Đầu tư văn hóa toàn diện cho An Giang

(ĐTTCO) - Những năm qua, An Giang luôn tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, đã đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở. Tỉnh cũng đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…  

Liên hoan đờn ca tài tử “Thất Sơn hòa điệu” ở An Giang.
Liên hoan đờn ca tài tử “Thất Sơn hòa điệu” ở An Giang.
Nhiều hoạt động phong phú
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, thời gian qua công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, tuyên truyền cổ động, triển lãm, thông tin lưu động… trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân; đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang, bộc bạch: “Năm qua, chúng tôi phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tốt nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước.
Các lễ hội truyền thống tại địa phương, như Liên hoan đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu” tỉnh An Giang lần II-2020; chương trình sân khấu hóa lễ hội Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới - 320 năm hình thành và phát triển; chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 320 năm ngày mất danh thần Nguyễn Hữu Cảnh; liên hoan các nhóm nhạc tỉnh An Giang lần V-2020; hội thi “văn nghệ gia đình hạnh phúc” lần VI-2020…, đã góp phần phục vụ đa dạng nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức nghệ thuật của người dân”. 
Về văn nghệ quần chúng, ông Đông cho biết Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức và hỗ trợ 165 lượt chương trình văn nghệ và giao lưu văn nghệ, chiếu 86 suất phim phục vụ các dịp mừng Đảng  mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và những sự kiện tại các huyện, thị xã, thành phố.
Nổi bật là chương trình văn nghệ chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025. Các hoạt động biểu diễn văn nghệ và chiếu phim phục vụ trên 88.365 lượt người xem. Trung tâm còn thực hiện 42 lượt trang trí cổ động trực quan, phát hành 6 tài liệu tuyên truyền, 62 mẫu tranh cổ động, 2.000 tờ tin ảnh thời sự, 12.000 áp phích, 5 CD tuyên truyền về cơ sở… nhân dịp mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn. 
Trung tâm còn tổ chức 40 cuộc triển lãm cố định và lưu động với các bộ ảnh chuyên đề “Thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh An Giang năm 2019-2020”; “Du lịch An Giang hội tụ - khám phá - lan tỏa”; “90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Tinh hoa sưu tập”; “Hội ngộ di sản văn hóa ba miền”; “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng”; “Phụ nữ An Giang trong đấu tranh và bảo vệ tổ quốc”; “Mãi mãi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Danh thắng và con người An Giang”… Các hoạt động triển lãm phục vụ khoảng 45.565 lượt người xem.
Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, ngày càng khởi sắc, phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 508.587 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,6% so tổng số hộ); 867 khóm/ấp văn hóa (đạt 97,63% so tổng số ấp); 72 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 60,5% so tổng số xã); 25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 67,56% so tổng số phường, thị trấn); 171 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh đạt chuẩn văn hóa...

Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, từ kết quả đạt được, những năm tới tỉnh tiếp tục nâng cao hình ảnh quê hương và con người An Giang, đẩy mạnh việc giới thiệu, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương.
Theo đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao các giá trị đạo đức xã hội; trước hết đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và các xã nông thôn mới nâng cao, các phường, thị trấn văn hóa.
Mục tiêu nhằm khơi dậy truyền thống văn hóa của con người An Giang “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, vì mục tiêu phát triển của tỉnh và chung sức thực hiện các chính sách an sinh xã hội vì cộng đồng.
Để phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; khơi dậy tiềm năng đổi mới sáng tạo và khát vọng làm giàu chính đáng của cộng đồng dân cư, An Giang sẽ tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các địa phương.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hội, liên hiệp, các hội văn học nghệ thuật… nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Gắn chặt phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đồng thời bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau.
An Giang cũng chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ quản lý văn hóa một cách phù hợp. Tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, để văn hóa trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong hoạt động kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, tăng cường văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa để giới thiệu hình ảnh và con người An Giang.

Các tin khác