Giấy phép con: Mã số, mã vạch

(ĐTTCO) - Có những quy định pháp luật khi đi vào thực hiện thấy vô lý, cực kỳ vô duyên. Một thí dụ là quy định về mã số, mã vạch tại Nghị định 74 năm 2018.
Đó là việc, gần đây xuất khẩu hàng hóa khi bao bì hàng hóa in sẵn mấy cột mã vạch, các nhà xuất khẩu Việt Nam bị yêu cầu phải có giấy ủy quyền của chủ hàng nước ngoài, giấy xác nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch của Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Bộ KH-CN). Để có được giấy xác nhận này, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ chứng minh mã số mã vạch được cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chứng nhận, nếu không có thể bị phạt.
Doanh nghiệp lúng túng vì các nước chẳng ai cấp kiểu này, đối tác nước ngoài cũng ngạc nhiên vì chẳng nơi nào đòi như thế. Doanh nghiệp cần xuất hàng nên phải tìm cách xin giấy ủy quyền. Theo đó, doanh nghiệp đang phải trả phí 500.000 đồng/lần đăng ký đối với hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm, hoặc 10.000 đồng/sản phẩm đối với hồ sơ trên 50 mã sản phẩm, chưa kể đến các chi phí khác như chi phí cho việc lưu kho bãi, chi phí lãi vay ngân hàng... 
Giấy phép con: Mã số, mã vạch ảnh 1
Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các doanh nghiệp phải chi trả cho việc xin giấy xác nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là con số không nhỏ. Chưa kể, doanh nghiệp mất thêm 20-30 ngày để xuất được lô hàng, gấp 3-4 lần so với thời gian yêu cầu giao của nhiều đơn hàng. Với nhiều ngành, đơn hàng gấp xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần. Nguy cơ không đảm bảo tiến độ, mất đơn hàng sắp tới hoặc trong tương lai.
Vậy mã số mã vạch là gì mà cần gánh trách nhiệm lớn thế, liên quan đến chất lượng hàng hóa chăng? Thực ra, trong 13 số trên quy ước mã số mã vạch không có bất cứ thông tin nào về chất lượng, kể cả truy xuất nguồn gốc theo đúng nghĩa. Vì 3 số đầu chỉ định danh quốc gia mà chủ hàng có trụ sở; 5 số tiếp là mã của doanh nghiệp chủ hàng; 4 số tiếp theo mã định danh của sản phẩm do chủ hàng đặt vào để quản lý; số cuối là số kiểm tra. Đó là lý do các chuỗi, các tập đoàn, các siêu thị hoặc hệ thống phân phối họ quản lý hàng hóa lưu thông của chính họ. Vậy cớ gì Việt Nam đứng ra quản lý? Hết sức vô duyên.
Vấn đề cốt lõi, là quy định này đưa ra không có điểm dựa pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cũng như không thấy được quy định tương tự tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam. Cụ thể, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, hay Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa đều không có bất cứ yêu cầu nào về ghi nhãn nói chung và ghi mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu. Ngay như Thông tư 15/2006/QĐ-BKHCN của Bộ KH-CN về việc ban hành quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch cũng chỉ nêu đối tượng sử dụng là các tổ chức - cá nhân "có nhu cầu sử dụng mã số mã vạch". 
Và cũng không có điều khoản nào xử phạt doanh nghiệp, người dân nếu không có "giấy xác nhận của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền đối với việc doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch của tổ chức nước ngoài ủy quyền" như quy định tại Điều 32 của Nghị định 119/2017 về xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, việc cấp giấy "Xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài" hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước do cơ quan cấp không có bất cứ một căn cứ nào (ngoài hồ sơ doanh nghiệp nộp) để kiểm tra, đối chiếu, so sánh, việc cấp giấy này chỉ là hình thức, không có hiệu quả quản lý nhà nước.
Mã vạch hàng xuất khẩu bên mua không đòi hỏi, bên ta lại dựng ra quy định. Nhất là trong thời điểm này cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng lại đưa ra những quy định kiểu “giấy phép con” này chỉ là “ta tự làm khó ta” mà thôi.

Các tin khác