Chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

(ĐTTCO) - Sáng 3-7, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” nhằm giúp bạn đọc phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. 
Buổi giao lưu có sự tham gia của bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM; bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC; bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
“Khắc tinh” của bệnh bạch hầu là vaccine
Với hơn 150 câu hỏi gửi về trong sáng 3-7, các bác sĩ đã giải đáp những thắc mắc của người dân về những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thời gian gần đây, đặc biệt là bệnh bạch hầu (do gần đây có một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu, gây hoang mang cho người dân). Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, bệnh bạch hầu nếu phát hiện sớm thì sẽ có kháng sinh đặc trị. Khi phát hiện trễ thì gây biến chứng tim, thần kinh, thận... có thể dẫn đến tử vong.
Chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh 1 Phó Tổng biên tập Báo SGGP Phạm Trường (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa các bác sĩ tham gia giao lưu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hiện tại có vaccine để phòng ngừa bệnh bạch hầu nên phụ huynh cần đưa bé đi tiêm ngừa đầy đủ theo lịch, người lớn nên chích nhắc lại bạch hầu mỗi 10 năm. Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp từ giọt bắn của người mang mầm bệnh, có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc bề mặt có chứa vi khuẩn bạch hầu. Bệnh không bắt nguồn từ động vật mà từ người mang mầm bệnh.
Lo lắng về bệnh bạch hầu đang gia tăng tại các tỉnh Tây Nguyên và muốn được tư vấn cách phòng chống, bạn đọc Hữu Đạt hỏi: “Tôi năm nay 24 tuổi, có cần phải tiêm chủng lại để phòng bệnh bạch hầu không?”. Bác sĩ Bạch Thị Chính giải đáp: “Nếu bạn có lịch sử tiêm phòng vaccine có thành phần bạch hầu (như DPT, vaccine dịch vụ Infanrix hexa, Pentaxim, Tetraxim) mà trong 10 năm gần đây bạn chưa tiêm nhắc lại thì nên có mũi tiêm nhắc Adacel hoặc Boostrix. Nếu bạn không nhớ rõ lịch sử tiêm ngừa bạch hầu trước đây thì bác sĩ VNVC sẽ tư vấn và hướng dẫn cho bạn lịch tiêm chủng để bạn có thể phòng bệnh bạch hầu một cách tốt nhất”.
Cũng quan tâm về bệnh bạch hầu, bạn đọc Trần Thanh Thảo (Đà Nẵng) hỏi: “Tại sao có vaccine phòng ngừa bạch hầu mà thời gian vừa qua vẫn có người mắc căn bệnh này, người lớn có cần phải tiêm vaccine bệnh này không và đến đâu để tiêm?”. Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, tiêm chủng phải đầy đủ, đúng lịch và có những mũi tiêm nhắc định kỳ thì việc bảo vệ mới được hiệu quả cao.
Nếu tiêm không đầy đủ, không đúng lịch, không tiêm nhắc thì lượng kháng thể sẽ giảm theo thời gian và có nguy cơ nhiễm bệnh trở lại. Hiện nay, chúng ta nên tạo một thói quen tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ, tiêm nhắc đúng thời gian để bảo vệ chống lại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Người lớn nếu chưa được tiêm ngừa thì nên tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.  
Gia tăng nhiều bệnh truyền nhiễm 
Thông tin tới Báo SGGP và các chuyên gia về tình hình dịch bệnh tại địa phương, bạn đọc Nguyễn Văn Long (huyện Củ Chi) cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại đây hiện có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, thị trấn Củ Chi. Vậy xin hỏi, gia đình chúng tôi cần làm gì để loại trừ mầm bệnh và phòng chống SXH”. Trả lời bạn đọc, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành nhấn mạnh, nguyên nhân gây mắc bệnh SXH là do muỗi vằn truyền virus dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Muỗi vằn thường sinh sản ở các vật chứa nước sạch như hồ chứa nước, lu chứa nước, lọ hoa, khay chứa nước chậu cây cảnh, các vật phế thải xung quanh nhà như bao bì, hộp cơm, vỏ xe... Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, khi được chẩn đoán SXH thì người bệnh nên theo dõi tại cơ sở y tế để được phát hiện sớm những dấu hiệu nặng và xử lý kịp thời. Một số trường hợp bệnh nhân sốt đến ngày thứ 3 mà vẫn chưa có dấu hiệu đau bụng, xuất huyết, không có bệnh lý nền, thì có thể theo dõi tại nhà, nhưng phải tái khám theo hẹn của bác sĩ. SXH lây do muỗi đốt chứ không lây trực tiếp từ người sang người, nên phải diệt muỗi là chính.
Trả lời bạn đọc Phạm Thành Trung (Nam Định) về việc có phải bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra ở trẻ em và bệnh có biến chứng nguy hiểm không nếu như trẻ dưới 3 tuổi mắc phải, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì biến chứng càng nặng; nếu phát hiện trễ thì trẻ dễ xảy ra biến chứng nặng như viêm màng não, co giật, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Bạn đọc có thể xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến tại địa chỉ https://www.sggp.org.vn/giaoluutructuyen/
 Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi

Các tin khác