Công sở đón dân trở lại: Chậm nhưng an toàn

(ĐTTCO) - Sáng 29-10, bà Cao Tuyết Lan đến UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) yêu cầu sao y chứng thực một số giấy tờ. Ngay từ cổng UBND phường, bà Tuyết Lan được hướng dẫn gửi xe, quét mã QR khai báo y tế và đo thân nhiệt.

Sau đó, bà vào nộp hồ sơ, nhận số thứ tự rồi được hướng dẫn ra một khu vực thông thoáng chờ nhận kết quả. Từ đầu tháng 10, công sở ở hầu hết các địa phương tại TPHCM đã mở cửa trở lại để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sau thời gian giãn cách.

Công sở đón dân trở lại: Chậm nhưng an toàn ảnh 1Người dân đi làm hộ chiếu trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch 

“Giờ mỗi lần vào UBND phường là mất khoảng 5-7 phút làm thủ tục khai báo y tế các kiểu chứ không như trước. Có chậm vài phút nhưng cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Điều đó cũng tạo sự yên tâm nên mọi người ai cũng vui vẻ tuân thủ các yêu cầu của chính quyền địa phương”, bà Cao Tuyết Lan chia sẻ.

Theo ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, phường đã làm việc và tiếp công dân trở lại từ đầu tháng 10. Hiện nay, trung bình mỗi ngày phường tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho khoảng 200 lượt người, cao gấp 3-4 lần trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Thủ tục được người dân yêu cầu tập trung ở các lĩnh vực nhà đất, sao y chứng thực, hộ tịch, giải quyết các chính sách an sinh xã hội…

Bà Trần Thị Huê, Chủ tịch UBND phường 10 (quận Phú Nhuận), cho biết thêm, trên tinh thần chậm mà an toàn, từ khi mở cửa trở lại, nhu cầu của người dân tăng cao, phường đã bố trí 100% cán bộ, công chức làm việc. Phường cũng bố trí cán bộ hướng dẫn người dân từ cửa, sắp xếp nơi ngồi chờ bên ngoài, khi đến lượt sẽ được mời vào trong. Mỗi ngày có hơn 50 lượt người đến liên hệ, chủ yếu là sao y, giải quyết chế độ chính sách. Một số doanh nghiệp cần sao y hàng trăm hồ sơ nên phường bố trí người tiếp nhận và trả hồ sơ sau khi hoàn thành. 

UBND phường Cô Giang (quận 1) cũng đặt yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch lên hàng đầu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Do trụ sở nhỏ nên phường bố trí khu vực ngoài sân để người dân chờ, chỉ 1 người theo số thứ tự được gọi vào phía trong để làm thủ tục. Tại đây, người dân sẽ nộp thủ tục và được hẹn hôm sau trở lại nhận. Phường bố trí 1/3 cán bộ, công chức trực tại trụ sở để tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho người dân, lực lượng còn lại được điều xuống cơ sở để phục vụ phòng chống dịch, hỗ trợ tiêm ngừa và trao túi an sinh xã hội…

Người dân đến UBND các phường liên hệ công tác đều quét mã QR khai báo y tế, đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 hoặc tiêm 1 mũi vaccine và có phiếu xét nghiệm âm tính; thực hiện nghiêm 5K. UBND các phường cũng bố trí nhân viên hướng dẫn người dân khai báo y tế, bố trí các khu vực để người dân ngồi chờ, đảm bảo giãn cách.

Khuyến khích giao dịch trực tuyến

Theo yêu cầu của UBND TPHCM, các cơ quan nhà nước trên địa bàn mở cửa tiếp dân theo 3 giai đoạn, là từ 1-10 đến hết ngày 31-10 (giai đoạn 1), từ 1-11-2021 đến hết ngày 15-1-2022 (giai đoạn 2) và sau ngày 15-1-2022 (giai đoạn 3). UBND TPHCM khuyến khích, ưu tiên người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chỉ tiếp nhận trực tiếp đối với những thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách. Người dân đến làm thủ tục trực tiếp phải có thẻ xanh Covid-19, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính nếu chỉ có thẻ vàng Covid-19.

Công sở đón dân trở lại: Chậm nhưng an toàn ảnh 2 Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: THU HƯỜNG

Đại diện UBND quận 7 cho biết, ngay khi có hướng dẫn của UBND TPHCM, quận đã bố trí toàn bộ cán bộ, công chức trở lại tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp. Song song đó, quận khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo phòng chống dịch. Từ đầu tháng 10 đến nay, quận 7 tiếp nhận hơn 400 hồ sơ trực tuyến và giải quyết hơn 300 hồ sơ. Đặc biệt, theo ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, quận tích hợp cải cách hành chính vào Trung tâm Điều hành kiểm soát dịch và khẩn cấp phục hồi kinh tế quận. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp giải quyết hồ sơ, thủ tục trực tuyến.

Cụ thể, qua sự tích hợp, quận nâng cấp tất cả 195 danh mục thủ tục hành chính mức độ 3 lên mức độ 4. Người dân có thể nộp và nhận kết quả trực tuyến hoặc qua đường bưu điện, không phải đến trụ sở cơ quan hành chính. Trung tâm còn kết nối liên thông một cửa toàn diện giữa văn phòng UBND quận và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận với chi cục thuế cùng UBND 10 phường thuộc quận. Hệ thống này hỗ trợ tích hợp số liệu tình hình giải quyết hồ sơ của phòng ban chuyên môn, các phản ánh, đánh giá về tình hình giải quyết hồ sơ. Qua đó lãnh đạo sẽ giám sát, điều hành tình hình giải quyết hồ sơ của các phòng ban chuyên môn nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Khuyến khích thực hiện thủ tục trực tuyến thay cho trực tiếp hiện đang được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện. Theo đó, nhiều địa phương, đơn vị đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ trực tuyến, như Trung tâm Điều hành kiểm soát dịch và khẩn cấp phục hồi kinh tế quận 7, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của TP Thủ Đức. Trước đó, quận 1 cũng ứng dụng nhiều giải công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp, qua hàng loạt các danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Qua đó, người dân, doanh nghiệp dễ dàng đăng ký thủ tục không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng nhận diện khuôn mặt.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hạn chế tiếp xúc trực tiếp vừa đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, 21 quận huyện và TP Thủ Đức cùng các phường, xã, thị trấn về việc cập nhật, điều chỉnh danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận, trả kết quả trực tiếp ở từng lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực tư pháp (quốc tịch, khai sinh, khai tử, kết hôn); tài nguyên, môi trường, quản lý công sản (đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất..); xây dựng… Ngoài ra, tùy tình hình thực tế của địa phương, thẩm quyền phụ trách, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động quyết định tiếp nhận, trả kết quả trực tiếp các trường hợp cấp bách, cần thiết khác.

Các tin khác