Cuộc sống đảo lộn vì giá rét

(ĐTTCO) - Các tỉnh, thành phía Bắc đang chịu đợt rét đậm, rét hại với cường độ rất mạnh từ đầu mùa đông tới nay. Nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm đảo lộn sinh hoạt thường ngày của người dân.

Ngại ra đường

Những ngày đầu năm 2021, nhiều đường phố Hà Nội khá vắng vẻ; bởi rét buốt nên nhiều người ngại ra đường. Bà Lê Thị Thúy, chủ một quầy hàng thực phẩm tại chợ Thành Công (ở quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết, thời tiết rét đậm rơi đúng dịp đầu năm mới nên số người tới chợ mua hàng vắng hơn bình thường. “Nếu như mọi năm, dịp này chỉ tới trưa là tôi hết hàng nhưng hôm nay tới chiều rồi mà cũng chỉ bán được một ít”, bà Thúy nói.

Cuộc sống đảo lộn vì giá rét ảnh 1Giữ ấm khi ra đường. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong khi đó tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại như Aeon, Big C, Vincom, lượng khách tới đây mua sắm lại đông hơn bình thường. Một số nhân viên siêu thị cho biết, số người tới siêu thị mua sắm có thời điểm tăng gấp đôi so với những ngày thường. Đẩy xe đầy hàng rời Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông, ông Trần Long (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đợt rét đậm này còn kéo dài nên tranh thủ ngày chủ nhật tôi đi mua đồ ăn cho cả tuần, trời rét quá nên ngại đi chợ mỗi ngày”.

Theo dự báo, trong tháng 1, nền nhiệt độ ở miền Bắc và miền Trung sẽ xuống thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1oC. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia), cho biết, trong tháng 1 sẽ có 4-6 đợt không khí lạnh tràn về nước ta. Nền nhiệt độ tại miền Bắc có xu hướng giảm thấp và có khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so với trung bình nhiều năm.

Giá rét cũng khiến cho các mặt hàng chống rét như đèn sưởi, quạt sưởi, túi sưởi và chăn điện... rơi vào tình trạng khan hàng. Tại phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng chống rét - nhiều cửa hàng ở đây rất đông khách tới tìm mua các loại quạt sưởi, đèn sưởi dù giá tăng cao 10%-20% so với trước. Theo một số chủ cửa hàng tại phố chuyên doanh này, năm nay các loại đèn sưởi nhà tắm từ 2-3 bóng của Việt Nam sản xuất được người dân mua khá nhiều vì vừa rẻ vừa bền, lại tiết kiệm điện. Trong khi đó, các loại máy sưởi dầu, thanh đốt dùng trong phòng ngủ cũng được nhiều người tìm mua dù giá khá cao vì là hàng ngoại nhập.


Thời tiết khắc nghiệt cũng đang ảnh hưởng tới việc học của các em học sinh. Sở GD-ĐT các địa phương một số tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Hòa Bình, Lào Cai, Cao Bằng... có công văn hướng dẫn cho học sinh nghỉ học trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Do nhiệt độ xuống rất thấp, những ngày qua, tại tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 54 trường mầm non và trường tiểu học cho học sinh nghỉ học để tránh rét. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các trường trên địa bàn, trong những ngày rét đậm có thể chủ động điều chỉnh thời gian học để học sinh không phải đến trường quá sớm.

Giảm thiểu thiệt hại cây trồng, vật nuôi

Bà Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi, chủ một vườn hoa ở Mê Linh, Hà Nội) cho biết, nhà bà trồng 2 sào hoa hồng và lay-ơn. Khoảng 1 tuần nay, trời lạnh và khô hanh khiến hoa phát triển chậm, nụ nhỏ. Vì thế, mọi người trong gia đình bà phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc hoa, ngoài việc thắp đèn làm ấm còn phải tưới nước thêm để hoa phát triển, nở đẹp đúng vào dịp Tết Nguyên đán. 

Cuộc sống đảo lộn vì giá rét ảnh 2

Do sương muối xuất hiện với tần suất dày nên hàng trăm hécta rau màu ở khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu bị lụi hoặc ảnh hưởng năng suất, khiến người dân lo lắng. Tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) và huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), sương muối không ảnh hưởng tới các trang trại hoa tết trồng trong nhà lưới, nhà kính nhưng rau màu của người dân bị ảnh hưởng nặng. 

Cuộc sống đảo lộn vì giá rét ảnh 3Nữ công nhân môi trường đô thị đốt lửa chống rét trên phố Thụy Khuê, Hà Nội.  Ảnh: VIẾT CHUNG

Người dân ở các tỉnh vùng cao như Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng… đang cấp tập làm chuồng trại, sơ tán, bảo vệ trâu bò khỏi chết rét. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT thị xã Sa Pa, do dự báo trước năm nay sẽ có rét đậm, rét hại nên để tránh thiệt hại, người dân ở các phường, xã: Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn, Trung Chải, Hàm Rồng, Ô Quy Hồ… đã sơ tán hơn 4.000 con trâu, bò xuống các xã ở huyện Bát Xát và TP Lào Cai để tránh rét. 

Ông Hồng Mí Sinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mèo Vạc (Hà Giang), cho biết, đến nay, cơ bản các hộ gia đình đã che chắn, gia cố xong chuồng trại, nuôi nhốt trâu bò tại chỗ để vượt qua mùa đông này. Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quản Bạ (Hà Giang), chia sẻ, do trâu bò là tài sản giá trị lớn nên hiện nay người dân ở đây ý thức rất cao việc chống rét cho trâu bò để bảo vệ thành quả của mình.

Gia tăng người đột quỵ

Thời tiết chuyển lạnh tại các tỉnh phía Nam và rét đậm rét hại tại các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân, nhất là với trẻ em và người già. Đáng lưu ý, cùng với các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm đường hô hấp, xương khớp thì bệnh nhân bị đột quỵ do giá rét gây ra đang tăng khá cao, trong đó không ít trường hợp nguy kịch tới tính mạng.

Ghi nhận tại một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội cho thấy, khoảng 1 tuần trở lại đây, số bệnh nhân là người cao tuổi tới khám và nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết giá rét tăng khá cao. Tại BV Lão khoa Trung ương, mỗi ngày có trên 10 trường hợp đột quỵ được đưa vào đây cấp cứu và hầu hết trong tình trạng nặng. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương, cho biết, trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng lên, chủ yếu liên quan đến bệnh viêm phổi và đột quỵ. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70%-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Đáng lưu ý, bệnh nhân đột quỵ có các tiền sử bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, tuyến tiền liệt chiếm tỷ lệ khá nhiều. Những bệnh nhân dạng này khi bị đột quỵ thường trong tình trạng liệt nửa người và rất nặng.

Trong khi đó, theo Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, số bệnh nhân cấp cứu tại đây cũng tăng khoảng 30%. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, nơi đây đã tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó không chỉ có người cao tuổi mà còn nhiều bệnh nhân trẻ, thậm chí chưa tới 40 tuổi. PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, cảnh báo, hiện nay bệnh nhân đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân dưới 18 tuổi đã bị bệnh này liên quan đến các nguy cơ như tăng huyết áp, nghiện thuốc, béo phì.

BS Trần Quang Thắng cho biết, trong thời tiết lạnh, người cao tuổi dễ bị tổn thương mạch máu não, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường dẫn đến đột quỵ. Do vậy, người cao tuổi cần kiểm soát tốt bệnh lý nền và thường xuyên tái khám theo hẹn của bác sĩ. Người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Cần lưu ý, để phòng tránh đột quỵ trong mùa đông, nhất là ở người già, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi. Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị tiểu đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.

Các tin khác