Giải pháp căn cơ xử lý rác thải

(ĐTTCO) - Tại nhiều nước châu Âu, Nhật Bản hay Singapore, việc xử lý rác thải được xem là mối quan hệ giữa doanh nghiệp thu gom - vận chuyển và doanh nghiệp xử lý rác thông qua phí xử lý rác. Các nước này đang tiến tới loại bỏ trách nhiệm phải trả chi phí cho các nhà máy xử lý rác.
Kinh nghiệm nước ngoài
Để có một thị trường xử lý rác thải, các nước tiên tiến thường định hướng phân bổ kinh phí theo 2 cách: Người dân hoặc các cơ quan phát thải càng nhiều rác phải chịu trách nhiệm càng cao về khối lượng rác thải họ phát sinh, bao gồm toàn bộ chi phí quản lý từ thu gom, vận chuyển và xử lý. Chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm trả phí quản lý rác thải công cộng như đường phố, khu vực công…
Các doanh nghiệp xử lý thu phí từ người dân, nhận khoản kinh phí ổn định theo hợp đồng với chính quyền địa phương về quản lý rác thải công cộng. Sau đó họ sẽ trả chi phí cho các doanh nghiệp xử lý rác thải theo mức phí mà doanh nghiệp đã ký kết với chính quyền trước đó.
Giải pháp căn cơ xử lý rác thải ảnh 1 Sông Vàm Thuật (đoạn qua phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM) bị rác thải xâm lấn dòng chảy
 Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Nhằm áp dụng kinh nghiệm nước ngoài, đồng thời phát triển thị trường quản lý rác thải, nhà nước ta cần có thêm nhiều chính sách quan tâm hơn tới vai trò của doanh nghiệp. Có thể chia làm 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác. Đây là khâu trung gian kết nối giữa khu vực phát sinh và khu vực xử lý rác; đồng thời là nơi có khả năng phân loại, tái chế ngay sau thu gom rác thải từ người dân.
Hợp đồng giữa doanh nghiệp xử lý và chính quyền nên được ký kết dưới hình thức hợp lý, đảm bảo lợi ích ổn định cho doanh nghiệp. Cần khuyến khích doanh nghiệp tích vốn, sáp nhập, hình thành các khu vực thu gom rác thải lớn. Nhóm thứ hai là doanh nghiệp chuyên thực hiện xử lý rác thải bằng những phương pháp hiện đại với các công nghệ xử lý phù hợp. Do đó, các chính sách hỗ trợ cũng nên theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều công nghệ hiện đại hơn, công suất lớn hơn.
Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào khâu thu gom - vận chuyển cho tới khâu xử lý; càng không nên để tồn tại thế độc quyền cho một vài doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này làm mất sức cạnh tranh; nhà nước không nhất thiết trực tiếp cung cấp dịch vụ này mà hãy chọn cho mình vai trò tạo cơ chế bình đẳng, giám sát toàn bộ hoạt động; từ đó sử dụng các công cụ thể chế như thuế suất, giá dịch vụ, trợ cấp...
Điều trị căn bệnh xả rác bừa bãi
Người Việt khi du lịch đến Nhật Bản hay Singapore chẳng ai dám công khai ném lon nước, bao bì, mẩu thuốc lá… xuống đường phố của họ. Lý do, những người này đã được cảnh báo trước đó từ người thân, bạn bè từng sang đấy hoặc đại diện của các công ty du lịch, rằng những hành vi ấy sẽ bị chính quyền sở tại phạt nặng. Như vậy, xem ra với thói quen xả rác bừa bãi, vẫn có thể sửa chữa được, điều quan trọng là sửa thế nào và bắt đầu từ đâu.
Trước tiên cần có sự đồng lòng, quyết tâm của mỗi người dân, kết hợp cùng những biện pháp mạnh tay từ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, các cơ quan hữu trách nên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thường xuyên nhắc nhở người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Ngành giáo dục cần đưa vào chương trình học nhiều bài học về trách nhiệm công dân với cộng đồng, xã hội, giáo dục về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường chung...
Mỗi người dân nên tự ý thức bản thân bằng hành động cụ thể, như: hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt, tuyệt đối không xả rác nơi công cộng, chủ động phân loại rác ban đầu và ý thức tự giác bỏ rác đúng vị trí đã phân loại. Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại gồm rác tái chế và rác không thể tái chế.
Rác tái chế tức các loại rác có thể tái sử dụng hoặc chế biến lại như vỏ chai, đồ nhựa gia dụng…, còn lại các loại rác không thể tái chế tức phần thải bỏ. Số lượng rác thải có thể tái chế được càng nhiều, đồng nghĩa lượng rác thải mang đi đốt hay chôn lấp sẽ giảm. Nhà nước cần có sự đầu tư thiết bị, vật tư từ những vật dụng đơn giản nhất như túi đựng rác sinh học, thùng rác công cộng, phương tiện chuyên chở, tờ bướm tuyên truyền, xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng không thu phí...
Nước ta đã có hàng loạt văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi gây tổn hại môi trường. Từ đây, chính quyền các cấp cần áp dụng ngay quy định pháp luật xử phạt nghiêm, quyết liệt nhưng công bằng nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng xả rác bừa bãi.

Các tin khác