Lý Tà Dèn - người bảo tồn thuốc quý

(ĐTTCO) - Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang có nhiều bài thuốc quý từ các dược liệu thu hái trên rừng. Từ xa xưa, bà con người Dao nơi đây đã thu hái dược liệu làm thuốc dùng trong gia đình và buôn bán nhỏ lẻ ở chợ. Thế nhưng do bị khai thác nhiều, lượng cây thuốc trên rừng cạn kiệt, đã khiến việc lưu giữ nguồn gen cây thuốc quý trở nên cấp bách. 
Các thành viên HTX Nặm Đăm sơ chế dược liệu.
Các thành viên HTX Nặm Đăm sơ chế dược liệu.
Ước mơ bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý
Ban đầu, chàng thanh niên người Dao Lý Tà Dèn trồng và thu hái các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên để chế biến thành các sản phẩm phục vụ du khách đến thăm cao nguyên đá Đồng Văn.
Nhưng sau khi tìm hiểu và biết rằng lượng cây thuốc trên rừng đang cạn kiệt do bị khai thác nhiều, Lý Tà Dèn đã quyết tâm thành lập hợp tác xã (HTX) để bảo tồn cây thuốc, bài thuốc quý của dân tộc mình, và xa hơn là biến nó thành lợi thế phát triển kinh tế, góp phần giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Năm 2014, HTX Cộng đồng Nặm Đăm ra đời với 29 thành viên, đăng ký 22 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chủ yếu là trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu và kinh doanh các dịch vụ như tắm lá thuốc, xông hơi, dịch vụ lưu trú, điều hành tour du lịch…
Thời gian đầu hoạt động, HTX Nặm Đăm gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, sản phẩm làm ra bán không hết. Chỉ nửa năm sau, thành viên HTX dần xin rút, chỉ còn lại 7 người. “Sản phẩm làm ra khó bán nên không có thu nhập, nhiều thành viên chán nản xin rút vốn. Khoản góp vốn ban đầu 2 tỷ đồng chỉ còn chừng 200 triệu đồng” - Lý Tà Dèn chia sẻ.
Nhưng chàng thanh niên này không nhụt chí. Nhìn thấy nguồn dược liệu quý không dễ nơi đâu có được, Lý Tà Dèn và 6 thành viên còn lại quyết tâm theo đuổi khao khát của mình. Anh tìm tới Đại học Dược Hà Nội và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia ở đây về chuyên môn và quy trình sản xuất.
Anh cũng kết nối với các công ty dược để được tư vấn về công nghệ và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Để đảm bảo nguồn cung dược liệu và bảo tồn được những loài dược liệu quý bản địa, năm 2016 HTX kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam, triển khai dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao”. 
Vậy là HTX đã mở rộng được diện tích vườn ươm lên tới 3.000m2, lưu giữ hơn 100 loài dược liệu quý như củ dòm, atiso, kim ngân, đương quy đỏ... Vườn ươm đảm bảo đủ cung ứng giống cho HTX và bà con địa phương. Lý Tà Dèn cũng khuyến khích các thành viên phát triển cây dược liệu trên nương, ruộng, vườn của chính gia đình mình theo đúng kỹ thuật và bán lại sản phẩm cho HTX.
Khi đã có được nguồn nguyên liệu ổn định, HTX Nặm Đăm đầu tư xây dựng khu sấy, nhà xưởng chế biến, hệ thống máy móc chưng cất tinh dầu, nấu cao thảo dược để làm những sản phẩm hoàn chỉnh, tiện lợi cho người tiêu dùng. HTX cũng xây dựng được nhà tắm lá thuốc, hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu, diện tích trên 4.000m2 để sản xuất thực phẩm chức năng, đầu tư máy móc thiết bị, nồi chiết suất bằng hơi công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày, tổng kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng.

Nỗ lực không ngừng nghỉ
Sản phẩm làm ra, Lý Tà Dèn cùng các xã viên đích thân mang đi tham gia, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm nông nghiệp và y dược từ Bắc chí Nam. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm dược liệu truyền thống quý, HTX Nặm Đăm còn trưng bày, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm này tại các điểm dừng chân cho khách du lịch...
Lý Tà Dèn còn xây dựng mã QR code, đồng thời ký hợp đồng với các doanh nghiệp để mở chuỗi cửa hàng thảo dược ở Hà Nội và TPHCM; mở kênh quảng bá, bán sản phẩm qua mạng. Khi đã làm ăn được, bà con tin và dần dần vào lại HTX. 
Đến nay HTX Nặm Đăm đã có 25 hộ đăng ký làm thành viên, hộ góp ít đất vài ngàn m2, hộ nhiều góp cả ha để trồng dược liệu. Thành viên HTX được các doanh nghiệp hỗ trợ về mặt giống, kỹ thuật, đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. Sau khi thu hoạch, nguyên liệu thô sẽ được HTX đứng ra thu mua, sau đó đưa vào chế biến.
Sau 6 năm hoạt động, HTX Nặm Đăm đã tạo được thương hiệu về sản phẩm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh khá ổn định, được nhiều người tin dùng, có chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm, HTX trồng 5-10ha cây dược liệu, sơ chế, chế biến được hơn 200 tấn nguyên liệu thô; đã sản xuất được nhiều sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2019  là cao atiso và trà gừng cao nguyên đá. 
Hiện doanh thu HTX đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trên 20%, mỗi xã viên được trả lương 3-4 triệu đồng/tháng và cuối năm được trả cổ tức từ số cổ phần góp vốn. Ước mơ biến “quê hương thành trung tâm dược liệu bảo tồn giá trị cây thuốc của đồng bào Dao chàm” chàng trai trẻ Lý Tà Dèn ngày nào theo đuổi đã thành hiện thực. 
Cũng nhờ kiên trì bảo tồn nguồn gen của các cây thuốc quý song song với phát triển kinh tế, du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Dao mà lượng khách du lịch đến với thôn Nặm Đăm ngày càng nhiều. Những năm gần đây, đời sống của người dân Nặm Đăm dần được nâng cao nhờ nguồn thu nhập từ cây dược liệu và các dịch vụ phục vụ du khách.
Sau hơn 7 năm, toàn thôn có 19 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ trên 190 khách du lịch/ngày đêm. Đời sống bà con khấm khá, gần như không còn hộ nghèo.

Các tin khác