Hành khách đổ xô đổi trả vé đi lại dịp tết

(ĐTTCO) - Trước diễn biến phức tạp của  dịch Covid-19, nhiều người dân mua vé tàu, xe, máy bay về quê ăn Tết Tân Sửu từ trước đã thay đổi kế hoạch, ở lại TPHCM nhằm phòng tránh dịch bệnh. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP ngày 2-2 cho thấy, nhiều hành khách đến nhà ga, bến xe trả vé nhưng chưa thể nhận lại tiền hoàn vé. 
Hành khách đến ga Sài Gòn sáng 2-2 để trả vé tàu đi lại dịp Tết Tân Sửu do ảnh hưởng dịch Covid-19 Ảnh: Đình Lý
Hành khách đến ga Sài Gòn sáng 2-2 để trả vé tàu đi lại dịp Tết Tân Sửu do ảnh hưởng dịch Covid-19 Ảnh: Đình Lý
Mất phí nhưng chưa nhận được tiền hoàn vé
Từ sáng  2-2, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại ga Sài Gòn, hàng trăm người dân đổ về đổi, trả vé tàu. Tại đây, hành khách sau khi lấy số thứ tự, ngồi chờ đến lượt tới quầy bán vé để nhân viên nhà ga thực hiện thủ tục liên quan về đổi, trả vé. Do nhu cầu đổi, trả vé đông nên trong ngày 2-2, ga Sài Gòn mở thêm 7 quầy bán vé trên lầu 1 để phục vụ nhu cầu đổi, trả vé cho hành khách (thay vì chỉ phục vụ ở tầng trệt vào ngày bình thường). Tuy thủ tục đổi, trả vé vẫn thực hiện theo quy định, nhưng số tiền hoàn vé phải đợi sau 90 ngày ngành đường sắt mới thực hiện. 
Anh Trương Quang Huy (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đã mua 2 vé tàu về quê Quảng Ngãi ăn tết vào ngày 25 tháng Chạp, nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch nên anh muốn trả lại vé. “Tôi không hiểu sao khi trả vé, nhà ga trừ 30% tiền phí, nhưng số tiền còn lại chưa trả liền cho khách mà hẹn 90 ngày sau mới trả tiền. Khi mua vé, hành khách đã chuyển tiền đầy đủ nên lẽ ra khi trả lại vé, ngoài tiền phí trả vé bị trừ theo quy định, nhà ga phải trả lại số tiền vé còn lại cho hành khách, chứ hẹn 90 ngày sau đến lấy tiền rất mất thời gian đi lại cho khách”, anh Huy thắc mắc. 
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đối với hành khách đã mua vé từ ngày 2 đến hết ngày 28-2 (tức từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu) có nhu cầu đổi, trả vé sẽ được hỗ trợ tối đa. Hành khách có thể lựa chọn 2 phương án như sau: Bảo lưu vé trong thời gian 1 năm kể từ ngày khởi hành ban đầu. Trong trường hợp, hành khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ thu chênh lệch giá vé (nếu có).
Nếu hành khách không sử dụng vé để đi tàu trong năm 2021 thì sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền kể từ ngày 1-1-2022. Đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày, tính từ ngày trả vé. 
Hành khách thực hiện việc bảo lưu, trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online qua website dsvn.vn nếu mua vé và thanh toán online, ít nhất trước 24 giờ so với giờ khởi hành. Thông tin từ Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, lượng hành khách đến đổi trả vé khá đông, chỉ trong 3 ngày gần đây đã có khoảng hơn 3.000 người. Ngược lại, thông tin từ Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tại ga Hà Nội, lượng hành khách đến đổi trả vé không đáng kể. Tuy vậy, dự báo trong những ngày tới, số lượng hành khách đến đổi trả vé sẽ tăng. Về thắc mắc việc hoàn trả vé kéo dài 90 ngày, các đơn vị cho biết, đó là thời gian cần thiết để thu xếp nguồn tiền mặt và làm thủ tục hoàn trả cho khách đúng quy định.
Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn Đỗ Quang Văn cho biết, lượng hành khách đi lại trên các chuyến tàu có giảm hơn so với dịp tết những năm trước, do nhiều hành khách dù đã mua vé nhưng quyết định không về quê để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Lượng hành khách đến trả vé tại ga Sài Gòn khá nhiều. “Hiện nay, ga Sài Gòn đang tập trung nhân lực để phục vụ hành khách một cách tốt nhất trong việc đổi, trả vé. Tuy nhiên, do lượng hành khách trả vé đông nên ngành đường sắt chưa chuẩn bị kịp các nguồn lực”, ông Văn bày tỏ. 
Nhà xe chia sẻ cùng hành khách
Ghi nhận cho thấy, trong những ngày qua, lượng khách đến Bến xe Miền Đông liên hệ hoàn trả vé cũng khá nhiều. Riêng trong ngày 1 và 2-2 đã có nhiều hành khách đến đề nghị trả vé đi các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên. Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông Tạ Chương Chín cho biết, theo sự thống nhất giữa các bên, với các tuyến xuất phát từ Bến xe Miền Đông đi các tỉnh có cự ly 300km trở lên, các nhà xe sẽ trả lại 90% giá vé trong quãng thời gian trước 4 giờ khi xe xuất phát; trả lại 70% giá vé trong quãng thời gian trước 2 giờ khi xe xuất phát… Trong khi đó, nhiều hành khách đã mua vé xe, chuyển tiền qua mạng, thủ tục đổi trả phức tạp hơn nên muốn nhượng lại… giá rẻ. 
Trên các diễn đàn mạng xã hội ngày 2-2, nhiều người đã đăng tải thông tin muốn nhượng lại vé xe khách giường nằm chất lượng cao chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Hầu hết vé xe khách đều đặt đi các ngày từ 25 - 29 tháng Chạp. Đáng chú ý, nhiều người còn sẵn sàng nhượng lại giá rẻ hơn 40% so với giá đã mua từ nhà xe. Một tài khoản viết trên nhóm người đồng hương tỉnh Kon Tum, cho biết đã mua vé về Kon Tum gần 600.000 đồng, nhưng nhượng lại chỉ 350.000 đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Hòa, người dân xã Tơ Tung, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã đặt nhà xe Việt Tân Phát, khởi hành ngày 25 tháng Chạp hết 1,090 triệu đồng cho cả người và xe máy. Do dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở quê nhà nên chiều 2-2, anh Hòa đến trụ sở Công ty Việt Tân Phát (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM) để trả vé.
Chia sẻ khó khăn với hành khách, nhà xe đã hoàn trả 100% tiền vé cho anh Hòa. Đại diện hãng xe khách Việt Tân Phát cho biết, thời điểm hiện tại, nhà xe nhận được rất nhiều cuộc gọi của hành khách yêu cầu được hoàn lại vé do lo ngại không về được quê nhà ăn tết. Trong khi đó, hãng xe T.T. chạy tuyến TPHCM - Gia Lai cũng đã có kế hoạch hoãn chuyến các ngày 26, 27, 28, 29 tháng Chạp vì lượng khách  hủy vé quá đông.
Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, hiện khá nhiều hành khách đề nghị trả vé, hoàn tiền, nên lãnh đạo bến xe đã làm việc với các đơn vị vận tải hành khách, động viên các nhà xe tạo điều kiện trả lại tiền vé cho khách hàng không về được quê phải ở lại TPHCM đón tết. “Dù có sự khó khăn nhất định đối với hoạt động vận tải hành khách ngày tết, nhưng dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng, nên bến xe đã vận động và cùng doanh nghiệp chung tay chia sẻ, hỗ trợ hoàn tiền vé cho hành khách, để thêm ấm lòng ngày xuân”, ông Tạ Chương Chín cho hay.
Hỏa tốc yêu cầu các hãng hàng không đổi, hoàn vé cho khách
Sau khi Báo SGGP có thông tin về những bất cập trong việc hỗ trợ hoàn, hủy vé máy bay cho khách ở vùng dịch khiến hành khách có thể bị mất oan vé, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã có cuộc họp khẩn với các hãng để xử lý những vấn đề này. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, Pacific Airlines, Viettravel Airlines, Thanh tra Cục HKVN và các đơn vị liên quan. Sau khi làm việc với các hãng hàng không, Cục HKVN đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu hãng hàng không giải quyết đổi, trả vé cho những hành khách không thể thực hiện được chuyến bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Thực hiện chỉ đạo của Cục HKVN, tối 2-2, Vietnam Airlines đã đưa ra chính sách hỗ trợ đổi ngày giờ bay cho hành khách bị ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, từ ngày 3-2, hãng áp dụng một lần miễn lệ phí thay đổi, miễn điều kiện hạn chế đổi ngày bay, đổi hành trình cho các hành khách có quyết định cách ly của cấp có thẩm quyền; khách bị ảnh hưởng bởi quy định phong tỏa, hạn chế đi lại của các cơ quan chức năng. Hành khách cần xuất trình giấy tờ hợp lệ về việc khách có mặt trên địa bàn và thời gian bị cách ly, hạn chế, có ghi rõ ngày xác nhận. Chính sách áp dụng cho hành khách có vé đi nội địa, xuất trước hoặc trong ngày ra quyết định cách ly, phong tỏa của cơ quan chức năng, có ngày bay nằm trong thời gian bị cách ly, phong tỏa.
Về trường hợp hành khách tại Hải Dương bị từ chối hoàn vé, đại diện Vietnam Airlines cho biết đã xác minh sự việc diễn ra đúng như Báo SGGP đã phản ánh. Vietnam Airlines thừa nhận các chính sách hoàn vé hỗ trợ hành khách đã triển khai chưa bao phủ hết những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn có chính sách linh hoạt xử lý các trường hợp ngoài quy định. Những thông tin gây bức xúc cho hành khách vừa qua là do chưa có sự kết nối thông suốt giữa hãng với đại lý.

Các tin khác