Dùng máy bay phun thuốc tiêu diệt dịch châu chấu tràn vào Việt Nam

(ĐTTCO) - Ở châu Phi và Trung Đông, hiện nay đại dịch không phải là Covid-19 mà là châu chấu sa mạc. Theo cảnh báo, dịch này có nguy cơ tràn vào Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 13-3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã báo cáo Thủ tướng về việc chủ động ứng phó. 

Chiều tối nay 13-3, văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, trong ngày 13-3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công văn số 1882 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch châu chấu sa mạc đang hoành hành ở nhiều quốc gia, có nguy cơ lây lan tới Trung Quốc và các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đề xuất các giải pháp để chủ động ứng phó. 

Công văn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký nêu rõ: Trong thời gian qua, có một số thông tin trên báo chí Việt Nam và nước ngoài đưa tin về đại dịch châu chấu phá hại sản xuất nông nghiệp tại phía đông châu Phi, Pakistan, Ấn Độ và cảnh báo của một số chuyên gia Trung Quốc về nguy cơ dịch châu chấu có khả năng lây lan sang Trung Quốc và đến các nước Đông Nam Á khác. 

Ngày 22-2 vừa qua, Thời báo South China Morning Post của Trung Quốc dẫn lời Ma Wenfeng, một chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc Công ty Nông nghiệp tổng hợp Bắc Kinh cho rằng khu vực biên giới giữa Tây Tạng, Pakistan, Ấn Độ, Nepal đang là những điểm bùng phát nạn dịch châu chấu và trong thời gian tới có khả năng đàn châu chấu tại khu vực này di cư đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) qua bán đảo Đông Nam Á - tương tự như con đường sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại năm 2019.

Dùng máy bay phun thuốc tiêu diệt dịch châu chấu tràn vào Việt Nam ảnh 1Loài châu châu sa mạc đang hoành hành tại châu Phi

Để kiểm chứng thông tin trên, ngày 24-2, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông quốc gia Trung Quốc (NATESC) thuộc Bộ Nông nghiệp và Thương mại Trung Quốc (MARA) để tìm hiểu thông tin về tình hình phát sinh gây hại của loài châu chấu hiện nay tại Trung Quốc. 

Phòng Dự tính dự báo dịch hại quốc gia - NATESC cho biết châu chấu sa mạc từ các quốc gia đang có dịch chưa xâm nhập vào Trung Quốc. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia dự tính dự báo ở Trung Quốc thì trong thời gian tới, khả năng loài châu chấu sa mạc này xâm nhập và gây hại nặng ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận trong khu vực là rất thấp vì hiện tại dịch châu chấu tại Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với Trung Quốc đã được dập; nguy cơ đàn châu chấu di cư từ khu vực biên giới Pakistan - Ấn Độ tới Trung Quốc cũng thấp do gặp rào cản tự nhiên là dãy núi Hymalaya với độ cao và nhiệt độ không khí lạnh. 

Châu chấu sa mạc là loài chủ yếu sinh sống tại các khu vực khô hạn ở châu Phi, Trung Đông và Tây Nam Á, chúng phát triển mạnh nhất khi nhiệt độ khoảng 40°C và ẩm độ khoảng 60-70%, với điều kiện thời tiết khí hậu tại Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng thời gian hiện nay cũng không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của loài châu chấu sa mạc.

Dùng máy bay phun thuốc tiêu diệt dịch châu chấu tràn vào Việt Nam ảnh 2Tại Ấn Độ, những đàn châu chấu đã gây thiệt hại trên quy mô lớn khi tàn phá khoảng 350.000 ha đất nông nghiệp. Nguồn: Reuters

Tuy nhiên, theo bản tin ngày 5-3-2020 về tình hình gây hại và dự báo hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ Phòng thông tin về châu chấu sa mạc của FAO, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6-2020, châu chấu sa mạc sẽ tiếp tục nhân giống, lây lan và gây hại ở khu vực Đông Phi, một số quốc gia ven Biển Đỏ và phía nam Iran, có khả năng di cư sang một số nước khu vực Nam Á (Pakistan và Ấn Độ) trong tháng 6-2020 theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây. 

Mặc dù các chuyên gia dự tính dự báo của FAO và Trung Quốc nhận định nguy cơ châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại tại Việt Nam là tương đối thấp, nhưng trước sự bùng phát, lây lan như hiện nay của chúng tại các nước Châu Phi và Tây Á và với sự thay đổi khó lường của khí hậu trong những năm gần đây. 

Đặc biệt, giống như sự xâm nhập, lây lan nhanh chóng và gây hại nặng của một số đối tượng dịch hại di cư vào Việt Nam trong thời gian qua là châu chấu tre lưng vàng và sâu keo mùa thu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, chúng ta cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó châu chấu sa mạc. 

“Các thông tin trong lịch sử và hiện tại chứng minh rằng việc đối phó với những đàn châu chấu sa mạc khổng lồ rất khó khăn, khác hoàn toàn việc phòng chống các sinh vật gây hại thông thường”- công văn của Bộ NN-PTNT nêu. 

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ động theo dõi dịch ngay từ xa. Bộ NN-PTNT sẽ trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. Trong trường hợp dịch trên diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo chống dịch.

Về kỹ thuật và nguyên tắc phòng chống, khi đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước.

Trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng thì xử lý thuốc sinh học hoặc hóa học trong trường hợp châu chấu non mới nở (tuổi 1-2) còn co cụm và chưa bay nhảy mạnh (biện pháp phòng chống tương tự châu chấu tre lưng vàng).

Dùng máy bay phun thuốc tiêu diệt dịch châu chấu tràn vào Việt Nam ảnh 3Báo cáo tình hình của Bộ NN-PTNT ngày 13-3 về châu chấu sa mạc

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc Phòng xây dựng phương án hỗ trợ, tạo điều kiện sử dụng máy bay phun thuốc dập dịch trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; giao Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời để dập dịch.

Các tin khác