Hỗ trợ vốn để sinh viên theo học các chương trình quốc tế

(ĐTTCO) - Trở về từ chuyến công tác tại Singapore và Indonesia cùng đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, cho biết một trong những kinh nghiệm quan trọng của các nước trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế chính là huy động nguồn lực từ xã hội. 

Nhân lực - điểm tựa của sự tăng trưởng

PHÓNG VIÊN: Theo ông, khái niệm “nhân lực trình độ quốc tế” hiện nay được đánh giá dựa trên những yếu tố nào?

 PGS-TS VŨ HẢI QUÂN: Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) Đông Nam Á tổ chức năm 2018 ở Brunei, vấn đề đào tạo nhân lực trình độ chuẩn quốc tế để đáp ứng sự hội nhập đã được thảo luận. Theo đó, chương trình đào tạo ở bậc đại học cần tích hợp 5 phẩm chất hay còn gọi là 5 giá trị cốt lõi, gồm: có kiến thức toàn diện, liên ngành thay vì chỉ đào tạo đơn ngành; có kiến thức về hội nhập quốc tế, bao gồm các giá trị đa văn hóa và ngoại ngữ; có trải nghiệm thực tế, nhất là gắn kết với doanh nghiệp (DN); có khả năng tự học, học tập suốt đời; có tinh thần khởi nghiệp.

- Từ thực tế làm việc, nghiên cứu, ông đánh giá chung về nhu cầu và thực tiễn đào tạo ở TPHCM hiện nay về nhân lực trình độ quốc tế như thế nào?

- TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, nơi tập trung rất nhiều DN đầu tư nước ngoài. Nhân lực chính là điểm tựa và khoa học công nghệ là đòn bẩy cho sự tăng trưởng nhanh bền vững. Càng có nhiều nhân lực giỏi, nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học mới thì sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới đến với TPHCM. Việc đào tạo nhân lực, thực hiện nghiên cứu khoa học là trách nhiệm và cũng là sứ mệnh của các trường ĐH.

Hỗ trợ vốn để sinh viên theo học các chương trình quốc tế ảnh 1PGS-TS Vũ Hải Quân lắng nghe nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuyết trình về xây dựng một phần mềm mới. Ảnh: MAI HOA

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại với quy mô đào tạo khá lớn, các trường ĐH gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế. Cụ thể như sĩ số lớp đông; giảng viên, cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm còn thiếu nên việc áp dụng các phương pháp sư phạm mới hay đào tạo tiếng Anh rất khó triển khai.

- Ông nhấn mạnh vai trò của các trường ĐH trong việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế. Phải chăng việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế phải chờ đến khi lên ĐH, hay nên bắt đầu từ những cấp học nhỏ hơn? 

- Tôi cho rằng, ĐH là bậc đào tạo sau cùng, là cầu nối trực tiếp giữa người học với DN. Vì lẽ đó, giáo dục ĐH đóng vai trò then chốt trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu cao nhất của DN. Tuy vậy, nền tảng vẫn là ở bậc phổ thông. Đơn cử như việc học ngoại ngữ. Trong buổi tiếp Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 26-8 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chia sẻ về kinh nghiệm dạy ngoại ngữ. Theo ông thì việc bắt đầu học ngoại ngữ sớm, từ bậc mầm non, không chỉ phát huy khả năng tiếp cận ngôn ngữ mới của các cháu mà còn giúp các cháu phát âm chuẩn hơn.

Huy động nguồn lực từ xã hội

- Trong chuyến làm việc tại Singapore vừa qua, theo ông, đâu là kinh nghiệm lớn nhất của họ mà TPHCM có thể học tập?

- Tại ĐHQG Singapore, để trang bị kiến thức hội nhập quốc tế, về trải nghiệm thực tiễn và khởi nghiệp, họ đã mở nhiều trung tâm khởi nghiệp (startup hub) ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và tới đây là TPHCM. Với mô hình này, sinh viên được đưa qua các hub để thực tập, thực hiện các dự án khởi nghiệp. Việc tham gia các chương trình này giúp sinh viên tích lũy được kinh nghiệm về hội nhập quốc tế, về khởi nghiệp và đặc biệt là sự trải nghiệm thực tiễn ở các môi trường và nền văn hóa khác nhau.

Sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp sẽ được những chuyên gia tại đây huấn luyện. Họ cấp khoảng 100.000 đô la Singapore cho một dự án, đặt kỳ vọng một năm có khoảng 60-70 nhóm khởi nghiệp làm việc ở đó. Triết lý của họ là càng nhiều thì càng hy vọng thành công. Mặc dù là biến thể rất khó, nhưng nếu không bắt đầu làm thì không bao giờ có được. Nói như Karl Marx là “lượng đổi thành chất”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý việc TPHCM chọn lọc một số lĩnh vực để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, bao gồm: công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và người máy, robot; y tế, quản trị DN, tài chính ngân hàng và du lịch.

- Như vậy, để một dự án khởi nghiệp thành công, có những nhân lực trình độ quốc tế thì cần tiềm lực kinh tế, đầu tư rất lớn. Trong điều kiện kinh tế của TPHCM như hiện nay, có thể triển khai được hay không?

- Ở đây tiền phần lớn là của DN, từ các quỹ đầu tư. Vấn đề của chúng ta là làm sao tạo được niềm tin cho DN và nhà đầu tư. Muốn vậy, phải gây dựng niềm tin chính từ thương hiệu, chất lượng đào tạo, đầu ra như thế nào, có đảm bảo được chất lượng hay không?

- Hiện nay, để theo học các chương trình tài năng, chương trình chuẩn quốc tế, người học phải chi trả một mức phí rất lớn mà không phải ai cũng đủ điều kiện. Có cách nào để giúp họ, thưa ông?

- Đúng là các chương trình hiện nay đòi hỏi chi phí lớn. Giải pháp của ĐHQG TPHCM là trong tháng tới sẽ tổ chức hội thảo, kêu gọi các DN có chính sách cho sinh viên vay tiền dưới dạng học bổng và sinh viên cam kết làm việc cho DN trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho sinh viên không có điều kiện theo học các chương trình này có cơ hội được học. Khi tư nhân đã xuất tiền túi để đầu tư thì họ sẽ rất chọn lọc và quan tâm sát sao với từng khoản cho vay, từ đó sinh viên cũng phải rất nỗ lực để thực hiện cam kết với họ.

Trước tiên, chúng tôi làm trong nhóm ngành công nghệ thông tin. Khi gặp một số DN lớn trong lĩnh vực này, họ rất ủng hộ. Tôi hy vọng đây sẽ là bước đột phá đầu tiên, giúp sinh viên có đủ năng lực, nguyện vọng, không phân biệt giàu nghèo sẽ được học các chương trình chuẩn quốc tế, chất lượng cao. Nếu thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ở các nhóm ngành khác.

Các tin khác