cho biết, người dân phấn khởi khi biết khu công viên quy hoạch treo nhiều năm qua giờ sắp được xây dựng. “Khi làm công viên mới, người dân trong khu phố phải di dời nhà cửa cũng thấy bùi ngùi, nhưng ai cũng đồng lòng. Bà con chỉ mong muốn được đền bù thỏa đáng, tạo dựng chỗ ở mới khang trang”, ông Được tâm sự.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân cho biết, UBND TPHCM giao quận lập quy hoạch 1/500 và kêu gọi đầu tư. Sở Xây dựng TP cũng đã đề xuất thực hiện công viên trong giai đoạn 2020-2025. Công trình do cấp trên thực hiện, phường cũng như người dân địa phương là những người được thụ hưởng. Phường đã phối kết hợp và chủ động tổ chức ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch công viên. Cán bộ phường cũng như các tổ chức mặt trận, đoàn thể luôn bám sát thực địa, tuyên truyền vận động người dân không xây dựng trái phép và thực hiện tốt kê khai, giải tỏa khi có yêu cầu để sớm có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Các tin khác