Đã cứu trợ, đừng để 'lọt sàng xuống nia'

(ĐTTCO) - TPHCM trải qua 72 ngày của đợt dịch thứ 4, gần 40 ngày giãn cách xã hội và đang tiếp tục 15 ngày giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16. Cuộc sống bị đảo lộn, dòng chảy kinh tế bị ngưng trệ, các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng. 
Trong đó một bộ phận dân cư bị tác động nặng nề nhất, nếu không có các giải pháp phù hợp sẽ rơi vào tình cảnh nguy khốn. Họ là những người lao động tự do mưu sinh độ nhật, không có tổ chức nào bảo trợ, không có ai nương tựa, không có gì bấu víu, khi phong tỏa cách ly, giãn cách xã hội, đồng nghĩa với đứt bữa, đau ốm.   
Nhóm người nghèo đói, dễ tổn thương
Từ cổ chí kim, ở bất cứ xã hội nào, ở bất cứ đâu, vào giai đoạn nào cũng tồn tại những nhóm người có mức sống khác biệt nhau. Để mô tả nó người ta xây dựng hình ảnh được gọi là “tháp phân tầng xã hội”. Tháp có 3 tầng: giàu có (thượng lưu), khá giả (trung lưu) và nghèo đói (lớp dưới đáy).
Quốc gia có số người trung lưu chiếm đa số, người nghèo và giàu ít hơn, tháp nhu nhập có hình quả trám đáy nhọn hay tù, tức đầu và đuôi nhỏ còn thân giữa phình rất to. Quốc gia nào có số người nghèo chiếm đại đa số, tháp sẽ có hình kim tự tháp, đỉnh nhọn, đáy rộng. 
Đã cứu trợ, đừng để 'lọt sàng xuống nia' ảnh 1
Điều đó có nghĩa xã hội nào dù giàu như Mỹ, Nhật Bản, hay nghèo như Sudan luôn có tầng lớp đáy. Đó là những người nghèo đói, dễ tổn thương. Họ bao gồm những người già neo đơn không con cái trợ giúp, người già không có lương hưu, người tật nguyền, bệnh hoạn triền miên, phụ nữ đơn thân đông con, người lang thang cơ nhỡ, kiếm ăn độ nhật như bán vé số, nhặt ve chai, ăn mày ăn xin.
Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa về người dễ tổn thương với hình ảnh là một người đứng dưới nước trong tư thế nhón chân, mặt nước ngang lỗ mũi, mỗi khi có gió nhẹ tạo sóng họ bị sặc, và có thể bị chìm nghỉm tức thì. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhóm người này bị tổn thương nặng nề nhất, không tự mình vượt qua được hoàn cảnh, cần được sự quan tâm nhất định từ xã hội để vượt qua khó khăn. Sự trợ giúp người nghèo khó trong thiên tai, dịch bệnh như đợt dịch Covid này, thường đến từ 2 nguồn: cộng đồng xã hội và Nhà nước. 
Trải qua 4 đợt dịch, việc trợ giúp người khó khăn từ các cá nhân, tổ chức cộng đồng xã hội ở TPHCM được coi là một truyền thống, diễn ra khá sôi nổi từ ATM gạo, cho đến chợ không đồng, các bữa ăn miễn phí, tủ bánh mì miễn phí. Gần đây nhất có thêm mô hình “Tủ lạnh cộng đồng” chứa rau quả nhận miễn phí và “ATM lướt ống” nhả lương thực, thực phẩm của nhà thờ Tân Sa Châu.
Nhưng sức dân có hạn, cây ATM mở ra nhưng gạo chảy ra không phải liên tục, tủ bánh mì miễn phí thưa dần, các bữa ăn miễn phí cũng không dồi dào nữa, chất lượng cũng có phần giảm. Bởi dịch bệnh đã kéo dài gần 2 năm, TP thực hiện các Chỉ thị 15, 16 làm mọi hoạt động kinh tế, thương mại hầu như bị tê liệt, khiến kinh tế đi xuống, lòng người mệt mỏi, hoang mang. 
Đã cứu trợ, đừng để 'lọt sàng xuống nia' ảnh 2 Ảnh minh họa.
Công thức “5 dễ” để gói cứu trợ đạt hiệu quả
Trong những lúc có biến cố xã hội bất thường như thiên tai, dịch bệnh, nguồn trông chờ lớn nhất là Nhà nước. Bởi chỉ có Nhà nước mới có đủ nguồn lực để đưa ra các gói hỗ trợ lớn, có độ phủ rộng khắp đến các thành phần xã hội. Trên tinh thần ấy, Chính phủ và nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng đã xuất ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cầm cự trong cơn đại dịch này.
Cụ thể, kỳ họp thứ nhất HĐND TPHCM khóa 10, đã thông qua việc xuất ngân sách hỗ trợ cho những người bị tác động bởi dịch Covid-19, với tổng kinh phí khoảng 886 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ thứ nhất năm 2020 (587 tỷ đồng), gói hỗ trợ lần này mở rộng đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt có 230.000 người lao động tự do, nhiều hơn so với 181.000 người của gói hỗ trợ 2020. 
Theo tính toán, người được hỗ trợ lần này là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; làm công tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe phải tạm ngừng hoạt động. Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Số tiền hỗ trợ này chỉ đủ 1 ngày ăn đạm bạc cho 1 người, còn nếu có 2, 3 người già, trẻ con ăn theo chỉ đủ cho rau cháo cầm hơi, nhưng như thế là quý lắm, trong khi nguồn ngân sách có hạn. Cần nói thêm, gói hỗ trợ 886 tỷ đồng này là gói duy nhất có tính đến người lao động tự do, ngay gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ cũng chỉ tính đến những người lao động trong các công ty, xí nghiệp mất việc làm. Vấn đề là số tiền này dù ít ỏi nhưng đến được tay bà con nhanh nhất và không bỏ sót một ai. 
Theo cách làm như hiện nay, tổ trưởng dân phố lập danh sách bà con thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ trên địa bàn khu phố, trình lên hội đồng xét duyệt cấp phường, xã thông qua (thời gian 3 ngày). Tiếp theo danh sách này phải qua bước thẩm định và phê duyệt ở cấp quận, huyện (2 ngày).
Chắc chắn sẽ có nhiều bà con không lọt được vào danh sách và nếu có cũng sẽ bị “rớt” ra ngoài vì không nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ, không cư trú thường xuyên ở địa bàn và không thuộc nhóm “chính quyền phường biết mặt”. Có 2 nhóm dễ rơi ra ngoài danh sách, gồm những người đang cư trú trên địa bàn phường nhưng không có giấy tạm trú và không có nơi ở cố định nay đây mai đó. 
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đưa ra công thức “5 dễ” để gói cứu trợ đạt hiệu quả. Đó là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, dễ triển khai. Rút kinh nghiệm lần thứ nhất, việc phải khai báo, chứng minh thu nhập, xác nhận hoàn cảnh nơi xuất cư làm người lao động tự do ngần ngại, nhân viên thực thi công vụ phải đắn đo, rốt cục để đảm bảo an toàn tốt nhất đưa họ ra khỏi danh sách để khỏi bị kỷ luật vì phân phát sai đối tượng thụ hưởng.
Những thủ tục cứng nhắc, rắc rối đó khiến nhiều người bị “rơi lại phía sau”. Nếu TP vận dụng linh hoạt hơn, chẳng hạn ngoài hệ thống hành chính, mặt trận tổ quốc, có thêm các tổ chức tôn giáo, thiện nguyện, lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên tham gia, độ phủ sẽ rộng hơn. Sự linh hoạt, cơ động ấy có thể bị sơ suất, bị thất thoát một chút nhưng số người thụ hưởng nhiều, nhanh và kịp thời hơn, sẽ tốt hơn kiểu “đúng mà không trúng”. 
Cha ông ta có câu “lọt sàng xuống nia”. Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, nhiều người nghèo đã đuối sức, không thể trụ thêm được nữa, sự hà hơi tiếp sức từ chính quyền, cộng đồng xã hội trân quý biết bao. Trước là không đứt bữa, sau nữa quan trọng hơn là làm họ không thấy bị tủi là công dân hạng hai bị đẩy ra bên ngoài lề xã hội, được đối xử bình đẳng, là tiếp thêm động lực để họ trụ vững qua gian khó. Họ là ai, có thể không có tên trong bất cứ danh sách nào trong hệ thống hành chính của TPHCM, nhưng họ cũng là con dân nước Việt, mà chúng ta thường gọi chung là “đồng bào”. 

Các tin khác