Dân mong được đi chợ hộ dày hơn

(ĐTTCO)- Sau bốn ngày siết chặt giãn cách "ai ở đâu, ở yên đó", việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại TP.HCM được các cơ quan chức năng thực hiện thông qua các mô hình: đi chợ giúp dân, cung cấp túi an sinh...
Đoàn viên phường 11, quận Tân Bình mang đồ được đặt đến cho hộ dân trên đường Võ Thành Trang - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đoàn viên phường 11, quận Tân Bình mang đồ được đặt đến cho hộ dân trên đường Võ Thành Trang - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều địa phương đã huy động tổng lực kết hợp sự tăng cường từ quân đội triển khai nhiều mô hình hay, sáng tạo với tinh thần "không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc..." như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên quá trình đảm bảo lương thực cho nhiều triệu hộ dân trên địa bàn TP là chuyện không dễ dàng, cần thêm nhiều phương thức phù hợp khi nhu cầu đang tăng lên từng ngày.

Câu chuyện từ phường Bình Chiểu

Những ngày TP.HCM chuẩn bị siết chặt giãn cách (bắt đầu từ ngày 23-8), nhiều người dân tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức đã tự tìm chỗ để mua thực phẩm trước giờ "G" nhưng các cửa hàng trong khu vực luôn trong tình trạng quá tải, thiếu hàng. Nỗi lo thiếu cái ăn nguôi ngoai phần nào khi chính quyền thông tin sẽ có mô hình đi chợ giúp dân, thậm chí những trường hợp khó khăn sẽ được tặng cả túi an sinh.

Tuy nhiên sau ngày đầu tiên, nhiều người vẫn thắc mắc với nhau: Sao không có thông tin gì về việc đi chợ giúp dân? "Ngày giãn cách thứ hai, cô giáo của con gái tôi gửi vô group Zalo của lớp đường link Chương trình đi chợ giúp dân trên địa bàn phường Bình Chiểu. Sau khi thăm dò thấy an toàn nên tôi tìm hiểu và đăng ký thử" - chị N.H., một cư dân phường Bình Chiểu, chia sẻ.

Cách tổ chức qua link trên khá dễ hiểu. Phường Bình Chiểu có 6 khu phố, người dân mỗi khu phố được đăng ký đi chợ một ngày: thứ 2 khu phố 2, thứ 3 khu phố 3... cho đến thứ 7 khu phố 1 và chủ nhật thì quay lại khu phố 2. Trong chương trình này có nhiều siêu thị, cửa hàng để người dân có thể lựa chọn, kèm theo đó là giá cả của từng mặt hàng. 

"Tôi đọc qua một lượt và nhận thấy giá cả gần như không thay đổi so với ngày thường. Trong nội dung chương trình đi chợ giúp dân cũng công khai các bước xử lý thông tin và thời gian giao hàng sẽ từ 1 đến 2 ngày sau khi đăng ký. Người mua hàng có thể chọn cách trả tiền trực tuyến hoặc trả tiền mặt khi nhận hàng. Cuối cùng có dòng khuyến cáo người dân chỉ nên mua những mặt hàng thiết yếu và mua đủ dùng cho đến lần đi chợ sau, không nên tích trữ" - chị H. kể lại.

Sau khi điền đầy đủ thông tin, địa chỉ, điện thoại và những thứ cần mua, trưa 25-8, chị H. nhận được điện thoại xác nhận địa chỉ và được giao hàng ngay trong buổi chiều cùng ngày. "Vậy là chuyến đi chợ qua chương trình của phường diễn ra suôn sẻ, tôi cất được gánh lo về thực phẩm trong những ngày không chợ, không hàng online, không shipper... sắp tới. Mấy cô bác trong xóm tôi kết nối hỏi thăm và nhờ tôi đăng ký giúp vì nhiều người không rành sử dụng mạng xã hội" - chị H. chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thụy Khánh - chủ tịch Hội Phụ nữ phường Bình Chiểu - cho biết phường bố trí 40 nhân lực từ các tổ hậu cần, tổ COVID-19 cộng đồng, công an, quân đội tăng cường... để đi chợ giúp dân. Trong ngày 25-8, các lực lượng đã giao 500 đơn hàng cho dân và nhận thêm khoảng 1.000 đơn hàng mới. Do nhận đơn hàng qua điện thoại dễ sai sót, nên hiện tổ hỗ trợ chỉ nhận đơn hàng qua đường link đăng ký, những gia đình không biết cách thì có thể nhờ hàng xóm hay người quen đăng ký giúp.

Chốt đơn 8 món hàng, giao 2 trái mướp

Tuy nhiên, tùy địa bàn, khi nhu cầu tăng quá cao, nhân sự hạn chế thì quá trình đưa thực phẩm đến tay người dân không dễ dàng. Anh Trần Văn Triều - ngụ phường 11, quận Bình Thạnh - cho biết đơn hàng anh đặt 8 món (vào chiều 25-8) nhưng chỉ nhận được 4 món, 4 món ghi hết hàng hoặc "không hiểu". Theo anh Triều, đơn hàng giao thiếu so với nhu cầu nên quy định 1 tuần mới đi chợ 1 lần sẽ khó đảm bảo đủ thực phẩm để chờ tới tuần tiếp theo.

Thậm chí bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (một người dân) còn kể câu chuyện đặt 8 món hàng nhưng nhận được chỉ mỗi 2 trái mướp. Nhà bà Hồng có 5 hộ do có 4 phòng cho thuê nên đi chợ chỉ 1 lần mỗi tuần thì sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu. Tuần đầu tiên thì thực phẩm dự trữ còn chứ kéo dài thêm tuần nữa thì rất khó khăn.

Chị Nguyễn Hồng Loan Anh - cùng ngụ phường 11 - góp ý nếu muốn người dân ở trong nhà thì chính quyền nên hỗ trợ tần suất đi chợ dày hơn. "Như nhà tôi lượng thực phẩm trên là không đủ, người lớn còn nhịn được chứ trẻ con đói rất tội. Như nhà tôi mua 30 quả trứng, nhà 8 người 1 lần chiên 8 quả là hết trơn trong 3 ngày chứ không đủ duy trì 1 tuần" - chị Loan Anh giãi bày.

Là người trực tiếp lên danh sách mua hàng cho dân, bà Nguyễn Thị Thu Hà - tổ trưởng tổ 66, khu phố 5, phường 11 - cho biết thực tế nhiều hộ có đăng ký nhưng do siêu thị hết hàng, thiếu hàng... "Ví dụ rau muống là mặt hàng đơn giản nhất nhưng có đơn hàng mua được, có đơn thì siêu thị hết. Nhiều hộ dân được đi chợ giúp cũng phản ảnh với hàng mua được như vậy khó mà duy trì trong 1 tuần lễ" - bà Hà tỏ ra lo lắng.

Ông Huỳnh Tấn Công - phó chủ tịch UBND phường 11 - thừa nhận hiện đơn đặt hàng của người dân tăng từng ngày, ngày đầu (23-8) khoảng 140 đơn, đến ngày 25-8 đã lên tới 420 đơn. Lượng hàng dân đặt nhiều mà siêu thị không đủ nên người dân đặt 4-5 món nhưng thiếu 1-2 món. Việc vận chuyển cũng hơi chậm trễ do nhân lực phường cũng có hạn. Chưa kể các siêu thị không đủ người chuẩn bị đơn hàng, phường còn phải hỗ trợ các siêu thị phân đơn, chở về rồi đi giao cho dân.

"Phường có tới 24.000 dân thì thật sự rất vất vả. Nhưng phường sẽ cố gắng lo mọi thứ ổn nhất cho người dân, tuy không thể tuyệt đối nhưng sẽ cố gắng để dân được an tâm" - ông Công bộc bạch.

Ba cách mua combo nông sản 10kg

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết có ba cách để người dân TP.HCM tiếp cận chương trình túi combo nông sản 10kg giá 100.000 đồng và nhiều túi combo khác.

Ông Trần Minh Hải - người phụ trách kết nối nông sản, Tổ công tác 970 - thừa nhận sau khi mở hệ thống đăng ký đơn hàng, website này đã rơi vào tình trạng quá tải, không thể truy cập cùng một thời điểm vì lượng người truy cập đặt hàng quá đông.

"Trong vòng 15 phút gần đây có tới 22.604 lượt truy cập dù băng thông đã được tăng lên gấp 4 lần so với ngày hôm qua (25-8) nhưng vẫn xảy ra tình trạng có lúc không thể truy cập. Số người đăng ký qua đường dây nóng Zalo hotline cũng tăng đột biến, trong khi chúng tôi chỉ có hai người quản lý nên không thể xử lý kịp" - ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, lượng người truy cập đặt đơn hàng rất lớn nhưng phần lớn là đặt đơn lẻ 1-2 combo nên hiện lực lượng phụ trách đang giao hàng không xuể, đặc biệt là các khu phong tỏa hiện nay không thể đi giao hàng do chỉ lực lượng làm nhiệm vụ mới được qua chốt. Hiện tổng lượng hàng đặt khoảng 1.400 tấn nhưng lượng hàng giao được từ sáng tới chiều nay chỉ khoảng 70-80 tấn.

"Đến chiều 26-8, website đặt hàng đã ổn định trở lại. Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp hệ thống và khuyến cáo người dân cùng tòa nhà, khu phố thì đặt hàng theo nhóm hoặc lựa chọn combo rồi đặt hàng thông qua cán bộ ở khu phố để việc giao, nhận hàng được thuận tiện, nhanh chóng hơn" - ông Hải gợi ý thêm giải pháp.

Các tin khác