Linh hoạt trưng dụng bệnh viện dã chiến

(ĐTTCO) - Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành. Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt để duy trì cuộc sống bình thường mới, nhiều giải pháp mềm dẻo và hiệu quả hơn đã được triển khai, trong đó trưng dụng bệnh viện dã chiến. Xung quanh chuyện này cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, TP đang điều trị và cách ly theo dõi tại nhà khoảng 60.000 ca F0. Vì vậy, Sở Y tế TPHCM đề xuất sớm mở lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến sẵn sàng thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho rằng: “Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần vì TP đang thu hẹp các cơ sở này. Do đó, Sở Y tế kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0”.
TPHCM từng có hệ thống bệnh viện dã chiến dày đặc khắp các quận, huyện.  Đến bây giờ, một số bệnh viện dã chiến mượn tạm ký túc xá và trường học đã được hoàn trả cho các đơn vị giáo dục phục hồi công tác dạy và học, chỉ giữ lại vài bệnh viện dã chiến hoạt động theo tháp điều trị 3 tầng. 
Trong thời gian qua, các bệnh viện dã chiến thực hiện công tác thu dung điều trị Covid-19 đóng vai trò không thể thiếu trong công tác phòng, chống dịch, góp phần giảm tải cho các bệnh viện điều trị Covid-19. Do đó việc duy trì các bệnh viện dã chiến vừa là nhu cầu tất yếu, vừa là một trong những chiến lược lâu dài trong tình hình mới.
Tuy nhiên, hiện các bệnh viện dã chiến TP được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, các ký túc xá nên không thể sử dụng lâu dài. Để thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với Covid-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM đưa ra lộ trình tái cấu trúc bệnh viện dã chiến trên địa bàn một cách chi tiết.
 Theo đó các bệnh viện dã chiến sẽ lần lượt ngừng hoạt động từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12. Riêng bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 12, do được đầu tư hệ thống nguồn ôxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động.
Bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm TP như Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện An Bình. Các bệnh viện dã chiến sẽ ngừng hoạt động theo lộ trình để bàn giao cơ sở hạ tầng cho cơ quan chủ quản nhằm phục hồi lại chức năng ban đầu khi TP nới lỏng các biện pháp giãn cách và từng bước phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một số quận, huyện đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến quy mô nhỏ, giúp thu dung điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến. Nay các bệnh viện quận, huyện cần chuyển đổi trở lại công năng ban đầu để thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.
Khi giải thể các bệnh viện dã chiến do Sở Y tế TP quản lý, rất cần các bệnh viện dã chiến quy mô nhỏ của quận huyện đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới, không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Hiện nay, vẫn có 15 bệnh viện dã chiến quy mô nhỏ ở các quận, huyện duy trì hoạt động với quy mô gần 7.000 giường.
Trong thời gian tới, các quận, huyện còn lại sẽ sớm thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện, trong đó có 30-50 giường ôxy, do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện TP trên cùng địa bàn đảm trách. Đối với bệnh viện dã chiến quận huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp.
Riêng các trung tâm hồi sức Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế đã chi viện cho TPHCM trong cao điểm chống dịch, sẽ được triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" tại các “bệnh viện chia đôi”.
Cụ thể, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để lại, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai để lại, và Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế để lại. Bên cạnh đó một số trung tâm hồi sức sẽ sáp nhập với Bệnh viện dã chiến số 16, 13, 14 trở thành các Bệnh viện dã chiến 3 tầng.
Sở Y tế TPHCM giữ vai trò điều động luân phiên nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa TP, quận, huyện đến các Bệnh viện dã chiến 3 tầng. Các bệnh viện đảm trách trung tâm hồi sức sẽ chịu trách nhiệm đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho các y bác sĩ trong thời gian luân phiên công tác tại đơn vị.
Bệnh viện dã chiến là công cụ cần thiết cho cao điểm chống dịch. Thế nhưng, tùy vào điều kiện xã hội mỗi thời điểm, mà có sự sắp xếp tiện ích. Mỗi lần thiết lập và dỡ bỏ bệnh viện dã chiến đều tiêu hao một nguồn lực tài chính khá lớn. Do đó, tái trưng dụng trường học để làm bệnh viện dã chiến không còn là động thái khôn khéo và tiết kiệm. TPHCM vốn có sẵn không ít cơ sở y tế ngoài công lập.
Nếu huy động bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 sẽ phát huy được phương tiện và nhân sự chuyên nghiệp. Mặt khác, mô hình bệnh viện chia đôi, một nửa dành cho bệnh nhân Covid-19 và một nửa dành cho các bệnh nhân khác, vẫn có giá trị vận hành rất tốt.
Không chỉ tại TPHCM, một số tỉnh khác cũng đang sốt ruột triển khai bệnh viện dã chiến. Tỉnh Bình Phước lên kế hoạch lập thêm 3 bệnh viện dã chiến. Trong khi đó tỉnh Bình Dương đã qua cao điểm Covid-19, nhiều bệnh viện dã chiến đang bỏ trống. Tại sao không chung tay giữa 2 địa phương lân cận Bình Phước -Bình Dương để khai thác các bệnh viện dã chiến? Bộ Y tế nên chỉ đạo liên kết vùng trong điều trị Covid-19 để tránh lãng phí và bất cập. 

Các tin khác