“Đau đầu” điều hành thủy điện vì mưa lũ khó lường

(ĐTTCO)-Tổng cục Phòng chống thiên tai bắt buộc các nhà máy thủy điện ở miền Bắc phải cấp tốc xả nước trước mùa mưa lũ. Nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo ngại việc xả “quá tay” hoặc dự báo mưa lũ không chính xác có thể dẫn tới thiếu nước để sản xuất điện trong bối cảnh giá than, dầu thế giới tăng rất cao.
Hồ thủy điện Hòa Bình đã mở 5 cửa xả đáy theo yêu cầu của cơ quan phòng chống thiên tai, dù mùa mưa lũ chưa tới
Hồ thủy điện Hòa Bình đã mở 5 cửa xả đáy theo yêu cầu của cơ quan phòng chống thiên tai, dù mùa mưa lũ chưa tới

Dự báo mưa lũ, bão dồn dập

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia vừa có báo cáo, trong các tháng tới, tình hình thiên tai ở nước ta sẽ bất thường và rất khốc liệt. Dự báo từ nay đến hết năm 2022, trên Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Có thể xuất hiện những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa tại Bắc bộ có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Còn tại ven biển Trung bộ, khoảng tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài sang tháng 12, sẽ có mưa lũ dồn dập, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân do năm nay không khí lạnh sẽ xuất hiện sớm (từ tháng 10, 11) kết hợp với bão tạo tổ hợp thời tiết xấu ở phía Nam nước ta.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, khí hậu đang có những dấu hiệu thay đổi bất thường, ít gặp so với trước. Hiện tượng La Nina (gây nhiều mưa lũ, bão) đã tồn tại 3 năm liền nhưng vẫn chưa trở về trạng thái trung tính, trong khi chu kỳ bình thường là 2 năm. Dự báo trong các tháng cuối năm nay có thể tái diễn tình trạng mưa lũ, ngập lụt vào năm 2011. Đến thời điểm này, các cơ quan khí tượng thế giới cũng đã điều chỉnh, nâng mức cảnh báo và tăng xác suất mưa lũ xảy ra ở phía Nam Việt Nam lên mức nhiều hơn trung bình.

Điều hành hồ chứa thế nào?

Theo các chuyên gia, bão dồn dập, mưa lũ gia tăng tần suất, cường độ sẽ tăng áp lực điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện của nước ta. Trong bối cảnh giá xăng dầu và than đá thế giới năm 2022 tăng rất cao thì khai thác tối đa hệ thống thủy điện sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, giá thành và ổn định giá điện cho nền kinh tế. Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, hiện chi phí để sản xuất 1kWh từ nhiệt điện than đã lên tới 4.000 đồng, trong khi từ thủy điện chỉ khoảng 1.000 đồng.

Từ thực tế này, EVN cho biết hiện các nhà máy thủy điện đang hoạt động với công suất cao và đề xuất cho phép tăng mức tích nước của các hồ thủy điện. Tuy nhiên từ khoảng đầu tháng 6 đến nay, các thủy điện lớn ở miền Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang phải mở liên tục các cửa xả đáy để rút bớt mực nước tích theo yêu cầu bắt buộc của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trong đó thủy điện Sơn La phải mở 2 cửa xả đáy, thủy điện Hòa Bình mở 5 cửa xả đáy.

Tại cuộc làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình ngày 17-6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết, đây là lần đầu xả lũ trước mùa mưa lũ. Nhưng cũng ngay tại buổi làm việc này, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết việc thủy điện Hòa Bình mở tới 5 cửa xả đáy trước mùa mưa lũ có thể dẫn tới khả năng thiếu nước phát điện, nếu sắp tới lượng mưa không như dự báo.

Theo ông, không giống với đợt xả năm 2018 khi dung tích chứa trên hồ đã đầy, phải xả để đảm bảo an toàn cho công trình; lần xả quá sớm này có thể dẫn đến khó khăn cho ngành điện nếu từ nay đến tháng 10-2022, hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình không tích thêm được ít nhất 10m nước so với mức quy định.

Trước bài toán cân đối hài hòa lợi ích kinh tế của quốc gia từ thủy điện và yêu cầu đảm bảo an toàn hồ đập vào mùa mưa lũ cho thấy vai trò quan trọng của công tác dự báo xa. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, khẳng định, trong các báo cáo nhận định của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đều thừa nhận những năm gần đây công tác dự báo đã được nâng cao, song vẫn cần phải nỗ lực hơn, toàn tâm toàn ý để đáp ứng yêu cầu.

Khẳng định thủy điện không chỉ có vai trò lớn trong sản xuất điện để phát triển nền kinh tế mà còn tác dụng cắt lũ nếu thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, ông Trần Hồng Thái cho biết, vừa qua Bộ TN-MT đã kiểm tra việc thực hiện quy trình này và lấy ý kiến của 63 tỉnh thành thì thấy vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các chủ thể quản lý... với nhau, cần thiết phải điều chỉnh lại.

Hiện quy trình có những quy định rất cứng nhắc về mực nước lũ, nước tích khi nào cho phép, khi nào phải xả. Với quá trình áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dự báo, từ năm 2023, cùng với Luật Tài nguyên nước sửa đổi, nếu chúng ta giám sát chặt chẽ được các thông số về mực nước của các hồ chứa để yêu cầu xả nếu vượt quá ngưỡng cho phép và giám sát được cửa xả thực tế thế nào..., chắc chắn công tác điều hành sẽ chính xác hơn.

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) thông tin, sau khi mở 5 cửa xả đáy, đến chiều 19-6, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã lần lượt đóng đến cửa xả đáy cuối cùng sau khi mực nước trên hồ đã giảm xuống cao trình 105m.

Các tin khác