Khẩn trương ứng phó bão số 6

(ĐTTCO) - Nhận định bão số 6 (Nakri) rất phức tạp và nguy hiểm, ngày 8-11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố dự báo nằm trong tâm bão đổ bộ để triển khai công tác ứng phó sớm.
Cơn bão mạnh, có tính chất phức tạp
Tại cuộc họp này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, ngày 8-11, bão số 6 đã đổi hướng Tây, di chuyển về phía đất liền Việt Nam. Bão có khả năng mạnh lên cấp 12, giật cấp 15 khi đi qua phía Bắc quần đảo Trường Sa.
Phần lớn các đài và trung tâm dự báo bão đưa ra nhận định, bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa vào đêm 10-11 với cấp độ giảm còn cấp 9-10, đúng thời điểm triều ở mức cao, nước biển dự báo sẽ dâng 2-3m. Theo ông Khiêm, cơn bão này có phạm vi ảnh hưởng rộng tới 7 tỉnh, sóng ngoài khơi cao 8m, có phổ rộng, hoàn lưu đối xứng ở cả phía Bắc và phía Nam của tâm bão (khác hẳn những cơn bão vừa qua) nên không được chủ quan. Hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa mở rộng cả Trung bộ và Tây Nguyên.
Khẩn trương ứng phó bão số 6 ảnh 1
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện các trung tâm hàng hải thuộc Bộ GTVT quản lý đã triển khai thông báo, hướng dẫn tàu hàng. Theo kết quả rà soát tại 6 cảng biển từ Đà Nẵng tới Bình Thuận, đang có 371 tàu hàng neo đậu, xuất nhập hàng.
Tỉnh Phú Yên cho biết đã huy động hơn 6.000 người tham gia túc trực ứng phó với bão số 6. Còn tỉnh Bình Định (nơi vừa bị thiệt hại nặng bởi bão số 5, hiện vẫn còn chưa khắc phục xong) thông tin, trong số hơn 70 tàu vào cảng, hiện một số đã di dời, đến ngày 8-11, chỉ còn 56 tàu, nhưng rút kinh nghiệm bão số 5 làm tàu hàng và tàu cá bị sự cố, lần này kiên quyết di chuyển các tàu hàng ra khỏi cảng Quy Nhơn để tránh bão (chỉ để lại một số tàu). Chia sẻ tại cuộc họp, đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết, đến sáng 8-11 đã có hơn 112.000 tàu trên đường di chuyển tránh trú bão, lực lượng biên phòng đã túc trực 4.679 người với 209 phương tiện, sẵn sàng chống bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây là cơn bão mạnh có tính chất phức tạp, đề nghị các bộ ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc sơ tán dân trên các lồng bè, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ vào tình hình thực tế các địa phương thông báo lệnh cấm biển và tổ chức cho học sinh nghỉ học.
Về vấn đề an toàn cho sản xuất và hạ du, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình hồ đập, các công trình đê trọng yếu. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) chỉ đạo việc hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương phục vụ công tác ứng phó với thiên tai.
Trước mắt đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ 2 tàu cho tỉnh Bình Định để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bảo đảm an toàn hồ đập, thủy lợi, thủy điện, phải đảm bảo cho phát triển kinh tế, giữ được nguồn nước cho các nhà máy. Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chú ý công tác dự báo để chỉ đạo, quản lý, phối hợp với các bộ, ngành cử 2 đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống, chủ động ứng phó không để bị động, bất ngờ khi bão đổ bộ.
Lên phương án ứng phó 
Ngày 8-11, người dân xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) nỗ lực huy động bao cát, rọ đá để chèn chống, khôi phục tạm thời trên 100m kè biển bị sóng biển đánh sập trong bão số 5. Trước cơn bão số 6, hàng trăm hộ dân tại thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải) đang ở trong khu vực nguy hiểm, nằm trong diện phải di dời. Tại xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), hàng trăm người dân đang được huy động để gánh những chiếc thuyền thúng dọc bờ biển lên cao để tránh bão. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, bão số 5 gây thiệt hại lên đến 568 tỷ đồng. Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương 2.000 tấn gạo cứu trợ, 100 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch…
Khẩn trương ứng phó bão số 6 ảnh 2 Người dân Bình Định khiêng thuyền thúng lên bờ chạy bão. Ảnh: NGỌC OAI
Trong điều kiện bão lũ liên tiếp, nhiều địa phương tại huyện Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn xảy ra “ổ” dịch sốt xuất huyết (SXH) với 1.600 ca. Trước mắt, Bình Định kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50 cơ số thuốc và 200.000 viên CloraminB để khử trùng nguồn nước sinh hoạt, 200.000 viên khử khuẩn Aquatabs và các vật tư y tế để giúp nhân dân phòng chống dịch bệnh; 500.000 liều vaccine và 50 tấn thuốc thú y để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, để ứng phó với bão số 6, trong ngày 8-11, địa phương đã tổ chức họp khẩn và đã lên phương án di dời 1.000 hộ dân khu vực ven biển đến nơi an toàn. Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trực tiếp dẫn đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão tại các địa phương xung yếu. Bắt đầu từ ngày 9-11, tỉnh Bình Định sẽ ban bố lệnh cấm biển để bảo vệ tính mạng, tài sản cho các ngư dân. Cùng ngày, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản chỉ đạo các trường và địa phương cho tất cả học sinh, học viên nghỉ học trong ngày 11-11. 
Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện tổng dung tích chứa nước tại các hồ chứa toàn tỉnh Bình Định là 49%, có 129 hồ chứa nhỏ đã vượt công suất, nước lút qua tràn. Các hồ lớn có khả năng gây ngập lụt cho vùng hạ du, như: hồ Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh… hiện đang xả qua tràn, vẫn đảm bảo an toàn cho mưa bão sắp tới. Tại hồ Suối Mây (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) bị sạt lở đất, hư hỏng khá nặng hiện đơn vị đã chỉ đạo không cho tích nước, chờ hết mưa bão sẽ khắc phục ngay”.
Tại Phú Yên, địa phương đang có gần 10.000 người dân làm việc trên 91.000 lồng bè và hàng ngàn đìa cá, tôm ở ven biển, đầm vịnh… Hiện các lực lượng chức năng đang triển khai nắm bắt các số điện thoại của người dân, lao động để chủ động thông báo, hướng dẫn họ tránh bão. Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng chức năng sẽ điều tàu quân sự để thực hiện cưỡng chế sơ tán dân, kéo các lồng bè vào bờ.
 Ban lệnh cấm biển và cho học sinh nghỉ học
Ngày 8-11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 10-11; ngưng hoạt động cáp treo Vinpearl kể từ 18 giờ ngày 10-11. Các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển bắt buộc phải vào bờ trước 15 giờ ngày 10-11 cho đến khi hết bão. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã có công điện gửi toàn ngành, cho phép học sinh nghỉ học 2 ngày 10 và 11-11. Học sinh sẽ được bố trí học bù sau khi bão tan. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo “khẩn” ngành xây dựng và các đơn vị chuyên trách tiến hành kiểm tra tết cả các hệ thống cần cẩu đang hoạt động tại các công trình trên địa bàn tỉnh.


Các tin khác