Buông lỏng quản lý, tội phạm người nước ngoài gia tăng

Dùng “vỏ bọc” để phạm tội

(ĐTTCO) - LTS: Tình trạng người nước ngoài có các hoạt động vi phạm pháp luật ở Việt Nam đang gia tăng và ngày càng phức tạp. Việc phát hiện, đấu tranh xử lý với các đối tượng này gặp không ít khó khăn do thủ đoạn hoạt động của chúng tinh vi. 
Sự phức tạp còn có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn, giám sát người nước ngoài đăng ký tạm trú.
Thời gian gần đây, các đối tượng người nước ngoài liên tục lợi dụng địa bàn có đông khách du lịch để thực hiện các hoạt động phi pháp, phạm tội dưới vỏ bọc kinh doanh, du lịch… Các vụ việc bị phát giác đã gây lo ngại trong nhân dân. 
Tràn lan tour khép kín
Xã Phước Đồng (phường Phước Long, TP Nha Trang) nhiều năm qua là điểm nóng của tình trạng lao động “chui”. Ghi nhận tại đây có đến hàng chục điểm kinh doanh chuyên phục vụ cho người Trung Quốc đi tour khép kín, hay thường gọi là “tour 0 đồng”. Hàng ngày có nhiều xe chuyên chở các lao động là người Trung Quốc đổ về xã Phước Đồng làm việc. Để tránh bị kiểm tra, các lao động người Trung Quốc ở phân tán khắp các phường và hàng ngày được đưa đón đến chỗ làm bằng xe riêng. 
Dùng “vỏ bọc” để phạm tội ảnh 1 Lực lượng chức năng triệt phá một ổ nhóm tội phạm nước ngoài 
ở Việt Nam sử dụng công nghệ cao để lừa đảo và cờ bạc.
Thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng chỉ có những con đường bê tông rộng hơn 7-8m chạy quanh thôn, nhưng ở đây đã mọc lên một cơ ngơi khang trang rộng hàng chục ngàn mét vuông chuyên phục vụ khách Trung Quốc. Cơ sở này có quy mô hơn 10.000m2, xuất hiện hơn một năm nay “núp bóng” cơ sở giáo dục. Khi được hỏi, ông T., chủ cơ sở phân bua rằng “do hoạt động giáo dục, dạy nghề khó khăn, nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu nên doanh nghiệp cải tạo, chuyển sang phục vụ khách du lịch”.
Thậm chí, ông này còn cho biết, trong số 70 nhân viên làm việc tại cơ sở thì một nửa là người Trung Quốc. Lý giải về tình trạng này, ông T. cho rằng, gần như 100% các doanh nghiệp phục vụ khách Trung Quốc đều sử dụng người Trung Quốc để bán hàng. Lãnh đạo xã Phước Đồng cũng thừa nhận có tình trạng người Trung Quốc làm việc “chui” cho các tour khép kín trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các lao động “chui” rất khó do lực lượng của xã mỏng, thẩm quyền hạn hẹp.
Đặc biệt, gần đây, người Trung Quốc tiếp tục mở rộng kinh doanh ở huyện Cam Lâm để phục vụ khách đến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Nằm sát quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, mấy tháng nay mọc lên một cơ sở kinh doanh bề thế, các loại xe khách ra vào tấp nập. Phía trước cơ sở này là khu chợ với nhiều khu vực bán đá quý, da đà điểu, cá sấu, mỹ phẩm...
Mỗi khu có từ 20-30 gian hàng, luôn có sẵn các nhân viên người Trung Quốc, người Việt biết tiếng Trung chào mời khách mua hàng. Dò hỏi thì một nhân viên cho biết, cơ sở này trước đây nằm ở TP Nha Trang, nhưng do giá thuê bằng mặt cao nên chủ dời về huyện Cam Lâm để giảm chi phí, mở rộng quy mô kinh doanh. Ở đây đất đai rộng rãi, nằm trên cung đường từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh, do vậy doanh nghiệp lữ hành dễ dàng đưa khách vào để mua sắm trong khi chờ đến giờ bay.
Gia tăng tội phạm công nghệ cao
Chuyên án triệt phá đường dây đánh bạc quốc tế qua mạng của tội phạm người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hồi tháng 7-2019 là một điển hình cho tình trạng “núp bóng”. Đường dây này được đặt trong khu đô thị Our City (ở Km 6 đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng).
Theo Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng ở Our City là tổ chức tội phạm quốc tế núp bóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và cũng là đường dây đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay về quy mô người nước ngoài tham gia và số tiền vi phạm pháp luật trên lãnh thổ nước ta.
Các đối tượng người Trung Quốc sang Việt Nam dưới dạng du lịch, lao động để vận hành tổ chức đánh bạc quy mô cho công dân Trung Quốc, nhằm hạn chế sự kiểm soát của công an 2 nước. Việc vận hành hệ thống máy đánh bạc được chia thành các ca trong ngày.
Hết mỗi ca lại thay thế người mới và không ai được đi ra ngoài, chỉ sinh hoạt trong khu đô thị. Điều này gây không ít khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đáng lo là những “sào huyệt” như Our City không phải cá biệt. 
Mới đây, vào ngày 9-6, tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng của Bộ Công an Việt Nam đã trục xuất và bàn giao 77 đối tượng người Trung Quốc cùng tài liệu, phương tiện kỹ thuật cho công an Trung Quốc để điều tra và xử lý hành vi đánh bạc xuyên quốc gia.
77 đối tượng này đã tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia tại 18 địa điểm trên địa bàn 3 tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Khi triệt phá chuyên án, công an đã thu giữ gần 300 điện thoại thông minh, khoảng 100 máy tính, máy tính bảng và 200 thẻ ngân hàng… 
Tại TP Đà Nẵng, sau thời gian theo dõi hoạt động, vừa qua Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng, khám xét đột xuất khách sạn Chula (338 Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn). Tại đây, công an đã khống chế 34 người có quốc tịch Trung Quốc đang dùng các thiết bị điện tử kết nối với các trang mạng ở Trung Quốc để thực hiện các hành vi ủy thác đầu tư, hoặc thao túng chứng khoán ở Trung Quốc.
Để tạo vỏ bọc, qua mắt lực lượng chức năng, nhóm người trên thuê bảo vệ, lễ tân là người Việt. Khi có khách đến hỏi, lễ tân đều trả lời là hết phòng. Vào tháng 4-2019, lực lượng chức năng tiến hành phá án, bắt hơn 70 người Trung Quốc nghi có hành vi dùng công nghệ cao để lừa đảo tại Khánh Hòa. Nhóm người Trung Quốc này thuê một khách sạn 5 tầng trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Nha Trang) với thủ đoạn mạo danh nhà chức trách, dùng điện thoại khống chế, đe dọa, ép buộc người khác chuyển tiền vào tài khoản của mình. 
Không chỉ lợi dụng lãnh thổ Việt Nam để tổ chức các hoạt động “đỏ đen” xuyên quốc gia,  nhiều người nước ngoài còn tới Việt Nam qua con đường du lịch, lao động để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, buôn bán ma túy.
Tại nhiều địa phương đã xảy ra hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, nhân viên bưu điện thông qua kết nối mạng internet (VoIP), Facebook, Zalo, Viber, WhatsApp nhằm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân. Thống kê của Bộ Công an, trong năm 2018 và hết quý 1-2019, lực lượng công an đã khởi tố 499 vụ án hình sự, 876 bị can, xử lý hành chính 187 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có nhiều đối tượng là người nước ngoài.
 Theo Bộ Công an, để ngăn chặn, phòng chống tội phạm người nước ngoài, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng phải siết chặt việc quản lý hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; kiểm tra lại toàn bộ các khâu trong hệ thống pháp luật nhằm bịt những lỗ hổng về quản lý, kiểm soát người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương nâng cao ý thức cảnh giác, giám sát chặt các hoạt động khả nghi của người nước ngoài trên địa bàn. Về phía lực lượng công an và địa phương, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra địa bàn, tập trung vào những đối tượng có biểu hiện bất minh về sinh hoạt, quan hệ, thời gian và kinh tế. Có như vậy mới ngăn chặn được tội phạm “ngoại” lợi dụng lãnh thổ Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội.

Các tin khác