Đi lại sau Tết Tân Sửu: Nơi ùn ứ, nơi vắng vẻ

(ĐTTCO) - Ngày 16-2 (mùng 5 Tết Tân Sửu), hàng trăm ngàn người dân ở ĐBSCL quay trở lại TPHCM làm việc, dẫn đến xảy ra ùn ứ giao thông tại một số nơi ở Bến Tre và Tiền Giang. 
Dòng xe di chuyển chậm qua cầu Rạch Miễu, từ phía Bến Tre sang Tiền Giang. Ảnh: TÍN HUY
Dòng xe di chuyển chậm qua cầu Rạch Miễu, từ phía Bến Tre sang Tiền Giang. Ảnh: TÍN HUY

Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 16-2, tại cầu Rạch Miễu (hướng Bến Tre đi Tiền Giang), lượng xe từ các tỉnh miền Tây đổ về TPHCM khá đông dẫn đến ùn tắc tại trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu khiến đơn vị này phải cho xả trạm 1 lần.

Ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, cho biết, lưu lượng xe qua cầu Rạch Miễu bình quân khoảng 22.000-23.000 lượt xe/ngày đêm. Trong đó, lượt xe đổ về TPHCM chiếm hơn một nửa. Ngoài ra, lượng xe gắn máy quá đông cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn ứ.

Ông Nam thông tin thêm, trong ngày mùng 4 Tết, lượng phương tiện lưu thông hướng từ Bến Tre qua Tiền Giang quá đông nên đơn vị cho xả trạm 5 lần, đồng thời chặn xe phía Tiền Giang cho xe từ Bến Tre đi qua cầu một chiều. Công an tỉnh Tiền Giang cũng cho hay, chiều 16-2, tại các cây cầu hẹp trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Cái Bè và ngã tư Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) cũng xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông do phương tiện lưu thông về TPHCM tăng cao. 

Cùng ngày, tại ga Đà Nẵng, các chuyến tàu đi các tỉnh miền Nam cũng như ra Bắc đều khá vắng khách. Mỗi chuyến tàu rời ga chỉ có khoảng vài chục khách lên tàu. Trong khi đó, Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng cũng vắng khách bộ hành. Đại diện nhà xe Phi Hiệp (tuyến Đà Nẵng đi Bến xe miền Đông) cho biết, năm nay lượng khách sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 30% - 40%. Theo ông Phạm Lơi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng, lượng khách mua vé đi các tỉnh thành năm nay chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ các năm trước. 

Tại Thanh Hóa, sáng 16-2, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn tránh phía Đông TP Thanh Hóa, lượng người đón xe ra Bắc khá thưa thớt. Tại khu vực phía trước siêu thị Big C Thanh Hóa, nếu như các năm trước là điểm mọi người tập trung đón xe rất đông thì năm nay chỉ lẻ tẻ. Tại ga Thanh Hóa, lượng người đến mua vé và đi tàu cũng thưa thớt. Mọi năm, vào thời điểm này, phòng chờ nhà ga luôn đông kín người nhưng năm nay vẫn còn các hạng giường, ghế ngồi mềm, ghế cứng khá nhiều. Tại ga Vinh, lượng khách đi tàu cũng giảm mạnh so với các năm vì tình hình dịch Covid-19. 

Trong khi đó, tại các bến xe trung tâm của TPHCM, người dân từ các tỉnh, thành ùn ùn trở lại TPHCM khiến lượng phương tiện ở các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP đông đúc. Tại Bến xe miền Đông, từ sáng sớm 16-2, lượng phương tiện chở khách các tỉnh từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đỗ bến rất đông. Tất cả tài xế, phụ xe và hành khách đều tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19. Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, nhằm phòng chống dịch Covid-19, nhất là giám sát hành khách từ các vùng có ổ dịch về TPHCM sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, bến xe phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức yêu cầu hành khách từ các tỉnh, thành trở về TPHCM phải khai báo y tế, phân công thực hiện sàng lọc và chỉ định các hình thức cách ly hoặc giám sát y tế đối với từng cá nhân dựa trên tờ khai y tế. Đồng thời từ 4 giờ sáng 16-2, tại Bến xe miền Đông cũ lẫn Bến xe miền Đông mới đều triển khai xét nghiệm, rà soát đối với người đến TPHCM trên các phương tiện với 100 mẫu/ngày/bến. 

Tại Bến xe miền Tây, lượng hành khách từ các tỉnh trở về khá vắng. Ông Trần Nhân Hậu, Trưởng phòng Điều hành Bến xe miền Tây, cho biết, tối 16-2 và dự báo sáng 17-2, lượng hành khách trở về bến xe khoảng 30.000 người, so với các năm trước giảm 30%-40%. Còn tại ga Sài Gòn, trong ngày lượng hành khách từ các tỉnh, thành trở về ít do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, thông tin, trong ngày 16-2, tại ga Sài Gòn chỉ có 6 đoàn tàu chở khoảng 1.200 hành khách từ các tỉnh, thành trở về. Tại Bến phà Cát Lái (nối tỉnh Đồng Nai và TPHCM), nhiều người đi xe gắn máy, ô tô chở theo người thân, gia đình từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về TP với lỉnh khỉnh hành lý nhưng đều tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với tết những năm trước, năm nay lượng hành khách đi lại qua phà khá vắng vẻ. Tương tự, trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao Đỗ Xuân Hợp đến nút giao thông An Phú), từ 17 giờ ngày 16-2 dòng ô tô chở khách từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang sau kỳ nghỉ tết trở về TPHCM đông và di chuyển chậm, nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ.

Chiều 16-2,  người dân từ các tỉnh đổ về Hà Nội khiến nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô ùn tắc. Cụ thể, từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi về Quốc lộ 1B theo lối ra Vạn Điểm (Phú Xuyên) ùn tắc kéo dài. Đường vành đai 3 trên cao theo các hướng đi về quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và qua cầu Thanh Trì đi huyện Gia Lâm, quận Long Biên cũng ùn tắc cục bộ. Tương tự, tại điểm lên đường trên cao theo hướng cầu Thăng Long - Nội Bài, nhiều phương tiện đi tắt vào đường ven hồ Yên Sở, đường nội bộ phía trong cao tốc Pháp Vân gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Còn tại tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tuyến Quốc lộ 5 đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) mật độ giao thông bất ngờ tăng cao, các phương tiện di chuyển chậm. 

Các tin khác