Hiệu quả giãn cách xã hội - nhìn từ Gò Vấp

(ĐTTCO) - Gò Vấp bị phong tỏa là câu chuyện thời sự nhiều ái ngại không chỉ riêng đối với người dân TPHCM.
Để cư dân quận Gò Vấp yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 một cách trọn vẹn, cần hỗ trợ người nghèo, người thất nghiệp với nguồn lương thực thực phẩm miễn phí, giá rẻ. Ảnh: Zing
Để cư dân quận Gò Vấp yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 một cách trọn vẹn, cần hỗ trợ người nghèo, người thất nghiệp với nguồn lương thực thực phẩm miễn phí, giá rẻ. Ảnh: Zing

Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc-  quận 12 phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong khi phần còn lại của TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, đã tạo ra không ít xáo trộn.

Nếu như phường Thạnh Lộc - quận 12 chỉ bao gồm một bộ phận cư dân tương đối nhỏ, thì địa bàn Gò Vấp lại khá rộng lớn với mật độ dân cư đông đúc. Vì vậy, Gò Vấp bị phong tỏa là câu chuyện thời sự nhiều ái ngại không chỉ riêng đối với người dân TPHCM.

Quận Gò Vấp có diện tích 20 km2, giáp với quận 12 và giáp với quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận và quận Tân Bình. Trong hai thập niên gần đây, quận Gò Vấp có tốc độ tăng dân số tự nhiên cao nhất TPHCM. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, rất nhiều doanh nghiệp và rất nhiều siêu thị đều chọn quận Gò Vấp để phát triển kinh doanh. Người Gò Vấp làm việc ở các quận khác, và người các quận khác đến làm việc tại Gò Vấp là một lực lượng không nhỏ.

Gò Vấp bị phong tỏa là câu chuyện thời sự nhiều ái ngại không chỉ riêng đối với người dân TPHCM.

Từ những ca lay nhiễm Covid-19 đầu tiên của các tín đồ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ trên địa bàn, gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 chóng mặt, quận Gò Vấp cần phong tỏa là một quyết định đúng đắn. Thế nhưng, với đặc trưng của một đơn vị hành chính đang mua bán sầm uất và tập trung đông đúc người lao động, phong tỏa Gò Vấp buộc phải quan tâm đến hai yếu tố. Thứ nhất là việc lưu thông của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Thứ hai là bảo đảm an sinh cho dân cư trong khu vực.

Phương pháp lập 10 chốt kiểm soát bao quanh quận Gò Vấp suốt mấy ngày qua liên tục phát sinh rắc rối.

Bởi lẽ, mục tiêu lập chốt kiểm soát là để dịch bệnh không lây nhiễm, song tạo sự ùn ứ ngay cửa ngõ ra vào quận Gò Vấp thì chưa chắc đạt được hiệu quả ngăn ngừa như mong muốn. Vào khung giờ cao điểm, nhiều chốt kiểm soát đã phải tạm ngưng để giảm thiểu sự chen lấn. Người và xe đi ngang qua dĩ nhiên ít tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm hơn người xe dồn tụ lại một chỗ. 
Hiệu quả giãn cách xã hội - nhìn từ Gò Vấp ảnh 1 Các hộ dân tại nhiều phường ở Gò Vấp được giám sát tại nhà những ngày qua để phục vụ công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.  Các hoạt động đều chịu sự kiểm soát của lực lượng công an, dân quân tự vệ. Ảnh: Zing
Rõ ràng, phong tỏa quận Gò Vấp không đơn giản như phong tỏa một huyện ở nông thôn. Người dân nào cũng ủng hộ công tác chống dịch, nhưng miếng cơm manh áo vẫn khiến họ không thể ngồi yên trong nhà.

Sau hơn một năm bị ảnh hưởng Covid-19, tài chính của cư dân đô thị đã bị ảnh hưởng đáng kể. Doanh nghiệp cũng khó khăn mà người lao động cũng khó khăn. Những công ty có hệ thống chiếu phim từng hốt bạc nhiều năm ở TPHCM thì Galaxy, BHD, CGV, Lotte Cinema còn gửi văn bản lên Thủ tướng để xin hỗ trợ về thuế, lãi vay và gia hạn nộp bảo hiểm, thì cũng đủ hiểu những người dân tay làm hàm nhai đang túng bấn ra sao.

Việc thay đổi hệ thống chốt kiểm soát là một khâu quan trọng cho quá trình phong tỏa Gò Vấp để dập dịch. Ưu tiên cho viên chức làm việc tại nhà, dù là người Gò Vấp làm việc tại quận khác, hoặc người quận khác làm việc tại Gò Vấp. Còn một khâu quan trọng nữa, là hỗ trợ cho người lao động ở Gò Vấp.

Giải pháp có thể làm ngay là lãnh đạo TPHCM vận động các tập đoàn lương thực - thực phẩm cung cấp miễn phí hoặc bán giá rẻ cho hộ nghèo và người thất nghiệp, vừa mang tính giúp đỡ vật chất vừa mang tính khích lệ tinh thần để cư dân quận Gò Vấp yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 một cách trọn vẹn.

Các tin khác