Chưa ổn trong việc đưa đón học sinh

(ĐTTCO) - Sau vụ việc một học sinh lớp 1 Trường Gateway (Hà Nội) tử vong với nhiều nghi vấn, khiến phụ huynh lo lắng trước thực trạng việc tổ chức đưa đón học sinh chưa đảm bảo quy củ, an toàn. Điểm lại việc tổ chức xe đưa đón học sinh tại các trường học ở TPHCM, cũng thấy có nhiều mặt chưa ổn. 

Hiện nay, nhiều trường tại TPHCM có tổ chức dịch vụ đón học sinh đi học và đưa về nhà. Tuy nhiên, có một số trường thuê dịch vụ từ các nhà xe sử dụng xe hoán cải, xe tải loại nhỏ để tổ chức đưa đón học sinh.

Do là xe tải nhỏ, được lắp thêm băng ghế để chuyên chở người nên thùng xe không có các thiết bị bảo đảm an toàn như dây an toàn, tay vịn...

Hơn nữa, xe nhỏ, học sinh thường bị nhồi nhét nhiều để tận dụng xe. Điều này tiềm ẩn nhiều khả năng mất an toàn giao thông và gây nguy hiểm cho học sinh mỗi khi xe lên xuống dốc hoặc chạy qua các ổ gà.

Phần lớn học sinh không được đưa đón tận cửa nhà, mà xe chỉ dừng tại một điểm nào đó trên các nhánh đường lớn, địa điểm gần nhà để thuận tiện cho lái xe và có chi phí đưa đón thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế nhiều hộ gia đình. 

Chưa ổn trong việc đưa đón học sinh ảnh 1Các loại xe tải nhỏ được lắp thêm băng ghế để sử dụng vào dịch vụ đưa đón học sinh trên địa bàn TPHCM

Từ phản ánh của phụ huynh Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) về chuyện chưa ổn trong việc tổ chức xe đưa đón học sinh, trưa 22-8, phóng viên Báo SGGP đã đến trường này và chứng kiến sau tiếng chuông tan học, có nhiều xe tải nhỏ đưa đón học sinh từ trong sân trường chạy ra, trên thùng xe được gắn dãy ghế xếp dọc hai bên.

Nhiều học sinh chen chúc trong khoảng không gian nhỏ, chật hẹp, thậm chí không còn một chỗ trống. Các học sinh ngồi phía ngoài bị ép ra, rất nguy hiểm; ba lô, cặp sách được chất lên nóc xe hoặc treo hai bên nhằm tiết kiệm tối đa diện tích.

Tại một điểm dừng ở đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), chúng tôi gặp em Nguyễn Gia Bảo (15 tuổi), hỏi về cảm nhận khi di chuyển trên các loại xe này, em cho biết: “Em thường đi học bằng xe đưa đón của trường, xe nhỏ, lại không có máy lạnh. Các bạn ngồi chen chúc nhau rất chật chội, trời nắng thì nóng bức; còn mưa thì hay bị tạt nước vào nên không được thoải mái. Mỗi khi xe đi qua đoạn đường có ổ gà thì chúng em bị xóc cả người lên, không an toàn. Chỉ mong nhanh chóng về đến nhà”.

Chị Huỳnh Thị Kim Cúc (32 tuổi, ở quận Tân Bình) cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi cũng chỉ biết đăng ký dịch vụ đưa đón và đóng tiền cho nhà trường theo hợp đồng, khoảng 400.000 đồng/tháng. Về mức độ an toàn của phương tiện đưa đón, tôi thực sự cũng không rành và không có thời gian để kiểm tra. Nhưng gia đình không còn cách nào khác để lựa chọn, cả hai vợ chồng đều đi làm cả ngày, buộc phải chấp nhận hình thức đưa đón này, vì chi phí khá hợp lý. Nếu sử dụng dịch vụ xe chất lượng cao, đưa đón tận nơi, chu đáo hơn thì điều kiện gia đình lại không cho phép”.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu các trường cần phối hợp, chú trọng quan tâm đến công tác đưa đón. Nên dùng xe đủ điều kiện lưu hành, đảm bảo các trang thiết bị an toàn.

Các tin khác