Gỡ điểm nghẽn giao thông kết nối vùng qua Tây Ninh

(ĐTTCO) - Nằm trong khu vực Đông Nam bộ và thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vài năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, do hệ thống giao thông kết nối còn yếu, thiếu, bị quá tải, tỉnh Tây Ninh vẫn chưa phát huy được vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế qua trục Xuyên Á, kết nối với khu vực ASEAN thông qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Đây cũng chính là thách thức lớn hiện nay của cả Đông Nam bộ. 

Cầu vượt qua Quốc lộ 22 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Ninh.
Cầu vượt qua Quốc lộ 22 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Ninh.
Quá tải trục Xuyên Á
Những ai thường xuyên đi lại trên Quốc lộ (QL) 22 qua TPHCM và Tây Ninh chắc không tránh khỏi tâm trạng ngao ngán với tình trạng quá tải trên tuyến QL này. Chỉ trên đoạn tuyến qua huyện Hóc Môn dài hơn 20km và đoạn qua huyện Trảng Bàng dài khoảng 5-7km (qua KCN Trảng Bàng), từng dòng xe cộ xếp hàng dài, nhất là xe container, xe tải nối đuôi nhau nhích trên QL khiến thời gian di chuyển kéo dài, tốn thêm chi phí sản xuất hàng hóa, gây ô nhiễm môi trường. Do lưu lượng xe tăng quá nhanh đã làm thời gian lộ trình đi từ TP Tây Ninh về đến trung tâm TPHCM (khoảng 120km) phải mất 3-4 giờ. 
Việc QL 22 bị quá tải nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh Tây Ninh, nhất là các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu đi các nước qua các cảng ở TPHCM. Đồng thời, việc giao thông đi lại mất nhiều thời gian còn ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch vào mỗi cuối tuần, nhất là với khu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam ở huyện Tân Biên (sát biên giới Campuchia, cách TPHCM 180km). 
Ở chiều ngược lại, không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ TPHCM, các tỉnh Đông, Tây Nam bộ đến Tây Ninh tham quan, du lịch, về nguồn, việc thu hút khách du lịch quốc tế từ Thái Lan, Campuchia qua trục Xuyên Á đến các tỉnh Đông Nam bộ gặp bất lợi, đã làm những kế hoạch khai thác tour tuyến du lịch xuyên biên giới, liên vùng Đông - Tây Nam bộ của các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch khó thành công hoặc giảm sức thu hút. Một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại TPHCM cho biết, 5 năm trở về trước, tour du lịch từ TPHCM đi Campuchia vào 3 ngày cuối tuần rất thu hút khách nội địa, nhưng gần đây lượng khách giảm hẳn, nguyên nhân chính do ảnh hưởng của đại dịch cùng với việc di chuyển mất thời gian khiến các tour tuyến ế ẩm.
 
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cú hích cho cả vùng
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 8.282km đường bộ, trong đó đường do địa phương quản lý 8.128km (chiếm 98,14%), gồm đường tỉnh 740km, đường trục đô thị 376km và đường giao thông nông thôn 7.012km. Phần đường bộ do Trung ương quản lý 154km với 3 tuyến QL, gồm đường Xuyên Á (QL 22) từ ngã tư An Sương đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 59km, QL 22B và 22B từ Gò Dầu đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát 50km và đường Hồ Chí Minh kết nối Tây Ninh với các tỉnh Tây nguyên và ĐBSCL, đoạn qua Tây Ninh 21,7km. Dù chỉ chiếm 1,86% so với tổng chiều dài của hệ thống đường bộ nhưng lại là những tuyến đường quan trọng, có ý nghĩa lớn, đóng vai trò là cứu cánh cho phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh.  
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nhận định: Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có 6 hành lang giao thông - vận tải, trong đó hành lang TPHCM - Mộc Bài - Campuchia là hành lang có vai trò đặc biệt quan trọng, là hành lang kinh tế đối ngoại của vùng Đông Nam bộ và cả nước - hành lang vận tải ngắn nhất từ TPHCM đến Campuchia vào các nước ASEAN qua trục giao thông chính QL 22 cũng là đường Xuyên Á. Nhưng tuyến QL này được đầu tư nâng cấp, đưa vào sử dụng từ năm 2002 đến nay đã bị quá tải, xuống cấp trầm trọng, tạo ra các điểm nghẽn giao thông, do đó việc xây dựng tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả trước mắt và lâu dài.
Không riêng Tây Ninh, cả TPHCM cũng xác định đây là dự án có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính quyền 2 địa phương đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi,  đi đến thống nhất và đồng kiến nghị Thủ tướng giao TPHCM thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT; trong đó phần đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) do 2 địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách. Ngày 15-4-2021, lãnh đạo TPHCM và tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc, đặt quyết tâm cao việc triển khai thực hiện dự án trên tinh thần “khó đến đâu, gỡ đến đó”, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2025. 
Đối với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 3950 ngày 17-12-2007 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với tổng chiều dài toàn tuyến 74km, quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Dự án được khởi công năm 2009 và đoạn qua Tây Ninh dài 21,7km, trong đó đoạn chưa GPMB 2,6km, còn lại đã thi công xong phần cầu vượt qua QL 22 và đoạn từ giáp Bình Dương đến đầu cầu vượt đã trải lớp 1 móng đá. Dự án bị giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó nguồn vốn ODA cho dự án 2.600 tỷ đồng, dự kiến khởi công lại vào đầu năm 2022 và hoàn thành trong năm 2024.
 Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến 50km, trong đó đoạn qua địa phận TPHCM 23,7km và qua Tây Ninh 26,3km; được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tuyến đường bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TPHCM) và điểm cuối nối vào QL 22 tại km 53+850 (trước Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh).   

Các tin khác