Độc đáo sân khấu dù kê

(ĐTTCO) - Nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ được hình thành và phát triển khoảng 100 năm qua, đã gây được tiếng vang khắp vùng ĐBSCL và nhiều nơi khác, thậm chí cả nước bạn Campuchia… 
Biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê ở Trường Đại học Trà Vinh.
Biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê ở Trường Đại học Trà Vinh.
Tự hào của người Khmer
Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh nhận định, nghệ thuật sân khấu dù kê là loại hình kịch hát độc đáo của cộng đồng người Khmer Nam bộ, là kết quả của tinh thần sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật. Sân khấu dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, được công chúng trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đón nhận, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer Nam bộ.
Trải qua khoảng 1 thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu dù kê có những đóng góp trên nhiều phương diện, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sự đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống… Năm 2014, nghệ thuật sân khấu dù kê được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
NSƯT Lâm Vĩnh Phương (Sóc Trăng) cho rằng: “Từ lâu đời, sân khấu dù kê đã có mạch nguồn từ tâm hồn, tình cảm, trong cuộc sống lao động, trong sinh hoạt phong tục tập quán, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh hiện thực cuộc sống của đồng bào Khmer Nam bộ. Đó chính là di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống được nhiều thế hệ kế thừa, giữ gìn và phát triển. Có thể nói, sân khấu dù kê là loại hình nghệ thuật quan trọng, là điểm sáng và là những sắc màu để thêu dệt bức tranh văn hóa Khmer Nam bộ đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, người Khmer rất tự hào về những giá trị sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cha ông để lại”. 
Soạn giả Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, nhận định: “Loại hình sân khấu dù kê có nhiều ưu thế vượt trội, bởi ngoài đặc trưng riêng của dù kê nó còn tiếp nhận những tinh hoa của nghệ thuật dì kê, rô băm, ca múa nhạc của người Khmer và những tinh hoa nghệ thuật của người Kinh, người Hoa, của các nước như Ấn Độ, Indonesia, châu Âu, Mỹ Latin… nhằm bổ sung, làm phong phú thêm nghệ thuật dù kê. Do đó, sân khấu dù kê luôn ở trạng thái “mở”, không khép kín như sân khấu dì kê, rô băm. Về mặt nội dung kịch bản, sân khấu dù kê vừa thể hiện được đề tài cổ điển, dân gian, vừa thể hiện được đề tài xã hội đương đại. Chính ưu thế vượt trội ấy, sân khấu dù kê được đồng bào Khmer Nam bộ ưa chuộng cả trăm năm qua”. 

Nỗ lực bảo tồn
Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, sân khấu dù kê được sinh ra từ chính người dân lao động, dựa trên trí tuệ và tinh thần yêu cái đẹp của đồng bào Khmer Nam bộ, gắn với đặc trưng văn hóa nghệ thuật mang tính địa phương, vùng miền.
Những năm qua, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dù kê trong thời kỳ mới, đã có những hoạt động nghiên cứu, liên hoan biểu diễn dù kê, các trại sáng tác kịch bản được các tỉnh ĐBSCL thực hiện. Trường Đại học Trà Vinh cũng tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu dù kê - 100 năm hình thành và phát triển”, thu hút đông đảo sự quan tâm các nhà khoa học, các bậc tiền bối, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà quản lý ở khắp nơi, với nhiều tham luận, ý kiến bàn thảo về bảo tồn, phát triển sân khấu dù kê.  
Các nhà chuyên môn nhìn nhận, sân khấu dù kê rất độc đáo nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, do sự thay đổi về nhu cầu giải trí của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, đã khiến nghệ thuật sân khấu dù kê gặp nhiều khó khăn.
Các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội ngày càng thưa dần, trong khi đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản, phương thức sưu tầm, lưu trữ và truyền bá hạn chế, việc đầu tư viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn các vở diễn mới chưa đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Từ những hạn chế trên, các nhà chuyên môn cho rằng cần có những hình thức phổ biến, tuyên truyền phù hợp trong cộng đồng dân cư, nhất là giới trẻ người Khmer, nhằm giúp họ hiểu biết nghệ thuật sân khấu dù kê của dân tộc mình. Các tỉnh cần tăng cường mở lớp truyền dạy, nhằm tạo phong trào trong công chúng và phát hiện giới trẻ có năng khiếu, đam mê để tiếp tục đào tạo chính quy trong tương lai.
Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo đội ngũ sáng tác, dàn dựng nghệ thuật sân khấu dù kê, cùng với việc tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu dù kê định kỳ ở cấp tỉnh, khu vực, để các đoàn có điều kiện giao lưu, học tập lẫn nhau, mở lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho diễn viên, nhạc công.
Các chuyên gia ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TPHCM, đề xuất từ kinh nghiệm của các nước châu Á, có thể đưa sân khấu dù kê vào hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, dù kê có thể khai thác thành sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, tâm linh.

Các tin khác