Lên đời trái vả

(ĐTTCO) - Đó là hành trình gian nan, cũng là câu chuyện dài của chàng trai Mai Quốc Bảo từ quê hương Thừa Thiên - Huế đi xa lập nghiệp tại đất TPHCM, rồi quay về quê biến trái vả - loại cây trái dân dã - thành trà vả, rượu vả và viên thực phẩm chức năng tiểu đường TĐ FIG từ vả. 
Bán nhà khởi nghiệp
Để có tiền theo học ngành Tài chính nhà nước (ĐH Kinh tế Sài Gòn), Mai Quốc Bảo đã phiêu bạt bằng đủ nghề từ xe ôm, bốc vác, phục vụ nhà hàng... Nhưng khi ra trường, Bảo không lựa chọn ngành nghề mình theo học để lập nghiệp, mà lại bắt tay kinh doanh quán ăn Huế tại TPHCM. Dù kinh doanh thành công, nhưng anh luôn trăn trở về một loại trái cây có vị chát, được người dân quê sử dụng trong bữa ăn thường ngày là trái vả.
Bảo tìm tòi nghiên cứu và biết được trái vả có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nên nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp với loại trái cây này. Đang kinh doanh quán ăn đắt khách, Bảo quyết định quay về Huế bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình. 
Lên đời trái vả ảnh 1
Trái vả có tên khoa học ficus auriculata, là một loài cây thuộc chi ficus, quả giống như sung nhưng lớn hơn và có lá to hơn. Đây là loài có nguồn gốc Hymalaya, miền Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, dễ trồng. Mùa vả kéo dài từ tháng 12 năm trước tới tháng 7 năm sau.
“Vả có vị ngọt, tính bình, có dược tính phòng và chữa bệnh táo bón, kiết lỵ, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ và ít năng lượng. Ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Mỹ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ... trái vả được chế biến thành nước giải khát hoặc làm mứt. Nhưng ở Việt Nam, trái vả chỉ mới được dùng chế biến các món ăn như trộn gỏi với thịt heo và rau thơm hoặc hầm giò heo, nhưng mức độ phổ biến còn rất hạn chế” - Mai Quốc Bảo chia sẻ.
Đam mê và mong muốn tạo ra một sản phẩm an toàn, Bảo đã quyết tâm đầu tư. Anh bán căn nhà của gia đình để đi tìm các nhà khoa học, hợp tác nghiên cứu tác dụng sức khỏe của trái vả. Sau 2 năm phối hợp với nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y Dược TPHCM do GS.TS Huỳnh Ngọc Trinh làm chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu “Khảo sát tác dụng hạ đường huyết và độc tính cấp của cao chiết cồn từ quả vả”, đã chứng minh cao chiết cồn từ trái vả có tác dụng hạ đường huyết và không nguy hại sức khỏe. 
“Từ kết quả nghiên cứu này, bên cạnh sản phẩm trà vả, tôi nghiên cứu ra những sản phẩm mới như viên tiểu đường TĐ FIG, rượu vang Bạch Mã làm từ trái vả... Các sản phẩm được Big C, Hoàng Gia tiếp nhận đưa lên kệ hàng trong chuỗi phân phối cả nước. Riêng TĐ FIG được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công nhận công bố sản phẩm vào ngày 2-4-2018” - Mai Quốc Bảo phấn khởi cho biết.

Đa dạng sản phẩm từ trái vả
Tại doanh nghiệp Lộc Mai do Mai Quốc Bảo làm Giám đốc, trái vả sau khi thu mua được kiểm tra chất lượng rồi đưa vào chế biến: thái sợi, xếp lên dàn phơi dưới nắng, đem sao vàng rồi đưa vào máy sấy khô. Trà vả đặc biệt hơn các loại trà khác, sau khi pha người dùng có thể ăn luôn xác trà. Do cách làm đơn giản, hương vị dễ uống và có nhiều công dụng Đông y, tốt cho sức khỏe nên nhiều gia đình tại Huế thường tự làm trà vả để sử dụng.
Bên cạnh trà vả, Lộc Mai còn sản xuất thêm trà vả gừng, trà vả cam thảo dưới dạng túi lọc nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Trà vả được tiêu thụ chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, TPHCM… và theo chân nhiều Việt kiều ra nước ngoài. Sắp tới, Mai Quốc Bảo sẽ đầu tư thêm các thiết bị máy móc để cho ra đời nhiều loại sản phẩm từ trái vả như: viên nang, cao vả... Đầu tư xây dựng thêm vùng nguyên liệu quy mô khoảng 3ha, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường ra thế giới.
Mấy năm gần đây, khi các sản phẩm của Lộc Mai được thị trường ưa chuộng, trái vả đã có giá 10.000 đồng/kg, giúp nhiều người dân khấm khá nhờ cải tạo vườn tạp trồng vả. Đặc biệt mới đây, dự án Trường Sơn Xanh (Mỹ) phối hợp với Công ty TNHH SX TMDV Lộc Mai đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã”.
Dự án có mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả, hướng đến mục tiêu tổng thể tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học cho 235 hộ dân sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã, với kinh phí hỗ trợ khoảng 2,2 tỷ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí để người dân trồng bảo tồn, phục tráng số lượng cây vả hiện có trong vườn hộ gia đình... 
Không chỉ lên danh cho trái vả quê mình bằng việc xây dựng một sản phẩm mang thương hiệu mảnh đất cố đô, Mai Quốc Bảo còn đam mê công việc tổ chức các hoạt động gây quỹ giúp các em học sinh nghèo ở Thừa Thiên-Huế, hay đồng hành với các quán cơm từ thiện phát cơm cho những người nghèo… 
“Làm được điều gì đó cho các em nhỏ hay những người có hoàn cảnh kém may mắn, bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng là một trong những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nên tôi rất hiểu. Tôi và công ty sẽ cố gắng có thêm những hoạt động gây quỹ để góp phần động viên những mảnh đời kém may mắn” - Quốc Bảo tâm sự.

Các tin khác