Kỳ vọng vào thế hệ trẻ TFS

(ĐTTCO) - Sau 30 năm thành lập, hàng ngàn đầu phim đã được TFS (Hãng phim Truyền hình TPHCM) thực hiện, trong đó có những tác phẩm đã in sâu vào ký ức của khán giả nhiều thế hệ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, về hành trình 30 năm của hãng phim này.  

 PHÓNG VIÊN: Nhìn lại hành trình 30 năm đã qua, nếu để nói ngắn gọn về dấu ấn của TFS, theo ông đó là gì?

NSƯT LÝ QUANG TRUNG: Trong điều kiện nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, điều chúng tôi tự hào nhất chính là hãng phim luôn duy trì được tiêu chí từ ngày đầu thành lập. Đó là những sản phẩm chất lượng, uy tín, môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo. Phim truyền hình TFS những năm gần đây tuy sụt giảm về số lượng nhưng vẫn thể hiện được tinh thần và nét riêng, đề cao chất lượng nghệ thuật, hình thức thể hiện chứ không đơn thuần chạy theo thương mại. Đội ngũ làm phim vẫn giữ được ngọn lửa đam mê. Đây chính là nhân tố quyết định chất lượng sản phẩm làm ra.  

Kỳ vọng vào thế hệ trẻ TFS ảnh 1NSƯT Lý Quang Trung

Sau 30 năm, theo ông, hãng phim đang chuyển mình như thế nào? 

Chúng tôi xác định đây là thời điểm chuyển giao thế hệ, bởi các nhà làm phim gạo cội đi cùng TFS từ những ngày đầu hiện đa phần không còn làm nghề. Những thay đổi hiện tại đang hướng đến xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ các nhà làm phim trẻ để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi hy vọng, cùng với đam mê, nhiệt huyết, họ sẽ đủ năng lực để tiếp nối truyền thống của TFS, có thêm nhiều sáng tạo mới và không bị ảnh hưởng bởi hào quang của quá khứ.  

Sự phát triển về khoa học công nghệ là cơ hội, nhưng đồng thời là thách thức buộc TFS phải chuyển mình để đáp ứng nhu cầu người xem. Nhận thấy thói quen mới của khán giả, chúng tôi đang thử nghiệm phát triển thể loại phim truyền hình thời lượng ngắn 25 phút, trong đó đang phát sóng phim Mẹ trùm (19 giờ 33 trên kênh HTV7). TFS cũng đặc biệt chú trọng vào nội dung với những đề tài gắn với cuộc sống nhiều hơn, hướng tới nhân văn, hướng thiện chứ không chạy theo chủ đề câu khách. 

Ngoài ra, đề tài cho thiếu nhi đã được ấp ủ từ năm 2015 nhưng chưa có điều kiện thực hiện, trong tương lai chúng tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được. Sắp tới, thực hiện các sản phẩm không chỉ có nhân lực của hãng mà còn hợp tác, thu hút thêm nhân lực từ các đơn vị xã hội hóa, tư nhân. Công tác quảng bá, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội, cũng sẽ được chú trọng hơn nhằm thăm dò thị hiếu và phản ứng khán giả. 

TFS không còn ở vị trí tiên phong trong sản xuất phim truyền hình, nếu không muốn nói là đi chậm lại. Là thế hệ tiếp nối, ông có thấy tiếc nuối?

Hiện nay, việc sản xuất ở lĩnh vực truyền hình đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt để duy trì, phát triển. Sự chững lại của TFS có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trước đây, chúng tôi được tạo điều kiện có khung giờ phát sóng riêng, tạo được thói quen cho khán giả và dần hình thành thương hiệu phim TFS. Nhưng từ năm 2012, đặc biệt sau năm 2015, đã mất hẳn và chỉ còn khung giờ chung của đài, có sự tham gia của nhiều đơn vị.  

Số lượng phim giảm đồng nghĩa nguồn nhân lực gắn bó với hãng cũng dần rời đi khi họ có nhiều cơ hội làm việc với các đơn vị tư nhân, được trả thù lao cao hơn trong khi mình không có cơ chế đãi ngộ để giữ chân họ. Bên cạnh đó, sau nhiều năm kinh phí sản xuất phim truyền hình không tăng, việc sản xuất phải gói ghém, tính toán rất kỹ. Mỗi năm ngoài việc được đài giao sản xuất toàn bộ mảng phim tài liệu, chúng tôi chỉ sản xuất 2 phim truyền hình. 

Đội ngũ TFS hôm nay đang tiếp nối những giá trị đã thành thương hiệu, phát huy tốt hơn và có những điều chỉnh để tìm những điều mới mẻ, chạm đến khán giả. Chúng tôi cũng mong sẽ có khung giờ riêng cho phim truyền hình mang bản sắc riêng của TFS vào những giờ được khán giả khu vực phía Nam xem nhiều nhất.  

Kỳ vọng vào thế hệ trẻ TFS ảnh 2Bộ phim Blouse trắng, từng là hiện tượng của phim truyền hình cả nước do TFS sản xuất 

Ông nói nhiều đến kỳ vọng vào thế hệ trẻ, vậy hãng phim đã có những hành động cụ thể nào để nuôi dưỡng tài năng cho họ?

Với TFS, không có chỗ cho những thử nghiệm mà phải đánh chắc, thắng chắc mới làm. Điều này cũng dẫn đến những hạn chế, như có đề tài hay nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên không dám làm. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã giao một số dự án truyền hình cho các đạo diễn trẻ như Nguyễn Hồng Chi, Trần Đức Long, Đỗ Khoa, Phạm Việt Phước…  

Với phim tài liệu, các bạn trẻ cũng được mở rộng khả năng sáng tạo qua những ý tưởng và cách thể hiện tươi mới hơn. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là tạo được sự hứng thú, đam mê và giữ lửa nghề cho các bạn. Những nhà làm phim của thế hệ chúng tôi cũng cố gắng tạo môi trường làm việc gần gũi, hỗ trợ tối đa nhằm tiếp thêm niềm tin cho họ.

Trong 30 năm qua, TFS đã sản xuất được 218 phim truyện truyền hình với 3.300 tập; 1.070 phim tài liệu với 2.280 tập, 275 ký sự với 1.500 tập, cùng 1.200 chương trình tạp chí văn nghệ. Các tác phẩm của hãng đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: Liên hoan Truyền hình quốc tế Tokyo, Liên hoan Thể thao quốc tế tại Italia… TFS hiện có 70 nhân sự đang làm việc.

Các tin khác