Giảm 9.300 tỷ đồng tiền điện cho 26,8 triệu khách hàng

(ĐTTCO)-Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, là một doanh nghiệp Nhà nước nòng cốt, ở góc độ nào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển và phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống trong tình hình mới.
Giảm 9.300 tỷ đồng tiền điện cho 26,8 triệu khách hàng

Ngày 20-8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn, đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về hiệu quả hoạt động, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong 7 tháng đầu năm nay đạt 136,99 tỷ kWh, tăng 2,42% so cùng kỳ năm trước, bằng 54,4% kế hoạch cả năm; điện thương phẩm đạt 122,69 tỷ kWh, tăng 2,3% so với cùng kỳ, bằng 53,81% kế hoạch năm. Hiện nay, các dự án nguồn điện trọng điểm của EVN cơ bản đáp ứng mục tiêu kế hoạch 2020, lũy kế 7 tháng đã khởi công 81 công trình, hoàn thành 63 công trình lưới điện 110-500kV, trong đó đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng bảo đảm cấp điện cho các khu vực, giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo, giải tỏa thủy điện.

Về hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến hết tháng 7-2020, EVN đã giảm tiền điện cho 26,8 triệu khách hàng với tổng số tiền giảm là 9.276,3 tỷ đồng, trong đó giảm 5.062,0 tỷ đồng cho 1.528.768 khách hàng thuộc đối tượng sản xuất.

Dự báo sản xuất kinh doanh năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, điện thương phẩm ước đạt 215,2 tỷ kWh, bằng 94,4% kế hoạch năm và tăng 2,6% so với năm 2019; điện sản xuất và mua ước đạt 238,4 tỷ kWh, tăng 3,3% so với năm 2019; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối dưới 6,5%. Các dự án lưới điện trọng điểm cơ bản đáp ứng được mục tiêu tiến độ đề ra và hoàn thành 180/244 công trình, bằng 73,8% số công trình hoàn thành theo kế hoạch năm 2020.

Về bảo đảm các nguồn nhiên liệu cho phát điện, trong giai đoạn 2020-2025, do sản lượng than trong nước cấp cho sản xuất điện chỉ khoảng 35-37 triệu tấn/năm nên nhu cầu than nhập khẩu sẽ tăng cao so với dự kiến. Dự tính năm 2020, EVN sẽ phải nhập khẩu gần 30 triệu tấn và đến năm 2025 tăng lên khoảng 60 triệu tấn (tỷ trọng 62,3%), nghĩa là cao hơn 5 triệu tấn so dự kiến.

Về khí cho sản xuất điện, các nhà máy nhiệt điện khí hiện hữu đang được cấp khí tự nhiên từ các mỏ khí khu vực Đông Nam bộ. Sản lượng khí từ các nguồn trên đã suy giảm mạnh, nhưng việc tìm kiếm nguồn khí mới để bổ sung chưa đáng kể…

Trước tình hình đó, EVN kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực, trong đó xác định quản lý nhà nước về điện lực, đặc biệt là quản lý vận hành lưới điện truyền tải, trách nhiệm về đảm bảo an ninh năng lượng khi xã hội hóa đầu tư; cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện; cho phép các dự án đầu tư xây dựng công trình điện đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, mà được phép lập Báo cáo nghiên cứu khả thi ngay để thực hiện thủ tục trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư...

Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian qua nhưng EVN đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là việc phát triển mạng lưới điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đã tập hợp các kiến nghị của EVN và sẽ cùng với các bộ, ngành làm rõ hơn trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế tới đây, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết trong hệ thống chính sách pháp luật.

Mặt khác, ông cũng yêu cầu EVN tiếp tục đẩy mạnh đổi mới về công nghệ, cơ chế quản lý, hoạt động. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, là một doanh nghiệp Nhà nước nòng cốt, ở góc độ nào đó, EVN cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển và phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống trong tình hình mới.

Các tin khác