Chống dịch Covid-19: Không thỏa mãn, chủ quan

(ĐTTCO)-Công tác cách ly rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã điều phối nhịp nhàng các vấn đề đối nội, đối ngoại để có kết quả tốt nhất. Chính điều này đã truyền cảm hứng, sự khích lệ đến toàn đất nước để phòng chống dịch Covid-19 thành công.
Chống dịch Covid-19: Không thỏa mãn, chủ quan

Chiều 5-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận một số vấn đề tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ngành hàng không, du lịch phải chấp nhận thiệt hại vì không thể hút khách bằng mọi giá

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thường trực Chính phủ họp thường xuyên để chỉ đạo phòng dịch sát sao nhất. Do đó hiệu quả phòng dịch của chúng ta rất tốt, nhất là công tác cách ly phát huy hiệu quả ngăn, phòng dịch. Gần 23 ngày qua, Việt Nam chưa có ca mắc Covid-19 mới.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng, lực lượng quân đội, công an. Chúng ta đã chuẩn bị 90 bệnh viện dã chiến, chuẩn bị nơi cách ly cho trên 30.000 người, sẵn sàng mọi điều kiện để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân.

“Công tác cách ly rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã điều phối nhịp nhàng các vấn đề đối nội, đối ngoại để có kết quả tốt nhất”, Thủ tướng đánh giá. Chính điều này đã truyền cảm hứng, sự khích lệ đến toàn đất nước để phòng chống dịch Covid-19 thành công.

Tuy vậy, Thủ tướng tiếp tục lưu ý, vì tình hình dịch phức tạp trên thế giới nên Việt Nam nhất định không được chủ quan, không mệt mỏi, chần chừ trong chống dịch, cần kiên định, kiên quyết hơn trong phòng chống dịch Covid-19. Tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan với kết quả phòng chống dịch trong thời gian qua. Tinh thần "chống dịch như chống giặc" phải được quán triệt đến từng cán bộ, từng người dân.

Thủ tướng yêu cầu việc cách ly tập trung vẫn là giải pháp quan trọng nhất hiện nay. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc cách ly, giao quân đội làm lực lượng chủ chốt phối hợp với các ngành, các địa phương trong vấn đề này.

Về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng dịch đã tác động nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ đã thảo luận rất sâu và Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để hỗ trợ, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, sẽ có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may, điện tử..., còn ngành hàng không, du lịch phải chấp nhận thiệt hại, vì không thể bằng mọi giá thu hút khách du lịch.

Đề phòng cho tình huống xấu, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung cao độ cho phòng chống dịch, nhất là TPHCM và Hà Nội, nơi tập trung đông dân cư và đông người nước ngoài. Bảo đảm các điều kiện tốt nhất về sinh hoạt cho người bị cách ly. “Công tác tài chính sẽ đáp ứng mọi yêu cầu cho công tác phòng chống dịch”, Thủ tướng nêu rõ.
Về các kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Thủ tướng đồng ý tạm dừng cấp thị thực cho người ở các nước là vùng dịch; đồng ý về giải pháp cách ly đối với các chuyên gia Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng yêu cầu kiểm soát chặt; đồng ý phương án huy động khách sạn làm nơi cách ly nếu quân đội hết chỗ.

Về đề nghị mua khẩu trang, máy thở, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tính toán số lượng phù hợp, trình Thủ tướng quyết định, trong đó mua 20 triệu khẩu trang y tế dự trữ. Thủ tướng đề nghi thành lập tổ công tác ngay trong ngày 6-3 để quyết phương thức mua, trong đó lưu ý vấn đề sản xuất khẩu trang kháng khuẩn của doanh nghiệp ngành công thương. Đồng ý thành lập quỹ vận động hỗ trợ của doanh nghiệp, nhân dân cho công tác phòng dịch Covid-19.

Không sợ lãng phí, tốn kém khi mua vật tư y tế dự phòng

Tại cuộc họp, Bộ Công thương đề xuất Bộ Y tế sớm thẩm định chất lượng khẩu trang kháng khuẩn để các doanh nghiệp sản xuất. Bộ Quốc phòng cũng cho biết, quân đội hiện đang cách ly hơn 10.000 người về từ Hàn Quốc, Trung Quốc, trong đó về từ Hàn Quốc hơn 8.000, Trung Quốc hơn 2.000. Quân đội đã tiến hành diễn tập, sẵn sàng ứng phó với tình huống phức tạp hơn.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Công ty SamSung Việt Nam cần 700 cán bộ kỹ thuật từ Hàn Quốc sang làm việc, họ đề xuất bay chuyên cơ và cách ly tập trung ở khách sạn cách công ty 2km, toàn bộ nơi ở, làm việc bảo đảm cách ly với công ty. Bên cạnh đó, còn 1.200 lao động Hàn Quốc hiện làm việc tại Samsung Việt Nam chuẩn bị đến hạn về nước nên đề nghị gia hạn visa 90 ngày để phía bạn không phải đưa người mới sang.

Ông Mai Tiến Dũng đề nghị Chính phủ chấp thuận các đề nghị này để bảo đảm vấn đề cách ly, thuận lợi cho cả 2 bên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giao thêm Bộ Quốc phòng và các địa phương chuẩn bị nơi cư trú tập trung.

“Bảo đảm cách ly tập trung là tốt nhất, hạn chế cách ly ở cộng đồng vì có nguy cơ lây lan nếu có người nhiễm. Các doanh nghiệp cũng đang rất mong chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói và đề nghị Chính phủ sớm cho mua khẩu trang, vật tư y tế dự phòng.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến, trường học phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, vì chỉ cần một học sinh nhiễm Covid-19 là xáo trộn khủng khiếp. Đề nghị phải có diễn tập phòng chống dịch trong trường học. Do thời gian nghỉ học dài, do đó ngành giáo dục phải chuẩn bị rất kỹ cho các mốc thời gian của năm học, kể cả việc công nhận tốt nghiệp cuối cấp, tránh tạo áp lực quá lớn lên nhà trường, giáo viên.

Cùng với đó, khâu tuyên truyền hiện nay phải bảo đảm để người dân thực sự hiểu và ứng phó đúng với dịch bệnh. Hiện nay có 3 mức tâm lý: đúng mức, chủ quan, quá lo lắng. Công tác tuyên truyền cần làm sao để người dân hiểu biết đúng mức về dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dịch đang lây lan phức tạp ở nhiều quốc gia, kể cả những nước có khí hậu nóng. Những biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng là rất quyết liệt, chỉ đạo hàng ngày, khiến cả hệ thống phải vào cuộc, trong đó có sự nỗ lực cao độ của ngành y tế, quân đội, công an.

Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục hạn chế người từ vùng dịch đến Việt Nam, thực hiện cách ly tuyệt đối. Với các chuyên gia Hàn Quốc, sang Việt Nam vẫn phải cách ly, không nên yên tâm rằng đã cách ly ở Hàn Quốc.

Về đầu tư cho phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các quốc gia đầu tư rất mạnh. Việt Nam do làm tốt khâu phòng dịch nên kết quả đến nay rất tốt, nhưng vì thế không được chủ quan, Bộ Y tế cần trình Chính phủ để đầu tư cho viêc mua trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho tình huống bùng phát dịch.

“Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, Việt Nam không ngoại lệ. Do đó, khi có chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ khôi phục kinh tế, đề nghị các cấp ngành, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc để bảo đảm nền kinh tế không bị trì trệ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn phát biểu: làm gì cũng phải tính đến rủi ro, vì vậy cần dự trữ vật tư y tế, nhất là máy thở, đồ bảo hộ phải tính đến đủ ít nhất cho 1.000 bệnh nhân. Không sợ lãng phí, không sợ tốn kém, mà phải sẵn sàng cho phòng dịch. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng tài trợ mua khẩu trang, vật tư y tế.

“Nếu thứ 3 tuần tới, không có ca nhiễm mới thì chúng ta công bố hết dịch (sau 28 ngày). Dĩ nhiên trong tình hình này không phải là hết dịch mà là chuyển sang giai đoạn mới. Thủ tướng sẽ có chỉ thị phòng chống dịch trong giai đoạn mới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị Thủ tướng quyết sớm vấn đề chi ngân sách cho việc mua vật tư y tế dự trữ, đó là điều rất quan trọng hiện nay, chúng ta phải luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

“Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả đã làm tăng niềm tin của thế giới, của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, điều hành của Đảng, Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu quan điểm.

Các tin khác