“Điểm danh” các dự án lập pháp chậm tiến độ, chưa đạt được đồng thuận cao

(ĐTTCO)-Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, UBTVQH chưa đáp ứng tiến độ, phải lùi thời gian hoặc chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao như: Luật Máu và tế bào gốc; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật Dân số; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa nhận được sự đồng thuận cao
Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa nhận được sự đồng thuận cao

"Trong nhiệm kỳ 2016-2021, bất chấp những thách thức lớn chưa từng có như tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung... và gần đây nhất là đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động đúng như lời hứa xây dựng một Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết khi nhậm chức" - Đó là nhận xét khái quát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Khác với thường niên, Ủy ban này có riêng một báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ thay vì chỉ gửi ý kiến cho Ủy ban Kinh tế tổng hợp.

Theo Ủy ban Pháp luật, nhờ những nỗ lực của Chính phủ, nhiệm kỳ qua đã có khoảng 4.000 trong số gần 6.200 điều kiện kinh doanh được cắt giảm (đạt gần 63%). Có ¼ (30/120) thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa, cắt giảm gần 6.800 trong số gần 10.000 (đạt 68%) danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm.

Kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam qua các năm trong nhiệm kỳ có sự cải thiện rõ rệt, được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN. Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam tăng 10 bậc trong giai đoạn 2018 – 2020, xếp thứ 67/141 quốc gia.

Thành quả xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử; đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp… cũng đã được Liên hiệp quốc ghi nhận, với chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia và thứ 6 trong ASEAN.

Ủy ban Pháp luật nhận định đây là những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn, tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.

Thế nhưng, cơ quan của Quốc hội cũng lưu ý, trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật, việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực còn có bất cập, chưa kịp thời; việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng tiến độ, phải lùi thời gian hoặc chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao, như: Luật Máu và tế bào gốc; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật Dân số; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Đặc biệt, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để; nội dung chuyển tiếp trong một số văn bản chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ, dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp khi thực thi; một số chính sách được đề xuất khi triển khai thực hiện còn gặp vướng mắc, trong đó, có những vướng mắc phát sinh từ chính việc chậm trễ trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, mặc dù theo xếp loại chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 3 bậc so với năm 2016, song việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này còn chậm và nhiều bất cập (ví dụ Luật Căn cước công dân quy định chậm nhất đến ngày 1-1-2020, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phải được thực hiện thống nhất theo Luật này, nhưng đến ngày 25-2-2021 mới khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa có; nhiều dự án, công trình lớn chậm triển khai, hoàn thành, điển hình là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Một số dự án mới cũng chậm, như: Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP.... Nhiều ý kiến trong Ủy ban nhấn mạnh, liên kết vùng đang là một khâu yếu, thiếu thể chế quản trị, điều phối hiệu quả.

Các tin khác