Cuộc gọi lừa đảo gia tăng

(ĐTTCO)-Bất chấp các nhà mạng đã chặn gần 80 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo trong năm qua thì tình trạng này vẫn diễn ra ồ ạt và gia tăng dịp cuối năm.
Cuộc gọi lừa đảo gia tăng

Mạo danh từ điện lực đến nhà mạng, ngân hàng…

“Alo, chị là Kim Yến phải không? Nhà chị đang nợ tiền điện quá hạn mà chưa thanh toán…”, vừa bước qua đầu năm mới, chị Kim Yến (Q.7, TP.HCM) bỗng nhận được một cuộc gọi tự xưng là nhân viên công ty điện lực với nội dung như trên.

Người này thông báo nhà chị đã nợ tiền điện quá hạn và nếu không nộp sẽ bị xử lý theo quy định trong khi chị luôn thanh toán tiền điện hằng tháng qua ví điện tử nên chưa quên tháng nào và tháng cuối cùng năm 2021 cũng mới trả xong.

Chị Kim Yến cho biết, trước đó, chị cũng mới bị các cuộc gọi điện thoại lừa đảo bán mật ong. Nội dung vẫn là “Con cô đặt mua 2 lít mật ong rừng nhưng nay mới có nên cháu giao qua nhà…”.

“Trò lừa đảo bán mật ong đã được cảnh báo từ lâu nên nghe là biết liền. Tưởng hết rồi ai ngờ vẫn còn nhiều người gọi điện lừa đảo. Những cuộc gọi kiểu này thỉnh thoảng thấy bạn bè, người quen đều nhận được, càng gần tết thì càng nhiều”, chị Kim Yến nói.

Còn anh Quốc (Q.1, TP.HCM) cho hay vào đầu tuần qua, anh nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng T. giới thiệu dịch vụ chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang tài khoản ngân hàng.

Nghi ngờ lừa đảo vì từ trước đến giờ những cuộc gọi từ ngân hàng đều không phải số điện thoại cá nhân mà là từ tổng đài 1900…anh Quốc gọi lại tổng đài của ngân hàng và được xác nhận không có số điện thoại đó trong danh sách nhân viên chăm sóc khách hàng và ngân hàng cũng không có dịch vụ chuyển tiền từ thẻ tín dụng sang tài khoản.

Chị H.Ân (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng kể, bỗng dưng có một cuộc điện thoại lạ gọi cho chị và xưng là người ở Bộ Công an nói rằng thẻ ATM của chị đang bị ai đó lợi dụng, lừa đảo nên giờ chị đang dính vào một vụ điều tra… Nhưng nghe đến đó chị đã ngắt điện thoại vì “nghe có mùi lừa đảo”.

Tháng 12.2021, Công an tỉnh Quảng Bình đã phá thành công chuyên án thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Bước đầu xác định 15 đối tượng có liên quan và tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến gần 1.000 tỉ đồng của hơn 3.000 cá nhân, tổ chức bị hại trên toàn quốc.

Đó là những người biết và cảnh giác. Còn không ít người đã sập bẫy vì những cuộc gọi lừa đảo như vậy. Chị G.K (Q.1, TP.HCM) cho hay ngày đầu năm mới, chị nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên MobiFone giới thiệu sẽ giúp chị chuyển sim từ 3G lên 4G rồi yêu cầu chị đọc số CMND và ngày tháng năm sinh của mình.

Sau khi chị đồng ý thì người gọi đề nghị chị đọc mã OTP gửi về điện thoại để nâng cấp sim. Để thuyết phục chị, nữ nhân viên nói “tin nhắn từ Mymobifone thì sao lừa được ạ, với OTP này không liên quan gì tới ngân hàng, chỉ là nâng cấp sim điện thoại”.

Chủ quan vì cho rằng nếu có bị lừa thì mất vài chục ngàn trong điện thoại nên chị đã đọc mã OTP. Nhưng ngay sau đó, số điện thoại của chị đã bị chiếm quyền sử dụng và kẻ lừa đảo thực hiện thay đổi cả mật khẩu email, kích hoạt lại mật khẩu mới.

Do có quyền kiểm soát cả email và số điện thoại, chúng tiếp tục truy cập vào tài khoản ngân hàng điện tử, bấm quên mật khẩu và đổi mới thông qua email, điện thoại dễ dàng vì đã có thông tin CMND lẫn ngày sinh của chị G.K.

Ngay lập tức chúng đã chuyển hết tiền trong tài khoản của chị sang những tài khoản khác. Sau khi phát hiện sim điện thoại bị đánh cắp, chị G.K đã báo nhà mạng khóa sim nhưng tiền trong tài khoản đã mất hết.

Tương tự với chiêu thức trên, anh H.P.K (H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng cho hay đã bị lừa đảo mất 100 triệu đồng sau 15 phút khi làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo…

Cảnh giác với cuộc gọi lạ

Báo cáo từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho hay trong năm 2021, cơ quan này đã xử lý gần 1,1 triệu sim có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định. Đồng thời, ngăn chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý 227.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng liên tục triệt phá các đường dây lừa đảo nhưng trên thực tế, những cuộc gọi lừa đảo vẫn khủng bố người dùng liên tục. Thế nhưng như nói trên, cuộc gọi lừa đảo vẫn hoành hành và rất nhiều người đã sập bẫy.

Ông Võ Ánh Dương, Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, nhận xét người dân bị hoang mang, bất an do tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra thường xuyên. Những cuộc gọi lừa đảo thường thay đổi theo những vấn đề đang được nhiều người quan tâm nhưng vẫn xoay quanh các nội dung như giả mạo các đơn vị liên quan như ngân hàng, nhà mạng hay công an hoặc … đánh vào lòng tham hay nỗi sợ hãi của người dùng.

Quan trọng nhất là bản thân người dân cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi lạ, nhất là vào dịp cuối năm. Hơn nữa, không nên làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ những kẻ lạ mà phải có sự xác minh lại với các tổ chức, cơ quan nhà nước có liên quan. Chỉ có như vậy mới không bị mất tài khoản, mất tiền.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng những cuộc gọi điện thoại lừa đảo vẫn thành công do còn nhiều người cả tin nên bị sập bẫy. Dấu hiệu để nhận ra cuộc gọi lừa đảo là yêu cầu người nghe phải cung cấp thông tin cá nhân, hay mã OTP của điện thoại, email hay tài khoản ngân hàng.

Bởi theo quy định, để giải quyết hành vi vi phạm hay có việc liên quan, bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng chỉ làm việc trực tiếp với người dân và không bao giờ làm việc qua điện thoại. Hơn nữa, không có Viện kiểm sát, công an nào yêu cầu nộp tiền qua tài khoản cá nhân mà chỉ là nộp vào kho bạc nhà nước; hoặc tên đơn vị nhận như công ty điện lực…

Tất cả hành vi lừa đảo khi bị phát hiện đa số sẽ bị xử lý hình sự theo tội danh chiếm đoạt tài sản, thậm chí mức phạt tù có thể lên đến chung thân nếu giá trị tài sản chiếm đoạt trên 500 triệu đồng trở lên. Bản thân người dùng điện thoại cần cảnh giác hơn, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai.

Các tin khác