Giấy xét nghiệm âm tính có phải kim bài miễn dịch?

(ĐTTCO)-Sau khi tỉnh Đồng Nai quy định người từ TPHCM và Bình Dương muốn đến làm việc tại địa phương này phải có giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính trong vòng 7 ngày, thì nhiều tỉnh khác cũng xem đây là biện pháp chống dịch hữu hiệu. Mới đây nhất, Hải Phòng và Bến Tre cũng bắt đầu áp dụng yêu cầu người đi vào địa bàn phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Hàng nghìn tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) chen chúc nhau xét nghiệm Covid-19 và chờ lấy kết quả, trưa 5/7.
Hàng nghìn tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) chen chúc nhau xét nghiệm Covid-19 và chờ lấy kết quả, trưa 5/7.
Thế nhưng, giấy xét nghiệm có phải là bảo bối hay không cần phải cân nhắc thật cẩn thận.
Tại tâm dịch TPHCM, hơn 17.000 người ở chợ đầu mối Bình Điền chen nhau lấy tờ khai xét nghiệm, thực sự khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Bởi lẽ, sự tập trung xô đẩy kia chính là môi trường để dịch bệnh lây lan và bùng nổ. 
Nhận thấy nguy cơ trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với tư cách Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, đã yêu cầu: “Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được, hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”.
Có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 7 ngày, có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 5 ngày, và cũng có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 3 ngày. Vậy, thử hỏi, giấy xét nghiệm có ý nghĩa gì?
Xét theo góc độ y học, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính, nghĩa là từ lúc ấy trở về trước đối tượng được xét nghiệm chưa nhiễm bệnh. Còn đối tượng được xét nghiệp có nhiễm bệnh hay không, kể từ khi rời khỏi khu vực lấy mẫu xét nghiệm sẽ không thể nào phán đoán được. Nói cách khác, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính chỉ có giá trị bảo chứng cho quá khứ, chứ không có giá trị bảo chứng cho tương lai. 
Vậy mà, kỳ lạ thay, giấy xét nghiệm lại trở thành giấy chứng nhận không lây nhiễm ngắn hạn, để nhiều địa phương xem xét như một giấy thông hành bắt buộc cho người lao động. 
Xét nghiệm Covid-19 cũng có những trường hợp âm tính giả. Vì vậy, Bộ Y tế mới quy định thời gian biểu lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần cho F1, F2 để tránh rủi ro xuất hiện những đối tượng được xét nghiệm chuyển qua dương tính ở những ngày tiếp theo. 
Rõ ràng, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính hoàn toàn không phải kim bài miễn dịch.
Phương pháp tối ưu để đẩy lùi Covid-19 là 5K và vaccine, chứ không phải tờ giấy xét nghiệm. Những địa phương bắt buộc người lao động phải có giấy xét nghiệm dường như không màng đến yếu tố y học, mà chỉ cốt đặt ra một loại rào cản mới có vẻ trang nghiêm và thuyết phục. 
Nhiều dịch vụ xét nghiệm Covid-19 lập tức bùng nổ với giá cả khá linh hoạt từ 300.000-700.000 đồng/lần. Chưa cần đề cập đến khả năng có kiểm soát được giấy xét nghiệm bị làm nhái, làm giả hay không, tính riêng chi phí giấy xét nghiệm đã thêm gánh nặng cho người nghèo.    
Trong cao điểm dịch bệnh, không ai muốn di chuyển xa để làm việc, nếu đã đủ ăn đủ mặc. Những người lao động bất đắc dĩ phải ra khỏi nhà mùa Covid-19 đều có kinh tế khá eo hẹp. Vậy nhưng cứ 3 ngày, 5 ngày hoặc 7 ngày họ lại phải mất thêm tiền để làm giấy xét nghiệm, thì chật vật càng thêm chật vật, khốn khổ càng thêm khốn khổ.

Các tin khác