Lấp ngay “lỗ hổng” trách nhiệm

(ĐTTCO) - Những lỗ hổng cục bộ từ một số cá nhân, tổ chức sẽ là mối nguy hại khôn lường cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sự lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm có lẽ là mầm bệnh cần phải loại bỏ trong cuộc chiến lâu dài hiện nay. 
Ảnh minh họa: Hải Long
Ảnh minh họa: Hải Long
Ý thức - Trách nhiệm - Cảnh giác - Hành động phải được cộng hưởng đồng bộ, an toàn là dành cho tất cả mọi người, không phải của riêng ai.
Bất nhất thông tin là câu chuyện đầu tiên, thực tế đã xảy ra trong nội dung thông báo của một cơ quan hành chính cấp phường về việc các cá nhân, đơn vị từng đến địa điểm liên quan ca nhiễm Covid-19. Yêu cầu có ghi rõ phải nhanh chóng liên hệ trạm y tế tại địa phương, hoặc cơ sở y tế gần nhất để hướng dẫn khai báo y tế, hoặc thực hiện cách ly y tế theo quy định, không tiếp xúc với người khác và thực hiện biện pháp 5K. 
Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp cho trạm y tế thuộc khu vực có ca nhiễm lại được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, khi nào có triệu chứng thì khai báo, có thể đi làm bình thường, thậm chí bản thân người liên hệ còn không có thông tin họ là đối tượng nghi nhiễm, tiếp xúc với F0 (F1) hay là người tiếp xúc (F2, F3, F4, F5). Việc phân loại cách ly người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc cần rõ ràng, nhất quán từ văn bản đến thông tin tư vấn, đây là bất cập đầu tiên.
Tiếp đến, công tác giám sát, điều phối trong khi khai báo y tế trực tiếp và lấy mẫu xét nghiệm tại một số khu vực vẫn còn lúng túng. Cụ thể, khâu phân loại đối tượng tiếp xúc với ca nhiễm, cùng thời gian khai báo y tế hoặc lấy mẫu xét nghiệm, thì F2, F3, F4, thậm chí cả F0, F1 tiềm ẩn vẫn có thể xuất hiện cùng nhau. Liệu có sự đánh đồng giữa các đối tượng tiếp xúc trong câu chuyện trên? Công tác khai báo y tế trước để phân loại cụ thể từng đối tượng, hay sàng lọc từ thông tin cung cấp qua điện thoại, thay vì phải đến trực tiếp khai báo nên chăng là cần thiết?
Những cuộc nói chuyện nhỏ to ở khuôn viên lấy mẫu xét nghiệm như “tự nhiên tôi thành F2”, “tôi được nói là F3”, hay “tôi không biết là F nào”, có lẽ là những gì thực tế nhất. Thông điệp 5K chưa được thực thi triệt để trong những hoàn cảnh đó, vẫn xuất hiện sự nháo nhào, chen lấn để đọc tên và nhận tờ phiếu thông tin chờ xét nghiệm hoặc tờ khai y tế trực tiếp. Như vậy, vai trò của người giám sát, người điều phối đang ở đâu? 
Có thể thấy, các khu vực đang lần lượt tiến hành xét nghiệm tầm soát trên diện rộng nhằm phát hiện kịp thời các ca nhiễm, đồng thời đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn các mầm bệnh trong cộng đồng. Đây được xem là nỗ lực để hạn chế sự lây lan nhanh chóng của các biến chủng Covid-19. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những lỗ hổng ở công tác phân luồng mẫu và khung thời gian để thực hiện. 
Một số khu vực thông báo rất chung chung chưa ghi rõ khung thời gian và phân nhóm xét nghiệm, sau đó lại phải cập nhật bổ sung ngay sát giờ triển khai, dẫn đến sự bối rối của người dân. Nếu không có quy trình tổ chức chặt chẽ, những lổ hỗng mang tính cục bộ này sẽ gây ra sự hỗn loạn, chen lấn tại nơi xét nghiệm, càng làm trầm trọng hơn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Công tác tuyền truyền, vận động người dân cần được triển khai kịp thời, hiệu quả, và sâu sát. Từng khu phố, tổ dân phố, người dân phải thực hiện một cách đồng bộ và giám sát lẫn nhau. 
Đoạn tự sự từ một kênh thông tin trên mạng xã hội phần nào cho thấy hạn chế: “Vậy là đã hoàn tất đăng lịch xét nghiệm cho tất cả phường. Phải tự đi sưu tầm văn bản từ nhiều nguồn, vì nhiều văn bản chữ nhỏ quá sợ bà con đọc không được. Rất muốn truyền thông giúp các phường mà đi sưu tầm oải quá trời…”.
Trở lại câu chuyện về tiêm vaccine, chúng ta đang triển khai chương trình tiêm chủng quy mô lớn, hướng đến mục tiêu có đủ 150 triệu liều vaccine cho 75% dân số trong năm nay. Tuy nhiên, các vấn đề tồn đọng gần đây là bài học đắt giá liên quan đến quy trình thực hiện, mức độ an toàn tại nơi tiêm chủng, cũng như quản lý danh sách các đối tượng ưu tiên. 
Trường hợp điểm tiêm chủng tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM ngày 25-6 vừa qua là minh chứng. Xuất hiện cảnh tượng nối đuôi nhau và không đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 10 của UBND TP.
Có những nơi tiêm chủng đã trở thành địa điểm xuất hiện ca nhiễm, và hàng loạt người tham gia tiêm chủng trở thành người tiếp xúc. Như vậy, công tác sàng lọc hay xét nghiệm tầm soát trước khi tiêm chủng hết sức cần thiết. Hãy để từng mũi tiêm phát huy hết giá trị và đúng công năng, tránh gây lãng phí chỉ vì lỗi quy trình và sự nóng vội. Đặc biệt là những nơi đang có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như TPHCM, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương.
Các ca nhiễm có thể len lỏi đến bất kỳ nơi đâu, đe dọa đến những nỗ lực tiêm chủng của các quốc gia. Do đó, cần phải chuẩn hóa chặt chẽ quy trình tiêm chủng, phân luồng và đánh giá những nguy cơ lây lan tiềm ẩn trong cộng đồng. Cần đảm bảo những nơi như bênh viện, nơi xét nghiệm, điểm tiêm chủng phải thật sự an toàn trong cuộc chiến lâu dài với dịch bệnh.
Trên tinh thần đó, chúng ta hoàn toàn có niềm tin về sự chung tay đồng lòng của tất cả mọi người, với vai trò nòng cốt của Chính phủ, các lực lượng tuyến đầu, để cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh và duy trì mục tiêu kép. Đây là cuộc chiến lâu dài, cần có ý chí kiên cường và nguồn lực dài hạn.

Các tin khác