Harvard - 7 thập niên thay đổi kỳ diệu

(ĐTTCO) - Cuốn sách Kiến tạo Harvard hiện đại (Making Harvard Modern) của 2 tác giả Morton Keller, Phyllis Keller (Công ty Alphabook) sẽ giới thiệu cho độc giả bức tranh trung thực và giàu thông tin về trường đại học hàng đầu, nổi bật nhất của Mỹ từ năm 1933 đến nay: 7 thập niên thay đổi kỳ diệu. 
Harvard - 7 thập niên thay đổi kỳ diệu
Những năm đầu thế kỷ 20, Harvard chỉ là ngôi trường cổ kính và giàu có nhất của nước Mỹ, nhưng không có nghĩa là xuất sắc nhất. Nhưng đến cuối thế kỷ, trường đã được công nhận rộng rãi là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của quốc gia và quốc tế. Với sự nhiệt tình, hài hước và thấu hiểu, 2 tác giả đã kể lại câu chuyện về sự chuyển mình vươn lên, từ những truyền thuyết về những người lãnh đạo, nhà quản lý  hấp dẫn, những thành tựu đáng chú ý, cùng với đó cả những sai lầm về học thuật cũng đáng chú ý không kém. 
Cuốn sách kể câu chuyện về 2 giai đoạn thay đổi thể chế lớn của Harvard. Giai đoạn đầu tiên diễn ra trong nhiệm kỳ viện trưởng của James Bryant Conant (1933-1953) và Nathan Marsh Pusey (1953-1971). Đây là thời kỳ Harvard chuyển đổi từ một ngôi trường dành cho giới tinh hoa - mang tính địa phương, tôn giáo, bị chi phối bởi giới thượng lưu Boston, phản đối người Do Thái, phụ nữ và các thay đổi về ngành học ở nhiều mức độ - thành ngôi trường coi trọng tài năng với đội ngũ giảng viên được lựa chọn chủ yếu dựa trên danh tiếng học thuật, các sinh viên được chọn chủ yếu dựa vào trí tuệ, cùng một nền văn hóa học đường lấy vị thế học thuật quốc gia và quốc tế làm thước đo duy nhất. 
Lần biến chuyển lớn thứ hai trong lịch sử hiện đại của Harvard diễn ra sau khi trường gặp nhiều bất ổn trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Từ đây xuất hiện một nền văn hóa theo thể chế mới, dần lấn át (nhưng rất khó thay thế) chế độ coi trọng tài năng tồn tại trong những năm giữa thế kỷ. Tác giả gọi Harvard hiện đại này là một trường đại học thời đại, với sự hiện diện ngày càng rộng của tính quốc tế, sự theo đuổi mang tính xã hội về đa dạng chủng tộc và giới tính, sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà khoa học vào những dự án thương mại. Sự quan tâm của giảng viên và sinh viên vào chính trị cùng các chính sách công, sự cồng kềnh ngày càng tăng của bộ máy quản lý, những cuộc gây quỹ liên miên, sự tự mãn ngày càng phình to. Tất cả hình thành nên Harvard, nơi cung cấp dịch vụ giáo dục cho thế giới.
Với lần xuất bản này, các tác giả đã bổ sung thêm chương về những bất đồng ý kiến xung quanh nhiệm kỳ viện trưởng và sự ra đi của Lawrence Summers (2001-2006). Cuốn sách cũng nêu lên khía cạnh lịch sử của những mối quan tâm lớn hiện nay ở Harvard: tác động của cuộc cách mạng khoa học đời sống, những thay đổi về chương trình giảng dạy ở trường Đại học và các truòng chuyên ngành, và việc xây dựng một cơ sở mới ở Allston.
Cuốn sách làm sáng tỏ hình ảnh một Harvard của những người sùng bái và những kẻ bài trừ bằng cách nhìn nhận ngôi trường đúng như bản chất của nó: ngôi trường cổ xưa, giàu có và có ảnh hưởng về trí tuệ nhất trong số các trường đại học của Mỹ, nhưng cũng vì các phẩm chất này mà trở thành đối tượng của những kỳ vọng và đòi hỏi lớn hơn bình thường. Ngay cả sự giàu có và truyền thống, trí tuệ và sức mạnh cũng không thể đảm bảo cho một tổ chức hay cơ thể thoát khỏi những căn bệnh như vậy.

Các tin khác