'Đi chợ hộ': Gỡ dần vướng mắc

(ĐTTCO)-Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị chủ động tăng nguồn hàng dự trữ lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, trong ngày 23-8, nhiều đơn hàng chưa thể giao được vì đội ngũ giao hàng không có giấy đi đường.
Siêu thị Co.opFood trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình treo bảng không bán cho khách lẻ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Siêu thị Co.opFood trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình treo bảng không bán cho khách lẻ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

UBND TP.HCM cho biết sẽ tôn trọng cách tổ chức "đi chợ hộ" của các phường dựa trên điều kiện phù hợp của từng địa bàn, miễn sao đảm bảo mục đích cuối cùng là người dân được đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong những ngày giãn cách.

Mỗi nơi một cách lo cho dân

Chị Dương, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức), cho biết đến chiều muộn ngày 23-8 chị bắt đầu nhận được hướng dẫn cách thức mua hàng, cũng như các combo được soạn từ các nhà bán lẻ trên địa bàn quận từ group quản lý của tổ dân phố.

"Nhìn vào cách soạn combo, người dân có nhiều lựa chọn, các mặt hàng đa dạng, giá combo từ 200.000 - 600.000 đồng/phần", chị Dương cho biết.

Theo tính toán của phường Thạnh Mỹ Lợi, tổng số hộ cần đi chợ thay trên địa bàn là 6.070 hộ của 72 tổ dân phố, khu chung cư. Phường đã chia 7 nhóm cho 7 ngày. Mỗi hộ được hỗ trợ đi chợ 1 lần/tuần, vì vậy số hộ được phục vụ trung bình trong ngày là 850 hộ.

Trong khi đó, phường 12 (quận 10) cũng thông báo đến người dân về chương trình đi chợ hộ từ ngày 23-8 đến 6-9. Theo đó, phường này sẽ nhận đơn hàng trước 9h30 và trả đơn vào sáng hôm sau. Sau khi nhận tiền hàng từ người dân, tổ tình nguyện sẽ chuyển cho đầu mối phường trước 14h hằng ngày để thanh toán cho siêu thị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-8, bà Lê Hồ Thu Nga - bí thư phường 10, quận 11 - cho biết dự kiến phường sẽ có 40 nhân sự cùng thêm sự hỗ trợ của 10 người từ quân đội sẽ chia làm 3 tổ cho 3 khu phố. Các tổ phụ trách giao hàng cho mỗi gia đình 1 lần/tuần. "Từ lúc đặt mua, khoảng sau 2 ngày người dân sẽ có hàng", bà Nga thông tin.

Tại quận 11, đại diện Phòng kinh tế quận cho biết quận đã làm việc với tất cả siêu thị, cửa hàng trên địa bàn, các combo đã gửi về tất cả phường, từ ngày 24-8 sẽ khởi động. Tuy nhiên, nhiều phường cần có thêm sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội hoặc vận động thêm tình nguyện viên tham gia. Trong khi đó, đại diện UBND quận 10 cho biết đã làm việc với siêu thị để mua hàng theo nhóm cho dân, một số hộ đã bắt đầu được mua.

Bà Nguyễn Thị Hòa - phó Phòng kinh tế quận Phú Nhuận - cho hay quận đã huy động cả Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ tham gia cung ứng hàng hóa. Quận sẽ cung cấp thêm dịch vụ bán hàng lưu động từ các doanh nghiệp. Các phường cần sẽ đăng ký, hàng sẽ giao đến tận phường.

Hàng chờ người giao

Trong ngày đầu tiên TP.HCM triển khai siết chặt các biện pháp giãn cách, bà Bùi Thị Giáng Thu - giám đốc siêu thị Co.opmart Chu Văn An (Bình Thạnh) - cho biết sáng 23-8 đã chuyển hàng hóa đến người dân tại 2 phường trên địa bàn quận thông qua chính quyền phường và sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho hay đã làm việc với chính quyền địa phương. Hệ thống đại siêu thị GO!, Big C sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các ban ngành đoàn thể liên quận. Các siêu thị Tops Market quy mô nhỏ hơn, các điểm bán có thể cung ứng hàng hóa cho các phường.

"Việc thiết kế các combo rất đa dạng. Như ở khu vực Thảo Điền, đặc thù người nước ngoài nhiều, chúng tôi thiết kế các combo hàng giá trị cao hơn và có nhiều món ăn nhập khẩu. Có cả những combo giá tốt cho gia đình ít người", đại diện Central Retail nói.

Bà Nguyễn Thị Phương - phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce - cho biết trong ngày 23-8 đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại tăng mạnh. Hệ thống đã tăng cường gấp 4 - 5 lần nguồn cung nhu yếu phẩm.

Tuy nhiên, trong ngày hệ thống chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng do nhân viên của hệ thống không được phép đi giao.

"Chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với các phường, tổ dân phố để tìm phương án giao hàng đến nhân dân cũng như kết nối với chương trình "đi chợ hộ" của địa phương. Tuy nhiên, hiện chỉ 10% phường và tổ dân phố có phản hồi" - bà Phương nói.

Siêu thị tăng bán online

Theo ghi nhận, ngày 23-8, do người dân không được ra khỏi nhà nên các siêu thị dù mở cửa nhưng khách vắng vẻ, hàng hóa đầy ắp. Nhiều siêu thị bắt đầu tăng giới thiệu combo qua các kênh bán hàng online.

Đại diện AEON Việt Nam cho biết với hình thức mua sắm mới, từ phía cơ quan địa phương và người dân có thể sẽ cần thêm thời gian để làm quen cũng như thống nhất về đầu mối nhân sự, cách thanh toán, giao hàng với số lượng lớn.

Shipper trong vùng xanh vẫn khó giao hàng

Các hãng gọi xe đã thông báo shipper ở TP.HCM vẫn sẽ hoạt động trong địa bàn quận huyện không bị cấm, tuy nhiên trong ngày 23-8 tỉ lệ đơn hàng giao thành công rất thấp do tài xế chưa đủ giấy đi đường theo quy định mới.

Đại diện Grab, Gojek... cùng cho biết đã tạm ngưng cung cấp các dịch vụ đặt thực phẩm và giao hàng tại các khu vực tại TP Thủ Đức (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũ) và các quận huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn.

Với các khu vực khác, các dịch vụ này được giới hạn hoạt động theo phạm vi trong quận trong khung giờ từ 6h - 17h hằng ngày.

Giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm cho biết ngày hôm nay đơn vị không thể cung cấp hàng đến các hệ thống dù xe có mã QR luồng xanh. Ngoài ra, chính quyền cũng chỉ cấp mẫu giấy 3A cho nhân viên giao hàng (như dạng shipper trong quận) và 3C cho nhân viên siêu thị đi đường (không thực hiện "3 tại chỗ"), còn lại tài xế chở hàng không được phát.

"Các đơn vị liên quan cần làm việc với nhau để hỗ trợ tháo gỡ, nếu không đơn vị không có hàng bán cho người dân, nhiều điểm sẽ phải ngưng hoạt động", vị này kiến nghị.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp thực phẩm cho biết hiện nay vẫn chưa nhận đầy đủ giấy đi đường cho nhân viên.

Quân đội bắt đầu vào cuộc

Theo ghi nhận, sáng 23-8, nhiều cán bộ quân đội đã có mặt giúp dân. Tại phường Tân Định, quận 1, các chiến sĩ thuộc lữ đoàn tăng thiết giáp (Quân khu 7, đóng tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết để khỏi bị động, trong lúc chờ hàng hóa về, đoàn có 8 người đi vào từng hẻm để nắm rõ địa bàn mà mình sẽ hỗ trợ cho dân. "Có tiền trạm như vậy mới biết nhà nào có đối tượng nào, già trẻ hay ốm đau... để linh động hỏi han, đi chợ, mua thuốc kịp thời", quân nhân này chia sẻ thêm.

Ông Lê Tiến Sĩ - bí thư phường Tân Định - xác nhận theo kế hoạch sáng 23-8 các hộ dân được cứu trợ sẽ nhận được hàng hỗ trợ. Nhưng do kẹt ở khâu vận chuyển nên về trễ hơn. Sau đó bộ đội sẽ cùng cán bộ phường đi từng con hẻm phát cho dân.

Trong khi đó, UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức đã triển khai mua hàng giúp dân thông qua đường link "phiếu đăng ký mua hàng hóa nhu yếu phẩm" trên điện thoại di động. Phường sẽ triển khai 2 hình thức, người rành về công nghệ thì đặt theo đường link của phường, người không rành về công nghệ thì UBND phường sẽ hỗ trợ trực tiếp và các tổ hậu cần sẽ đến để hướng dẫn người dân cách thức đặt hàng và giao tận nhà.

Các tin khác