Ký túc xá tư nhân hút sinh viên

(ĐTTCO) - Chỗ ở sinh viên là câu chuyện cũ mèm, thế nhưng mỗi năm học mới đều phải nhắc lại. Chọn ký túc xá hay nhà trọ, ở trọ thì chọn chỗ nào vừa rẻ, vừa thuận tiện đi lại; có nên chọn bạn để ở cùng... Năm nay, sinh viên đã có thêm nhiều sự lựa chọn.
Muôn kiểu nhà trọ
Với lợi thế tự do giờ giấc đi lại, được phép nấu ăn trong phòng trọ, thuận tiện cho những bạn có nhu cầu đi làm thêm, học thêm vào buổi tối, nên nhà trọ quanh khu vực các trường đại học luôn thu hút sinh viên.
Tùy vào chất lượng phòng và vị trí nhà trọ, tiền phòng sẽ có giá từ 700.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/tháng. Tiền điện 3.000 - 4.000 đồng/kWh; tiền nước tính theo đầu người 50.000 - 100.000 đồng/tháng; tiền internet 100.000 đồng/tháng. Một số nhà trọ còn phụ thu tiền gửi xe, khoảng 150.000 đồng/tháng.
Thậm chí tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức), ký túc xá mới xây dựng khang trang với hàng ngàn chỗ ở tiện nghi nhưng chưa khai thác hết vì sinh viên chuộng nhà trọ bên ngoài hơn. Trong khi đó, các dãy nhà trọ quanh khu vực này thì phòng đã xuống cấp, ẩm thấp, giá tiền phòng ở ghép 2 - 3 người, chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng/người.
Ký túc xá tư nhân hút sinh viên ảnh 1 Các phòng ký túc xá tư nhân được thiết kế thoáng mát, hiện đại để thu hút sinh viên.
Là tân sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, Huỳnh Cẩm Tiên (19 tuổi, quê Tiền Giang) khăn gói lên thành phố sớm hơn lịch nhập học 1 tuần, để tìm chỗ ở. Thích thoải mái về giờ giấc, tự do nấu ăn nên Tiên từ chối việc đăng ký ở ký túc xá và tìm đến các phòng trọ giá rẻ dành cho sinh viên. Tuy nhiên, câu chuyện tìm phòng trọ khiến bạn trẻ này vỡ lẽ nhiều điều.
Tiên kể: “Bà chủ dắt xem phòng rất nhiệt tình, nếu đồng ý thì làm giấy đặt cọc giữ phòng, ngày hôm sau có thể dọn tới ở liền vì có sẵn phòng trống. Nhưng khi hỏi đến tiền cọc, tôi mới giật mình, từ 1 - 1,8 triệu đồng. Tôi ngập ngừng sợ mất phòng đẹp, nhưng trong túi thì không đủ tiền. Khoảng 2 ngày sau, tôi lướt mạng đọc tin online thì thấy đúng ngay địa chỉ phòng trọ tôi đến hôm trước bị nhiều người tố lừa đảo, giăng bẫy để chiếm tiền cọc người thuê nhà. Vì thiếu tiền cọc nên tôi may mắn không sập bẫy”.
Chọn ở trọ trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Lê Văn Sung (sinh viên năm 2) chia sẻ kinh nghiệm: “Ký túc xá thì giá rẻ hơn, chừng 400.000 - 600.000 đồng/tháng, nhưng giờ giấc đóng cửa theo quy định, không được nấu ăn, phòng ở chung phải 4 người trở lên. Tôi ở ký túc xá không đầy một năm thì dọn ra ngoài trọ. Quan trọng lúc tìm nhà phải hỏi kỹ chủ nhà, chứ nhiều chỗ ở vài tháng lại tăng tiền nhà, rồi đồng hồ điện cũng phải riêng, chứ xài chung với chủ, tới tháng tính tiền hay nhập nhằng”.
Lựa chọn ký túc xá
Bên cạnh ký túc xá của các trường đại học, không ít sinh viên hiện nay tìm đến ký túc xá tư nhân để thoải mái hơn về giờ giấc sinh hoạt. Với từ khóa “ký túc xá cao cấp” trên mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm Google, có hàng loạt địa chỉ ký túc xá với những vị trí đẹp, gần các trường đại học, gần trung tâm thành phố… được giới thiệu.
Phần lớn các ký túc xá này đều mới xây, nội thất hiện đại, có khu vực bếp để nấu ăn, khu vực sinh hoạt chung như phòng khách, phòng gym… Tự do về giờ giấc đi lại, người ở có chìa khóa riêng hoặc mở cửa bằng dấu vân tay. Đặc biệt, vị trí các ký túc xá này nằm ở khu vực trung tâm hoặc đường lớn thuận tiện cho việc đi lại, hướng đến đối tượng khách hàng là sinh viên, người trẻ đi làm xa nhà…
Với đầy đủ lựa chọn, phòng riêng 1 - 2 người/phòng, có giá 2 - 4 triệu đồng/người/phòng; phòng chung (hay còn gọi là dorm) được chia theo phòng nam và nữ tách riêng, mỗi phòng 4 - 6 người/phòng, có giá từ 700.000 đến khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng, đã bao gồm tiền điện, nước, internet và gửi xe. 
“Ký túc xá bên ngoài cũng như ở trường, mỗi phòng 4 - 6 người, nhưng phòng ốc khá đẹp, mỗi người có tủ quần áo riêng và được nấu ăn, giặt ủi thoải mái. Tuy nhiên, mình cũng sẽ không biết và không được chọn người ở cùng, vì phòng nào còn trống thì chủ sẽ sắp xếp mình ở đó. Đôi khi đó cũng là cái hay, vì quen thêm nhiều bạn bè mới”, Phước Vương (sinh viên năm 2) cho hay.
Chọn ký túc xá trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), Nguyễn Tú Anh (sinh viên năm 3) kể: “Hồi năm 1, tôi ở ký túc xá của trường, nhưng giờ giấc sinh hoạt theo quy định nên tôi không thể đi làm thêm buổi tối. Đến cuối năm 1, tôi nhận dạy kèm nhiều, nên dọn ra ngoài ở cho tiện.
Ở trọ được khoảng 3 tháng, khu vực nhà trọ của tôi nhiều người bị mất cắp, đề nghị lắp thêm camera thì chủ nhà trọ đòi tăng tiền nhà, tôi được người quen giới thiệu nên chuyển sang ở ký túc xá tư nhân. Chỗ tôi ở hiện tại có camera, có bảo vệ trực và hầm giữ xe an toàn nên cũng yên tâm, phòng ốc luôn có người dọn dẹp 2 lần/tuần rất thoải mái”.
Rõ ràng, hiện nay có rất nhiều phương án chọn chỗ ở an toàn mà không quá tốn tiền. Đó cũng là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh cũng như sinh viên nhân dịp đầu năm học mới 2019.

Các tin khác