Hà Nội và TP.HCM cho trẻ tới trường, tính toán đau đầu

(ĐTTCO)-Hà Nội và TP.HCM, 2 địa phương có số lượng học sinh lớn nhất nước, đang đau đầu với việc học sinh đi học trở lại.
Nhân viên Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM vệ sinh khử khuẩn phòng học chuẩn bị đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhân viên Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM vệ sinh khử khuẩn phòng học chuẩn bị đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các văn bản, quyết sách liên quan tới việc này, do vậy, cũng thay đổi xoành xoạch để ứng phó với các tình huống chưa từng có tiền lệ.

Theo dự kiến, học sinh lớp 1, lớp 9, lớp 12 ở TP.HCM sẽ đến trường vào ngày 13-12. Còn tại Hà Nội, cổng trường sẽ mở để đón học sinh lớp 10, 11, 12 từ hôm nay 6-12. Tuy nhiên, sát "giờ G", đã có những điều chỉnh.

Hà Nội: 3 ngày, 2 lần điều chỉnh

Ngày 5-12, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục có thông báo điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 10, 11, 12. Trước đó, theo quyết định ngày 2-12 của thành phố, học sinh lớp 10, 11, 12 của 30 quận, huyện, thị xã có cấp độ dịch 1, 2 trên địa bàn không có F0 trong vòng 14 ngày tính từ ngày 30-11 sẽ được trở lại trường từ ngày 6-12.

Nhưng với quy định trên, khó có trường THPT nào tại Hà Nội đáp ứng được do tình hình dịch có diễn biến phức tạp, luôn ở mức trên dưới 500 ca/ngày từ đầu tháng 12 đến nay. Đáng lo ngại là số ca cộng đồng cao, ở rải rác nhiều địa bàn.

Để phù hợp với thực tế và thuận lợi cho việc các trường đón học sinh, ngày 3-12, Sở GD-ĐT Hà Nội lại có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp, trong đó điều kiện để trường đón học sinh trở lại là nằm trên địa bàn có cấp độ dịch 1, 2, bỏ quy định "không có F0 cộng đồng trong vòng 14 ngày".

Với điều chỉnh trên phần lớn các trường THPT tại Hà Nội ở vào thế phải tổ chức đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhiều trường đã tổ chức trưng cầu ý kiến phụ huynh, tỉ lệ phụ huynh không đồng tình cho con quay lại trường ở thời điểm này rất cao.

Một khảo sát ở Trường THPT Yên Hòa cho thấy có 94 - 95% số phụ huynh các khối lớp không muốn cho con đi học trở lại. Trên các group phụ huynh của trường này, nhiều người bày tỏ sẽ làm đơn chính thức xin cho con học trực tuyến. Thậm chí có người cho biết trường không tổ chức dạy học trực tuyến sau ngày 6-12 thì vẫn cho con ở nhà để đảm bảo an toàn.

Không chỉ các trường công lập, nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội - nhóm trường mong chờ việc học sinh trở lại trường hơn cả - cũng chủ động thông báo hoãn đón học sinh vào ngày 6-12. Lần lượt Trường Marie Curie, Trường chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường THPT Lương Thế Vinh có thông báo tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến, không đến trường vào ngày 6-12.

Trước áp lực này, ngày 5-12, Sở GD-ĐT Hà Nội phải xem xét lại quyết định và có điều chỉnh mới. Theo đó, ngày 6-12, học sinh khối 12 của các trường THPT trên địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 sẽ trở lại trường, nhưng thực hiện phương án giãn cách. Cụ thể 50% số học sinh sẽ đến trường vào các ngày thứ hai, tư, sáu. Số còn lại đến trường vào ngày thứ ba, năm, bảy. Các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thuộc địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 được phép mở lại từ ngày 6-12. Khối lớp 9 ở các khu vực huyện, thị xã đã đi học từ 2 tuần trước sẽ tiếp tục duy trì.

Điều chỉnh mới của Sở GD-ĐT Hà Nội khiến một bộ phận phụ huynh bớt lo lắng hơn. Nhưng các trường thì lại thêm một lần xáo trộn. Cô Kim Anh, một giáo viên THPT, phân tích: "Phải ở trong thực tiễn nhà trường mới thấy việc này đang rất rối. Vì giáo viên không chỉ chuyên trách dạy khối 12, mà còn dạy khối 10, 11. Nếu tính toán như hiện nay, giáo viên đến trường dạy trực tiếp xong sẽ phải chạy như bay về nhà để dạy trực tuyến. Dĩ nhiên có thể thu xếp phòng dạy trực tuyến cho giáo viên tại trường, nhưng không phải trường nào cũng có đủ phòng cho 60 giáo viên/60 lớp. Mà ngồi chung chỗ thì sẽ bị nhiễu, khó đảm bảo chất lượng dạy và học".

Theo một số giáo viên, việc chia lớp 12 thành 2 lớp nhỏ học luân phiên 3 buổi/tuần sẽ khiến khối lượng tiết học của giáo viên tăng, trong khi họ vẫn phải đảm nhiệm cả khối 10, 11. Năm 2020, Hà Nội cũng từng đặt ra phương án giãn cách theo kiểu chia nhỏ một lớp học nhưng không khả thi do các trường không thể bố trí được.

Tuy nhiên ở tình thế bất khả kháng, phải vượt khó để dạy học trong điều kiện "bình thường mới" thì các trường sẽ phải khắc phục. Cụ thể khi phải kết hợp dạy cả trực tuyến và trực tiếp thì các nhà trường phải bố trí để giáo viên có thể dạy trực tuyến tại trường. Việc phân công giáo viên sẽ phải có những xáo trộn để phù hợp với tình huống mới.

Hà Nội và TP.HCM cho trẻ tới trường, tính toán đau đầu - Ảnh 2.

Trường THPT Việt Đức, Hà Nội dọn dẹp để đón học sinh trở lại - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM: bài toán khó

"Khi học sinh đi học trực tiếp thì chắc chắn trường phải tách lớp ra làm đôi để đảm bảo quy định giãn cách. Như vậy, giáo viên sẽ rất vất vả vì phải chạy qua chạy lại phòng bên này rồi phòng bên kia. Còn những học sinh không đi học trực tiếp mà ở nhà, chúng tôi cũng đang băn khoăn vì chưa biết phải áp dụng biện pháp nào cho hiệu quả với đối tượng này. Bởi giáo viên đã dạy trực tiếp bài A thì sẽ không còn sức lực và thời gian để dạy trực tuyến lại bài A cho những học sinh học ở nhà. Hoặc nếu giáo viên có sức lực thì nhà trường cũng không có kinh phí để trả tiền phụ trội cho giáo viên khi số tiết dạy của đội ngũ tăng lên gấp đôi so với bình thường" - một hiệu trưởng trường trung học ở quận Tân Phú chia sẻ.

Ở Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, theo cô hiệu trưởng Đinh Thị Thiên Ân, khi học sinh đi học lại, nhà trường phải tách lớp làm đôi và bố trí cho các em học tại 2 phòng kế bên nhau. Giáo viên bộ môn sẽ phân chia hoạt động để có thể cùng lúc dạy cả 2 phòng: giảng bài bên này thì giao nhiệm vụ cho phòng bên kia thực hiện và ngược lại.

"Dự kiến, chúng tôi sẽ bố trí số tiết dạy trực tiếp là 20 tiết/tuần, trong đó có môn sẽ học trực tiếp 100% thời lượng, có môn chỉ học trực tiếp 50%, còn lại 50% thời lượng sẽ là học trực tuyến. Đối với những học sinh không thể đến trường thì chúng tôi đang nắm lại tình hình và có giải pháp phù hợp, đảm bảo quyền lợi của học sinh" - cô Thiên Ân nói.

Truyền trực tiếp

Về giải pháp dạy học dành cho những học sinh không đến trường, ThS Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TP.HCM, thông tin: "Trường chúng tôi đã có sẵn hệ thống máy móc, trang thiết bị nên giải pháp là các camera trong phòng học sẽ truyền trực tiếp hình ảnh và âm thanh, học sinh có thể theo dõi thông qua máy tính tại nhà các em. Như vậy, học sinh ngồi học tại nhà và theo dõi qua máy tính tiết dạy trực tiếp trên lớp của thầy cô giáo. Với giải pháp này, mặc dù học sinh học tại nhà nhưng sẽ có cảm giác đang học cùng với các bạn trong lớp".

Phụ huynh còn ngần ngại

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh đi học lại ở TP.HCM đã không đạt được tỉ lệ như mong muốn. Ở bậc trung học, dù được kỳ vọng nhưng tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con em đi học lại từ ngày 13-12 cũng không cao. Như Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, có 381 học sinh lớp 9 thì chỉ có 212 phụ huynh cho biết sẽ cho con em đi học, còn 169 phụ huynh cho biết sẽ tiếp tục để con em ở nhà học trực tuyến.

Ở Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, khối 9 có 172 học sinh thì chỉ có 119 học sinh sẽ đi học, còn lại 53 học sinh sẽ không đến trường trong ngày 13-12.

Tình hình trên cũng diễn ra tương tự ở một trường THPT thuộc địa bàn quận Phú Nhuận: có 546/799 học sinh lớp 12 cho biết sẽ đi học lại, còn 253 em sẽ không đi học trực tiếp vì nhiều lý do: bản thân học sinh đang là F0, phụ huynh không đồng ý cho con đến trường học trực tiếp do lo lắng con mình sẽ nhiễm bệnh...

Trong khi đó, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp còn thấp hơn các trường trung học rất nhiều. Rất nhiều trường tiểu học ở nội thành TP chỉ có hơn 10 phụ huynh học sinh lớp 1 đồng ý cho con em đi học như: Trường tiểu học Trần Quang Diệu, quận 3 có 13 phụ huynh đồng ý; Trường tiểu học Trần Văn Đang: 17 phụ huynh đồng ý; Trường Bến Cảng, quận 4: 13 phụ huynh đồng ý; Trường Điện Biên, quận 10: 15 phụ huynh đồng ý...

Không những thế, ngay ở địa bàn các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ... vốn được xem là những địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt thì phụ huynh vẫn không đồng thuận khi cho con em đi học. Như Củ Chi có đến 5 trường là Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Nhuận Đức 2, An Nhơn Tây, Thị Trấn Củ Chi 2; huyện Cần Giờ cũng có Trường Lý Nhơn, Đồng Hòa, số phụ huynh đồng ý cho con đi học dưới 20 người, tức chưa đạt sĩ số học sinh 1 lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT (35 học sinh/lớp).

Các tin khác