Hà Nội “ngộp thở” thở vì rác thải: Chính quyền chậm chễ, người dân bức xúc

(ĐTTCO)-Việc một số người dân ở Sóc Sơn, Hà nội chặn xe đổ rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) là do bãi rác Nam Sơn đã quá tải, gây ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Rác thải đang được tập kết tại nhiều nơi trong nội thành Hà Nội, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Rác thải đang được tập kết tại nhiều nơi trong nội thành Hà Nội, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Liên quan tới việc ùn ứ rác thải ở Hà Nội do Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn bị một số người dân xã Nam Sơn và Hồng Kỳ lập chốt chặn không cho xe đổ rác ra vào, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã lên phương án lưu trữ, xử lý rác tạm thời.

Theo đó, Urenco đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tập kết xe gom về điểm lưu chứa tạm thời, phủ bạt, phun thuốc khử khuẩn bảo đảm vệ sinh. UBND các quận hướng dẫn các chi nhánh Urenco khảo sát, lập phương án lưu chứa tạm thời trên địa bàn đến khi bãi rác Nam Sơn hoạt động trở lại. Đồng thời, UBND các quận chỉ đạo UBND các phường thông báo đến cơ quan, đơn vị, nhân dân để hạn chế vứt rác bừa bãi, lưu chứa rác tạm thời nếu có thể đến khi có phương án phân luồng xử lý khác.

Khi Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn hoạt động trở lại, Urenco chủ động tăng cường nhân lực, thiết bị thu gom, vận chuyển rác lưu chứa tạm; bố trí xe phun rửa điểm tập kết tạm để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Urenco cũng đã báo cáo với Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật, UBND huyện Sóc Sơn, Công an huyện Sóc Sơn, UBND xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn... để phối hợp giải quyết và điều tiết xe vận chuyển rác về các khu tập kết.

Về phía UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức họp với các xã trên, với chủ trương tuyên truyền, vận động nhân dân, tuy nhiên người dân vẫn tập trung đông người và không cho xe vào bãi rác.

Đồng thời, UBND hai xã đang phối hợp với các phòng, ban của huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá đất, chính sách đền bù... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu tái định cư và giải quyết những nội dung liên quan đến kiến nghị của người dân.

Hà Nội 'ngộp thở' thở vì rác thải: Chính quyền chậm chễ, người dân bức xúc ảnh 2Rác thải sinh hoạt chất đống tại nhiều đường phố của Hà Nội gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường

Qua tìm việc của phóng viên, đây là lần thứ hai trong năm nay, người dân chặn xe đổ rác vào bãi rác Nam Sơn. Trong năm 2018- 2019, khu xử lý rác này đã bị người dân nhiều lần chặn không cho xe vào đổ rác. Việc người dân xã Nam Sơn và Hồng Kỳ chặn xe đổ rác vào khu xử lý rác là do bãi rác Nam Sơn đã quá tải, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh.

Trong khi đó, chính quyền địa phương và TP Hà Nội lại chậm trễ giải quyết đền bù giá đất, giải phóng mặt bằng đối với vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ tường rào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) cho nên dân không đồng ý cho xe rác vào bãi.

Nguyện vọng của người dân khu vực nơi đây là yêu cầu sớm nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng để di dời khỏi khu vực bán kính 500m quanh bãi rác.

Trước việc ùn ứ rác thải ở Hà Nội, tại cuộc họp mới đây của Thường trực Thành ủy Hà Nội về việc nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về tình hình liên quan đến Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ rõ, vấn đề bất cập trong xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đã diễn ra trong thời gian khá dài và TP Hà Nội đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhưng tình hình chưa có nhiều chuyển biến, đến nay trở nên phức tạp khi người dân ngăn chặn không cho xe rác vào khu vực bãi rác.

Để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó các cấp, từ xã, huyện đến các sở, ngành liên quan chưa thực sự quyết liệt, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; công tác phối hợp giữa các cơ quan của huyện, của TP Hà Nội chưa tích cực.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu từng sở, ngành phải xem xét, nhìn nhận lại trách nhiệm quản lý và huyện Sóc Sơn xem xét lại công tác quản lý nhà nước, từ quản lý rừng đến trật tự xây dựng và có kế hoạch chấn chỉnh.

Hà Nội 'ngộp thở' thở vì rác thải: Chính quyền chậm chễ, người dân bức xúc ảnh 3Tràn ngập rác thải tại nhiều đường phố của Hà Nội vì bãi rác Nam Sơn bị người dân lập chốt, không cho xe đổ rác vào

Trước mắt, trong thời gian ngắn nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tự giác bỏ chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Đặc biệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lợi dụng tình hình, lôi kéo, cố tình gây rối.

Các lực lượng thanh tra, công an vào cuộc, xử lý việc vi phạm hợp đồng như: xe chở rác không có bạt che; xe rác làm rỉ nước, chất thải. Yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp từ ngày 26-10 kiểm tra, xử phạt nghiêm việc vận chuyển, vận hành xe chở rác vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế cho người dân địa phương, lên phương án bảo đảm nước sạch cho người dân khu vực Sóc Sơn và tiếp tục công tác dồn điền, đổi thửa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu giải quyết các vấn đề phải tôn trọng quy định pháp luật, bảo đảm nhất quán, công bằng, công khai minh bạch về chính sách. Các đơn vị phối hợp không để rác tồn đọng trong khu vực các quận, huyện đặc biệt là khu vực nội đô. Đồng thời đề nghị UNBD TP Hà Nội rà soát lại dự án nhà máy đốt rác, đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm đưa vào sử dụng.

Hà Nội 'ngộp thở' thở vì rác thải: Chính quyền chậm chễ, người dân bức xúc ảnh 4Hàng ngàn tấn rác thải mỗi ngày của Hà Nội đang không có chỗ xử lý phải để trên đường phố

Hiện nay, mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận khoảng 77% lượng rác trên địa bàn Hà Nội (khoảng 5.000 tấn rác) và khối lượng rác tiếp nhận đang vượt công suất thiết kế gần 50%.

Để có chỗ chôn lấp rác, Sở Xây dựng Hà Nội đã phải hợp nhất các ô chôn lấp, nâng cao độ đổ rác. Đến giữa năm 2019, khu phía Nam bãi rác Nam Sơn rộng 36ha gồm 6 ô, vận hành từ năm 2015, với công suất gần 5 triệu m3 rác, đã hết chỗ chứa.

Trong khi khu phía Bắc của giai đoạn 2 với diện tích 37ha, gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1,9 triệu m3, từ năm 2015 đến nay vẫn chưa thể xây dựng và hoàn thiện do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, trong bán kính 500m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời, với tổng diện tích khoảng 396ha bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp.

Các tin khác