Chắp thêm cánh cho Vân Phong

(ĐTTCO) - Chưa bao giờ sức hút đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Vân Phong (Khánh Hòa) có những chuyển biến mạnh mẽ như hiện nay. Để níu chân nhà đầu tư ở lại Vân Phong, song hành với việc đơn giản thủ tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, Vân Phong cần nghị quyết riêng để cất cánh.

 Một góc KKT Nam Vân Phong đang thu hút hàng loạt dự án cỡ lớn từ nước ngoài.
Một góc KKT Nam Vân Phong đang thu hút hàng loạt dự án cỡ lớn từ nước ngoài.
“Cởi trói” để không chậm nhịp
Cách đây hơn chục năm, những tưởng dự án đầu tàu tại KKT Vân Phong, như Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, sẽ là bước đột phá lớn cho nơi đây. Nhưng rồi, dự án giậm chân tại chỗ và đến thời điểm này cũng gần như phá sản.
Vậy nên, bao kỳ vọng về KKT đầu tàu Vân Phong chững lại. Vân Phong vốn ngổn ngang về hạ tầng kết nối, chưa có dự án đầu tàu, chưa được quy hoạch chi tiết, nên càng thêm khó khăn trong thu hút vốn đầu tư. 
Mọi sự đã thay đổi khi giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa về việc tạm thời dừng lập quy hoạch tổng thể đối với đặc khu Vân Phong, cho đến khi Luật về đặc khu được Quốc hội thông qua. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là động thái nhạy bén của địa phương, khi chính thức đề xuất cởi trói cho Vân Phong.
Bởi ai cũng biết nếu đợi Luật Đặc khu thông qua, Vân Phong sẽ vuột mất nhiều cơ hội vàng thu hút đầu tư trong thời điểm nhiều tập đoàn lớn muốn vào đây.
Chỉ sau thời gian ngắn được cởi trói, KKT Vân Phong đã có những bước nhảy vọt trong thu hút hàng loạt dự án khủng trị giá hàng chục tỷ USD.
Vào tháng 7-2020, Tập đoàn Dầu khí Millenium (Mỹ) đã đề xuất đầu tư dự án khí hóa lỏng với số vốn 15 tỷ USD vào Vân Phong. Theo đó, tập đoàn này sẽ xây dựng nhà máy điện có công suất 9.600MW và kho cảng chứa khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Nam Vân Phong.
Đặc biệt, tập đoàn này mong muốn biến kho cảng LNG này thành trung tâm năng lượng của Đông Nam Á. Tin vui tiếp tục đến với Vân Phong khi giữa tháng 11-2020, Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) muốn cụ thể hóa chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong, có công suất 3.000MW, trên diện tích khoảng 40ha với tổng mức đầu tư 3,2 tỷ USD.
Với diện tích 1.500ha, có nhiều đất còn trống sẽ thuận lợi để phát triển kinh tế. Đây chính là thế mạnh của KKT Vân Phong. Đã có khoảng 200 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, dự kiến thu hút khoảng 60 tỷ USD vốn đầu tư. Để tạo bước phát triển đột phá cho Vân Phong, Khánh Hòa đã nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt chọn những đối tác có tầm, có tâm.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết sẽ báo cáo với Bộ Công Thương bổ sung 4 vị trí quy hoạch cho điện khí và kho khí hóa lỏng. Nếu dự án được bổ sung vào quy hoạch điện VIII, UBND tỉnh sẽ báo cáo và đồng thuận để các doanh nghiệp nói trên vào đầu tư.
“Chúng tôi muốn các dự án khí hóa lỏng ở Vân Phong sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Để làm được điều đó, tỉnh đã có nhiều quyết sách, tự tìm đến nhà đầu tư trước, thể hiện thiện chí của mình để họ đến với Vân Phong chứ không phải ngồi chờ” -  ông Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ.
Cần nghị quyết riêng cho Vân Phong
Nói đến Vân Phong, ai cũng biết đây là vịnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, và đó cũng là ấp ủ của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Nhưng để Vân Phong thực sự có những bước phát triển mạnh mẽ, đúng như tiềm năng còn nhiều việc phải làm.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, việc Bắc Vân Phong còn giữ nguyên trạng là lợi thế rất lớn của KKT Vân Phong mà các khu vực khác không có được. Trong tương lai, Bắc Vân Phong sẽ là động lực mới trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, quy mô.
Thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt vấn đề về một KCN để thu hút các tập đoàn dịch chuyển công ty khỏi Trung Quốc. Nếu được đầu tư, khu vực Bắc Vân Phong sẽ thu hút ít nhất 20.000 lao động phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và hàng trăm ngàn công nhân phục vụ sản xuất. 
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết bên cạnh các giải pháp để thu hút đầu tư nêu trên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của KKT Vân Phong, Ban Quản lý KKT Vân Phong kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xem xét, ban hành nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khu vực vịnh Vân Phong. 
Từ khi thành lập đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 158 dự án đầu tư mới (129 dự án trong nước và 29 dự án có vốn nước ngoài), với tổng số vốn đăng ký tương đương 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 1,15 tỷ USD. Trong đó có 91 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động.
Kết quả thu hút đầu tư này chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa), còn khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gần như vẫn giữ nguyên trạng, chưa khai mở được tiềm năng. 
Trăn trở về Vân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho rằng lãnh đạo tỉnh mong muốn nhà đầu tư sẽ thực hiện được các dự án đã cấp phép cũng như những dự án lớn vừa mới có chủ trương, thỏa thuận.
Song, trước mắt cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bấy lâu nay đã kìm hãm Vân Phong phát triển. Trước mắt, cần làm các thủ tục cần thiết để đưa dự án vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về khí hóa lỏng và điều chỉnh về sử dụng đất. Tỉnh sẽ tạo điều kiện, phối hợp với nhà đầu tư trình Trung ương giải quyết.
“Khánh Hòa có 3 vịnh đẹp và tiềm năng, đây là điều kiện thuận lợi trời ban. Thời gian qua tỉnh đã quyết liệt trong thu hút đầu tư nhưng cần quyết liệt hơn nữa. Những gì đã và đang thu hút vào Vân Phong gần đây là tín hiệu mừng để tỉnh tiếp tục nỗ lực, sớm đưa Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của cả nước” - Bí Thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ.

Các tin khác